• Đời sống xã hội

Sene Đôn Ta - lễ nghi truyền thống lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer

17/09/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 17/09/2020 | 06:00

STO - Ph’chum-banda hay Sene Đôn Ta là một trong những lễ nghi truyền thống lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer. Đây là lễ nghi định kỳ quan trọng nhằm thể hiện đạo lý “cây có cội, nước có nguồn”, lòng hiếu thảo của các thế hệ con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cầu phước cho linh hồn những người đã khuất và tri ân tổ tiên phù hộ cho con cháu, phum sóc được an vui…

Sau khi trang trí xong các mâm lễ vật, các cụ khoe thành phẩm của mình. Ảnh: THẠCH PÍCH

Nét đặc sắc của mùa lễ Ph’chum-banda

Hàng năm, bắt đầu từ ngày 1 rốch của tháng Photh-tro-both đến 1 kơth tháng A-such theo lịch của người Khmer, tại các chùa Nam tông Khmer diễn ra mùa lễ Ph’chum-banda, Kanh-banda hay lễ Sene Đôn Ta. Mùa Ph’chum-banda năm nay bắt đầu từ ngày 3-9 và sẽ kết thúc mùa lễ đến hết ngày 18-9 (dương lịch).

Theo ghi nhận của chúng tôi, đã gần nửa tháng nay, cả đêm lẫn ngày, tại các điểm chùa Khmer ở Sóc Trăng đều có không khí của mùa lễ Ph’chum-banda hay Kanh-banda (nghĩa chung của các từ này gọi là đặt hoặc cơm vắt) diễn ra theo phong tục, tập quán của đồng bào Khmer. Để tìm hiểu thêm đôi nét về cách thức chuẩn bị lễ vật cũng như nghi thức sinh hoạt, chúng tôi đã có mặt tại điểm chùa Mahatup (chùa Dơi), Phường 3 (TP. Sóc Trăng). Nhìn 2 cụ bà ở tuổi gần 90 mà vẫn miệt mài với việc làm cắt cờ cá sấu, cờ tre để chuẩn bị trang trí các mâm bai-band (cơm vắt) và mâm bai-bâth-bôr… rất đẹp mắt. Khi trò chuyện, cụ bà Sơn Thị Phiên, nhà ở Phường 9 (TP. Sóc Trăng) tâm sự: “Đã 10 năm nay rồi, mỗi lần đến mùa Ph’chum-banda, tức là trong nửa tháng, cụ đều đến chùa ăn, ở để tụng kinh, cắt giấy, cờ để trang trí các mâm cơm cho từng wên (tổ)”. Theo cụ Phiên, mỗi mâm cơm có ý nghĩa khác nhau... Mọi thứ đều chuẩn bị trước cho đêm hôm sau.

Cũng như cụ Phiên, cụ Lý Thị Dul, năm nay đã 85 tuổi cũng ở Phường 9 (TP. Sóc Trăng), mỗi khi đến mùa lễ Ph’chum-banda cụ cũng góp mặt xuyên suốt trong thời gian diễn ra mùa lễ. Cụ Dul chia sẻ: “Thấy việc làm có ý nghĩa, con cháu rất ủng hộ. Khi trang trí các loại mâm cơm xong, hàng đêm đến khoảng 3 giờ sáng cụ thức dậy. Khi các vị chư tăng đánh trống, cụ cùng bà con phật tử bưng mâm cơm, lễ vật lên chánh điện để cúng dường các vị chư tăng tụng kinh, cầu siêu cho thân tộc đã khuất. Dù tuổi già sức yếu nhưng làm được việc có ích, cụ rất vui mừng”. 

Đúng như cụ Dul chia sẻ, đến tầm khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi tiếp tục hành trình trở lại một số điểm chùa Khmer, để tìm hiểu thêm về nét sinh hoạt đặc sắc của nghi lễ Bós-bai-banda, Ph’chum-banda này. Dù trời vẫn còn tối, nhưng khi các vị chư tăng đánh trống báo hiệu của mùa nhập hạ, ngoài mâm cơm được bà cụ chuẩn bị sẵn từ trước, đông đảo bà con phật tử, mỗi người tay cầm dĩa, bưng khay cơm vắt, hay mâm vật lễ… tiến về ngôi chánh điện cúng dường các vị chư tăng để tụng kinh, cầu siêu cho những người đã khuất.

Trong không gian của ngôi chánh điện, từng chiếc mâm cơm vắt hay khay Bai-banda với nhiều dáng vẻ trang trí với nhiều loại cờ cá sấu khác nhau trông như một quần thể hình tháp thu nhỏ. Cảnh tượng này càng lung linh, huyền ảo hơn khi màn, mùi khói trắng toát lên từ những cây nhang trong ánh lửa đang cháy từ những ngọn đèn cầy. Bà con tiến hành nghi lễ bái Tam bảo, sau đó, các vị sư tụng kinh cầu siêu. Tiếng cầu kinh vang lên giữa đêm khuya vắng lặng trong ngôi chánh điện, được phát ra từ sự tĩnh tâm của bà con phật tử và chư tăng. Khi mặt trời chuẩn bị ửng hồng khoảng 5 giờ sáng, bà con bưng khay cơm vắt của mình đi ra ngoài hành lang đặt xung quanh ngôi chánh điện để cầu phước...

Tương tự, tại chùa Bai Chhau (Bãi Xàu), thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên) là một trong những ngôi chùa có tín đồ phật tử đông. Ngoài bà con phật ở gần thị trấn Mỹ Xuyên còn có nhiều phật tử đến từ Phường 9 (TP. Sóc Trăng), xã Tài Văn, xã Thạnh Thới An (Trần Đề) và một phần của xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên) cũng đến cúng dường và Bós-bai-banda mỗi đêm. Đại đức Trần Sà Phên - Trụ trì chùa Bai Chhau cho biết: “Do bổn chùa có 15 ngôi sala tel và nhiều tín đồ phật tử ở khắp các vùng sâu vùng xa. Chính vì vậy, đến mùa lễ Ph’chum-banda, nhà chùa đều phân chia mỗi wên phụ trách 1 ngày, 1 đêm để dâng cơm đến các vị chư tăng trong chùa và đặt cơm vắt theo phong tục, tập quán. Hồi xưa, đến mùa lễ này vui lắm, những wên ở vùng sâu, bà con đến chùa thường bằng phương tiện ghe, xuồng. Họ còn chở cả củi, nồi, chảo, mùng, mền, chiếu… theo để nấu nướng, ngủ tại chùa cho thuận tiện trong việc sinh hoạt các nghi thức lễ. Ngày nay, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, đời sống bà con được nâng lên, việc đi lại dễ dàng, nên chỉ còn số ít bà con ngủ tại chùa”.

Các vị chư tăng tụng kinh cầu siêu cho những người đã khuất tại ngôi chánh điện. Ảnh: THẠCH PÍCH

Trang trọng trong ba ngày lễ chính

Theo phong tục, tập quán của người Khmer, ngoài thời gian gần nửa tháng đi Bós-bai-banda tại các điểm chùa, thì lễ Sene Đôn Ta được diễn ra trong 3 ngày chính và mỗi ngày mang mỗi ý nghĩa khác nhau.

Theo đó, ngày thứ nhất là ngày cúng nghênh tiếp tổ tiên (người đã khuất) diễn ra tại các gia đình có bàn thờ tổ tiên. Vào dịp này, người ta dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên. Sau đó, con cháu thường đến thăm hỏi chúc sức khỏe, tặng quà cho ông bà, cha mẹ, cô bác trong thân tộc để bày tỏ lòng biết ơn. Đến buổi trưa, đây là thời khắc linh thiêng trang trọng, họ hàng và gia đình sum họp đầy đủ cùng nhau làm lễ cúng... Sau đó, gia đình, họ tộc, bạn bè cùng nhau ăn uống mừng đón lễ Sene Đôn Ta. Buổi chiều tối cùng ngày mọi người trong nhà ăn mặc tươm tất, thắp hương, khấn vái mời ông bà đã quá cố cùng đến chùa để nghe các vị chư tăng tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp.

Bước sang ngày thứ hai, tức là ngày lễ chính tại chùa, đồng bào Khmer chuẩn bị các lễ vật cần thiết dâng đến chùa làm lễ Ph’chum-banda và thắp hương bàn thờ tổ tiên cầu mời vong linh của tổ tiên, ông bà cùng đi theo vào chùa. Cũng trong thời gian diễn ra lễ Sene Đôn Ta tại chùa, nhiều địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để cho bà con có không khí phấn khởi, vui tươi trong ngày lễ. Tuy nhiên, lễ năm nay diễn ra trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, Ban Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh yêu cầu các điểm chùa không tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí; tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer tổ chức các hoạt động mừng lễ Sene Đôn Ta đúng phong tục, tập quán, tổ chức gọn nhẹ, an toàn và tiết kiệm…

Đến ngày thứ ba là ngày cúng tiễn ông bà tổ tiên và cũng là ngày đầu của tháng mới A-such (theo lịch người Khmer), đồng bào Khmer tổ chức cúng tổ tiên ông bà và họ hàng thân tộc không còn được ở dương thế. Theo phong tục, thì mỗi gia đình chuẩn bị mâm cơm cùng thức ăn, bánh trái, rượu trà cúng tiễn. Đặc biệt là chuẩn bị một phương tiện (thường làm bằng bẹ chuối kết thành chiếc thuyền, dài từ 60cm), được trang trí cờ phướn hình tam giác, cờ cá sấu màu sắc rực rỡ. Sau 3 lần rót rượu và trà khấn vái, chủ nhà gắp thức ăn mỗi thứ một ít kèm theo cả lúa, gạo, muối, đậu, bánh trái, tiền… đựng trong gói nhỏ (mang tính tượng trưng) đặt trong chiếc thuyền để cúng ông bà. Khi thắp nhang khấn vái xong họ đem thả dưới sông, kênh rạch hoặc ao hồ gần nhà nhằm đưa tiễn ông bà...

Cả 3 ngày này đều được tổ chức rất trang nghiêm, ngoài cúng tế theo tín ngưỡng dân gian, tôn giáo, lễ Sene Đôn Ta hay Ph’chum-banda đã có sự kết hợp hài hòa, mang tính nhân văn và tính giáo dục đạo đức sâu sắc của cộng đồng người Khmer.

THẠCH PÍCH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: