• Đời sống xã hội

Nghề “trượt mong” ở Mỏ Ó

18/02/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Chí Bảo
  • Thứ Bảy, 18/02/2017 | 06:00

STO - Những bãi bồi ven biển là nơi trú ngụ của các loài hải sản: cua, sò, nghêu, cá... mỗi lúc thủy triều rút xuống để lại một bãi bùn dài hàng chục kilômét, người dân sinh sống ở bãi biển thuộc ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình (Trần Đề) lại tất bật chuẩn bị ra bãi biển tìm bắt hải sản để mưu sinh.

“Ướt quần là có tiền”

Đó là ký ức đẹp một thời của chú Tăng Hiền, có hơn 30 năm làm nghề giăng lưới, bắt hải sản mưu sinh trên bãi biển Mỏ Ó. Chú Hiền cho biết: “Trước đây, bãi biển nơi đây cá, cua rất nhiều, chỉ cần lội vài giờ là được vài chục kg, mỗi khi thủy triều rút cạn, cả xóm ai cũng ùa ra bãi biển tìm bắt hải sản để bán, hễ “ướt quần là có tiền”, nhưng bãi biển nơi đây là sình lầy nên không thể lội hàng cây số trong vài giờ đồng hồ nỗi, nên họ đã nghĩ ra cách lấy một tấm ván mỏng đóng thành phương tiện di chuyển trên bùn lầy nhanh và nhẹ nhàng từ trong bờ ra đến thềm nước để thả lưới bắt cua, cá, sò. Cách di chuyển là một chân quỳ lên tấm ván còn một chân dưới bùn đẩy cho ván lướt đi, hầu như toàn lực dồn về mong, nên mọi người thường gọi là “trượt mong””.

Các ngư dân “trượt mong” .

Hiện nay, nghề “trượt mong” tìm bắt hải sản ven biển đã trở thành nghề mưu sinh thường nhật của người dân nghèo ở ấp Mỏ Ó, nhưng nghề “trượt mong” không còn kiếm được nhiều hải sản như trước nữa, nên thu nhập cũng rất bấp bênh và người mưu sinh bằng nghề này cũng thưa thớt dần.

Anh Lý Tính là người đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề “trượt mong” chia sẻ: “Nhà tôi nghèo không đất sản xuất, chỉ mưu sinh bằng nghề “trượt mong” bắt cua, cá, nên bất kể ngày hay đêm hễ giờ nào thủy triều rút cạn là ra bãi biển mò cua, bắt cá. Nhưng mỗi tháng ra biển khoảng được 10 ngày, các ngày còn lại thường biển động, sóng to, gió thổi mạnh không đi được. Thông thường, ngư dân “trượt mong” đi khoảng vài kilômét, nhưng cũng có hôm phải đi đến cả chục kilômét nếu không muốn về tay trắng. Mỗi buổi đi khoảng 4 tiếng đồng hồ”.

Còn anh Trần Có (37 tuổi), người có gần 20 năm sống bằng nghề “trượt mong” tâm sự: “Nghề này cực lắm, người nào có sức khỏe chịu cực giỏi mới còn bám nghề, trước đây cua, cá nhiều, mỗi ngày có thể kiếm khoảng 1 triệu đồng, nhưng bây giờ đi cả buổi kiếm nhiều lắm khoảng 200.000 đồng đến 300.000 đồng, có hôm không có con nào. Nhiều thanh niên không theo nghề này nữa, mà lên Bình Dương làm công nhân thu nhập ổn định hơn”.

Gia đình anh Trần Có thuộc diện hộ nghèo, lại đông con nên cuộc sống khá vất vả, 4 người con lớn đang học tiểu học, còn đứa con gái út của anh mới 9 tháng tuổi, cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào nghề “trượt mong” của anh. Anh Có chia sẻ: “Vì muốn các con ăn học đến nơi đến chốn, nên tôi ở lại quê nhà bám biển mưu sinh, vợ chồng tôi không đi làm ăn xa, mỗi lần thấy tôi đi “trượt mong” về, vợ tôi bồng con ra đường nhìn từ xa, lúc nào thấy tôi xách nặng là biết hôm đó thu hoạch khá, rất vui mừng, còn thấy tôi đi nhanh lẹ là biết hôm nay cá ít nên rất lo lắng cho cuộc sống của gia đình”.

Nghề nhiều rủi ro

Nghề “trượt mong” lặn lội tìm bắt hải sản trên bãi biển khơi luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ bị thương tích. Song, vì miếng cơm, manh áo, nên nhiều gia đình nghèo không đất sản xuất, không có việc làm ổn định phải bám nghề để mưu sinh.

Anh Nguyễn Quốc Kha cho biết: “Do lội bằng chân không cả chục kilômét trên bãi biển mỗi ngày, nên rất dễ bị đạp cá ngát hay vật sắc nhọn, có khi đi soi đêm bị nhiễm lạnh, bệnh đột ngột trên biển phải nhờ anh, em đi cùng đưa về nhà”.

Còn chị Lâm Thị Kim Loan chia sẻ: “Có lần tôi cùng cha tôi đi “trượt mong”, mỗi người đi mỗi hướng tìm bắt hải sản, do lội xa, nên lúc trở về gặp gió mạnh tôi bị kiệt sức, ngất xỉu nằm trên bãi biển, nước biển dâng lên ngập gần hết cả người, rất may mắn là có người “trượt mong” cùng đường nên phát hiện, sơ cứu, rồi đỡ tôi ngồi trên mán “trượt mong” đẩy vào bờ, nếu không tính mạng tôi không còn”.

Nhiều gia đình mưu sinh bằng nghề “trượt mong” ở Mỏ Ó mong muốn có được những công ty xí nghiệp ở trên địa bàn huyện, không phải đi làm ăn xa, để chuyển đổi nghề “trượt mong” mưu sinh đầy khó nhọc này.

Anh Trần Có ngư dân ấp Mỏ Ó nở nụ cười tươi sau mỗi lần thụt hang bắt được cá.

“Thời điểm hiện tại, ấp Mỏ Ó còn khoảng 70 hộ làm nghề “trượt mong” đánh bắt hải sản mưu sinh. Nguồn lợi hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt nên họ không còn mặn mà với nghề này nữa. Nếu trước đây, một đêm ngư dân có thể bắt được gần chục kg thì bây giờ con số đó chỉ khoảng 3 - 4kg, thậm chí là không được con nào” - đồng chí Triệu Văn Thống - Phó Ban nhân dân ấp Mỏ Ó trăn trở. Thêm vào đó, nhiều năm nay, các công ty xí nghiệp ở các thành phố lớn ngày càng nhiều, thu hút không ít thanh niên tìm hướng làm ăn mới, khiến người dân dần rời xa nghề “trượt mong”.

Theo đồng chí Triệu Văn Thống, những hộ làm nghề “trượt mong” đa phần là gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, không đất sản xuất, thời gian qua chính quyền địa phương cũng quan tâm hỗ trợ nhà tình thương. Những gia đình có điều kiện chăn nuôi, buôn bán nhỏ, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện để họ vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Sắp tới, khi Bến cá Mỏ Ó xây dựng hoàn thành sẽ có doanh nghiệp vào đầu tư, người dân địa phương có cơ hội tìm được việc làm để tăng thu nhập, cải thiện đời sống hơn.

Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, chúng tôi nhìn ra bãi biển Mỏ Ó, những ngư dân mưu sinh bằng nghề “trượt mong” lần lượt trở về. Chúng tôi thấy được những nụ cười tươi trên khuôn mặt sạm nắng của những ngư dân. Dưới ánh nắng trưa chói chang, những khuôn mặt nhuộm màu nắng cho chúng tôi cảm nhận được vị mặn qua từng hơi thở, cái vị mặn mòi của biển hòa lẫn vị mặn đắng của nghề “trượt mong” mưu sinh đầy khó nhọc.

Chí Bảo

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: