• Đời sống xã hội

Sóc Trăng quan tâm, chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin

10/08/2020 11:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 10/08/2020 | 11:00

STO - Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn hiện hữu trong nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin. Để góp phần chia sẻ, xoa dịu nỗi đau ấy, thời gian qua, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Niềm vui có nhà mới

Căn nhà mới của gia đình anh Thạch Sà Rinh, ngụ ấp Khoan Tang (Long Phú). Ảnh: THẠCH PÍCH

Dẫn chúng tôi theo con lộ đal để tìm đến thăm gia đình anh Thạch Sà Rinh, ngụ ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú (Long Phú) - nơi có người bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam/dioxin của huyện, cô Huỳnh Thu Nga - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin và Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày chia sẻ, gia đình anh Sà Rinh có hoàn cảnh rất khó khăn. Hàng ngày, anh phải đi làm thuê, làm mướn cho người ta để có tiền nuôi vợ, con, đặc biệt đứa con trai là Thạch Sóc Kha (bị phơi nhiễm chất độc hóa học) nằm liệt trên giường suốt hơn 20 năm qua. Xét thấy hoàn cảnh rất khó khăn, nên Huyện hội đã vận động các mạnh thường quân, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Phú hỗ trợ 40 triệu đồng, cùng với số tiền tích cóp và góp ngày công xây dựng của gia đình, anh đã có căn nhà kiên cố, rộng 40m2, mái lợp tôn, tổng kinh phí gần 60 triệu đồng.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới, anh Thạch Sà Rinh vui mừng cho biết: “Cả đời tôi không bao giờ dám mơ ước có được ngôi nhà kiên cố như thế này. Được như ngày hôm nay, gia đình tôi rất cám ơn Đảng và Nhà nước cũng như các ban ngành, Huyện hội đã quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí để xây dựng một mái nhà ấm áp tình thương như thế. Có nhà mới, gia đình tôi cũng yên tâm làm ăn và chăm lo cho đứa con trai bị bại liệt được chu đáo hơn”.

Hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế

Anh Lê Quốc Hội, ngụ Ấp 2, thị trấn Long Phú (Long Phú) với mô hình nuôi gà. Ảnh: THẠCH PÍCH

Anh Lê Quốc Hội (44 tuổi), ngụ Ấp 2, thị trấn Long Phú (Long Phú) là một trong những tấm gương có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Với gương mặt phúc hậu nhưng đôi chân thì bị teo, đi đứng gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2016, anh Hội đã được Hội NNCĐDC/dioxin và Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Long Phú hỗ trợ vốn vay không lãi, với số tiền 10 triệu đồng. Sau khi tiếp nhận nguồn vốn trên, anh đã mua 1 con bò thịt về nuôi. Qua một thời gian nuôi vỗ béo, anh bán và thu về tiền lãi gần 6 triệu đồng, sau đó anh tiếp tục mua 300 con gà về nuôi. Mỗi đợt anh thu hoạch gà, trừ chi phí anh còn lời được 5 - 6 triệu đồng. Anh Lê Quốc Hội phấn khởi cho biết: “Tôi rất vui mừng và cám ơn Huyện hội đã tạo điều kiện hỗ trợ vốn sản xuất. Nguồn vốn vay này đã giúp gia đình tôi giải quyết được phần nào khó khăn trong cuộc sống. Ngoài chăn nuôi gà, hàng ngày tôi còn tranh thủ đi bán vé số dạo ở khắp thị trấn Long Phú để có nguồn thu nhập nuôi các con ăn học. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, 2 đứa con gái của tôi đều chăm ngoan, học tốt”.

Chị Lâm Thị Xuân Dung, ngụ Khóm 5, Phường 3 (TP. Sóc Trăng) cùng với chiếc xe Honda 3 bánh đi bán nhãn dạo. Ảnh: THẠCH PÍCH

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Lâm Thị Xuân Dung (36 tuổi), ngụ Khóm 5, Phường 3 (TP. Sóc Trăng) là một nạn nhân bị khuyết tật do di chứng chất độc da cam/dioxin. Mặc dù bị teo cơ, cả hai chân yếu, vẹo cột sống đi đứng khó khăn, nhưng bằng nghị lực vượt lên số phận, chị đã học hết chương trình đại học và cố gắng lao động để nuôi người mẹ mù (gần 70 tuổi) và đứa con trai 6 tuổi ăn học.

Chị Xuân Dung chia sẻ: “Khi sinh ra được 6 tuổi, trong một lần bị bệnh sốt, hai chân teo dần không còn đi đứng như bình thường nữa, còn cột sống thì bị vẹo. Mặc dù đi đứng khó khăn, đôi chân cũng không thể làm được công việc nặng nhọc nhưng chưa bao giờ tôi có ý định buông xuôi số phận mà còn phấn đấu học tập tốt. Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi xin đi làm ở một công ty dược tại TP. Sóc Trăng, nhưng vì hoàn cảnh gia đình đơn chiếc nên tôi đã xin nghỉ, đi bán vé số để nuôi gia đình”.

Xét thấy hoàn cảnh khó khăn, năm 2018, Hội NNCĐDC/dioxin TP. Sóc Trăng hỗ trợ vốn cho chị Lâm Thị Xuân Dung 5 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Khi nhận được nguồn vốn trên, chị Dung đem đi trả nợ một phần, số tiền còn lại chị nhận vé số đi bán dạo trên địa bàn TP. Sóc Trăng. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, chị nghỉ bán vé số mà thay vào đó là đi bán trái cây dạo. Theo chị Dung, hàng ngày vào buổi sáng, chị đi bán dạo tại chợ Phường 2, buổi chiều bán trước cổng Công ty Stapimex, Phường 7 (TP. Sóc Trăng), một ngày bán được gần 20kg, thu nhập tạm ổn. Từ số tiền tích lũy, chị quyết tâm hoàn trả vốn cho Thành hội.

Ông Nguyễn Đại Lượng - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh trao bảng tượng trưng số tiền hỗ trợ cho hộ nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: THẠCH PÍCH

Ông Nguyễn Đại Lượng - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh cho biết: “Những năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ, trợ cấp cho nạn nhân và gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sự sẻ chia, chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng đã bù đắp phần nào những mất mát, thiệt thòi, đem lại cho những người bị nhiễm và khuyết tật do di chứng chất độc da cam/dioxin niềm hy vọng để họ vươn lên hòa nhập cộng đồng và sống có ích. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Tỉnh hội phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức từ thiện, đoàn từ thiện Thành Tâm… vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam dưới nhiều hình thức, với tổng số tiền hơn 4,1 tỉ đồng. Từ nguồn kinh phí đó, các cấp hội đã tổ chức trao tặng được 11.122 phần quà, hơn 77 tấn gạo, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 1.165 người, xây dựng được 5 căn nhà, xây 2 cây cầu giao thông nông thôn, 1 xe lăn…

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Tỉnh hội sẽ nỗ lực để đổi mới phương pháp và cách thức giúp đỡ, chăm lo đời sống các hội viên tốt hơn. Các cấp hội tiếp tục tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Đồng thời, nắm và rà soát các nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở, xe lăn, xe lắc, học bổng, vay vốn sản xuất, tìm việc làm... để làm cơ sở vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân”.

THẠCH PÍCH

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay số người hưởng chính sách người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là 2.593 người; trong đó, gián tiếp 500 người, trực tiếp 2.093 người.

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: