• Đời sống xã hội

Tâm tình nhà báo

20/06/2020 11:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 20/06/2020 | 11:00

STO - Thật sự thu hoạch không nhỏ khi có dịp tiếp xúc, trò chuyện và có cơ hội làm việc cùng các chú, các anh trong quá trình làm nghề báo. Từ các chú, các anh, những người làm báo trẻ sẽ học hỏi được rất nhiều điều về nghề. Cho dù hiện tại, có người chuyển công tác khác, có người nghỉ hưu nhưng ở họ - những người đã và đang làm báo luôn tràn đầy nhiệt huyết, nhiệt tình với nghề.

Nhà báo Tạ Đình Nghĩa - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng: “Chúc các bạn luôn giữ được “chất lửa” với nghề và góp sức tốt cho sự nghiệp báo chí địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại mới”

Đến tháng 3 vừa rồi là đã được 28 năm tái lập tỉnh. Còn nhớ 28 năm trước, khi Báo Sóc Trăng phát hành ấn bản đầu tiên cũng đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời điểm đó, chúng tôi chỉ có đúng chục người trong cả tòa soạn, trong đó có 7 anh em từ Báo Hậu Giang (cũ) “chia về”. Suốt 6 số báo đầu, Tổng Biên tập vẫn đang phải hoàn thành chương trình cao cấp lý luận chính trị ở Hà Nội, đồng chí Tô Bửu Giám lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy phải qua “kiêm nhiệm” luôn cả trách nhiệm Tổng Biên tập. Là người chu đáo, cẩn trọng nhưng cũng rất quyết đoán, chú Năm Giám lúc đó quyết định phát hành ngay số đầu tiên với 2.300 bản - một con số không nhỏ đối với tờ báo mới ra mắt, nhất là báo tỉnh thời bấy giờ.

Nhà báo Tạ Đình Nghĩa phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: KGT

Rồi mọi chuyện cũng dần vào quỹ đạo. Thời đó, chuyện làm báo còn rất nhiều khó khăn. Thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang bị máy móc, cán bộ, phóng viên, nhân viên đều ăn ở tạm bợ… Ấy vậy mà chẳng ai than khổ, than nghèo. Cứ xốc tới, chung vai chung sức, chia sẻ công việc mà làm. Từ 1 kỳ/tuần lên 2 kỳ/tuần. Từ số phát hành hai, ba nghìn từng bước lên năm, sáu nghìn, tám, chín nghìn tờ mỗi kỳ. Cá biệt có những lúc thông tin bám sát những sự kiện thời sự nổi bật, thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả… thì phát hành trên cả vạn bản hàng mấy kỳ liền. Để làm được những điều ấy là nhờ cả một sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của cả một tập thể đoàn kết, năng động mà mỗi cá nhân trong đó đều giàu tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, cầu tiến, tích cực sáng tạo…

Ngay từ những năm đầu tiên, chúng tôi đã đi vận động, phối hợp với các ngành, các địa phương trong tỉnh để tăng cường tuyên truyền, thông tin song song với mở rộng phát hành. Ấn phẩm báo in, Báo Sóc Trăng mạnh dạn “ký gửi” trên các sạp báo từ thành thị đến nông thôn, quán cà phê, khách sạn... Dù mỗi tuần mới ra được một kỳ nhưng ngoài “hàng nằm”, chuyên mục, chuyên đề… luôn có những bài “đinh”, thông tin thời sự nổi bật. Có những sự kiện xảy ra vào buổi chiều trước ngày ra báo, thậm chí có những sự kiện lớn tổ chức buổi tối, sáng ra đã có trên mặt báo. Mà hồi mấy năm đầu đó, Báo Sóc Trăng còn được in ở Cần Thơ. Phóng viên dự sự kiện phải về viết ngay (bằng tay), biên tập thức đêm mà coi, khâu kỹ thuật cũng làm khuya để anh họa sĩ phụ trách thư ký tòa soạn leo lên xe đò ôm nguyên maquette đi in cho kịp sáng sớm phát hành báo…

Bây giờ, báo chí địa phương nói chung, báo in nói riêng đang đứng trước những thách thức, khó khăn mới nhưng cũng không ít những điều kiện thuận lợi hơn chúng tôi ngày xưa. Trước vận hội mới, năng lực sáng tạo, tính chuyên nghiệp, tinh thần cầu tiến, mối quan hệ đoàn kết, hợp tác đa phương trong và ngoài cơ quan truyền thông đại chúng của mỗi cá nhân nhà báo và từng bộ phận chuyên môn hay cả tập thể tòa soạn báo chí là những nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến sự tồn vong, phát triển của cơ quan đó. Chúc các bạn luôn giữ được “chất lửa” của người làm báo cách mạng và góp sức tốt để tờ báo của Đảng bộ tỉnh cũng như sự nghiệp báo chí địa phương tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại mới.

Nhà báo Trần Văn Miêng - cựu phóng viên Báo Chiến Đấu (tiền thân của Báo Sóc Trăng): “Phóng viên phải đi thực tế, trải nghiệm mới có bài viết sống động”

Tôi tham gia cách mạng từ năm 1960 khi 16 tuổi, sau đó năm 1968 thì công tác tại Báo Chiến Đấu - tiền thân của Báo Sóc Trăng, làm phóng viên chiến trường, được bôn ba và sống ở rất nhiều địa phương khác nhau. Trong công tác và chiến đấu vào sinh ra tử biết bao lần, có nhiều trận tưởng mạng sống không còn.

Nhà báo Trần Văn Miêng. Ảnh: KGT

Nhớ những ngày sống, công tác và chiến đấu trên vùng đất Mỹ Xuyên khói lửa, có biết bao kỷ niệm buồn vui. Vai ba lô và chiếc thùng đạn đựng đồ dùng hàng ngày của tôi lúc nào cũng có giấy, viết, chiếc võng, tấm vải dù bông và tấm vải cao su. Lúc nào viết thì có sẵn giấy, viết; chỗ ngồi viết thường là chiếc thùng đạn kê lên cái ba lô hoặc cứ lấy sổ bìa dày kê lên vế mà viết. Đang làm việc nghe tiếng máy bay giặc liền thu dọn nhanh chóng vào ba lô, thùng sắt cất giấu chớp nhoáng.

Còn nhớ những tháng ngày ở Mỹ Xuyên đã biết bao lần chết hụt. Nhất là đi theo bộ đội, viết về bộ đội thì cũng mấy lần thập tử nhất sinh. Thông thường các phóng viên theo bộ đội viết bài thì ở chung với sở chỉ huy cao nhất. Tôi lại khác, bởi nghĩ là các anh chỉ huy chỉ nắm cái chung, có kể chuyện cũng kể chung chung. Còn gặp trực tiếp người lính thì khác. Sống với họ, cùng ăn cùng ngủ với họ, để lúc nào họ cũng có thể kể chuyện đánh giặc cho mình nghe, mà kể một cách tự nhiên với nhiều chi tiết đắt giá. Còn nếu chính mình trực tiếp nhìn họ đánh giặc lại là một vốn sống quý hơn cả.

Có lần đi theo Tiểu đoàn Phú Lợi theo phân công của tòa soạn, khi tiểu đoàn đánh chiếm khu hành chánh thuộc Chi khu Ngã Năm, tôi tưởng đã “anh dũng” hy sinh rồi. Dạo đó khoảng tháng 10-1969, tiểu đoàn đóng quân vùng Ngan Kè qua Xẻo Trích, xã Vĩnh Quới, huyện Thạnh Trị. Mặt trời sắp lặn, đơn vị bắt đầu hành quân. Suốt mấy tiếng đồng hồ chờ đợi rồi giờ G cũng đã tới. Đêm đó tôi tháp tùng với bộ phận quân y, bộ phận tiếp nhận thương binh, tử sĩ. Tôi đã đặt chân vào tận khu hành chánh của chi khu giặc. Anh em chiến sĩ thu dọn chiến trường, tôi cũng làm theo, vơ lấy một thùng sắt lớn chứa tới 500 viên đạn nặng trịch. Đến khi có lệnh rút tôi bị tụt lại phía sau. May mà đường cũng không xa lắm, cuối cùng theo kịp chiếc xuồng chở tử sĩ ra sau cùng. Lần đó tôi viết gửi về tòa soạn bài tường thuật còn nóng bỏng thuốc súng: “Tung hoành trong Khu Hành chánh Chi khu Ngã Năm”, được anh em ở nhà khen bài rất hay.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, tôi được điều động về Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang; sau đó công tác Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng. Tôi vẫn cộng tác với Báo Sóc Trăng và một số tạp chí thường xuyên, có điều kiện sinh hoạt, gặp gỡ, trao đổi với những anh, chị, em ở các cơ quan báo chí địa phương. Lúc nào tôi cũng nghĩ và tin rằng là nhà báo, người cầm bút phải đi thực tế, trải nghiệm và phải dám nói sự thật thì mới có bài viết sống động.

Nhà báo Danh Phương - cựu biên dịch viên Phòng Nghiệp vụ báo Khmer: “Cái quan trọng vẫn là đạo đức nghề nghiệp”

Công tác tại Báo Sóc Trăng từ năm 2001, nhiệm vụ là biên dịch tại Phòng Nghiệp vụ Báo Khmer, trước đó là những năm tháng tôi công tác tại Tờ tin Khmer của Sở Văn hóa - Thông tin Hậu Giang (cũ), Tạp chí Khmer Hậu Giang (cũ); đến năm 1992 khi tái lập tỉnh, tôi chuyển về công tác tại Tạp chí Khmer Sóc Trăng.

Nhà báo Danh Phương vẫn luôn say mê với việc nghiên cứu văn hóa Khmer. Ảnh: KGT

Khi đó, công tác tại Tạp chí Khmer Sóc Trăng, tôi chủ yếu là làm công tác biên dịch, chuyển ngữ từ chữ Việt sang chữ Khmer nên lúc nào cũng cầm theo cuốn từ điển bên mình và luôn học hỏi, trau dồi khả năng, kỹ năng dịch thuật. Tôi còn dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu về văn hóa Khmer, phong tục tập quán, nét sinh hoạt của bà con Khmer trên địa bàn tỉnh. Bởi vì muốn dịch bài viết từ chữ Việt sang chữ Khmer sát nghĩa nhất, ngoài việc bám sát theo bài viết nguyên bản, khả năng dịch thuật, thông thạo song ngữ, cần phải có vốn sống phong phú, vốn từ vựng tương đối. Đặc biệt phải am hiểu văn hóa Khmer, am hiểu chữ Khmer, đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán. Thỉnh thoảng, tôi được phân công xuống cơ sở tìm hiểu đời sống sinh hoạt của bà con để đưa tin, bài phản ánh hơi thở cuộc sống tại các địa phương.

Khi công tác tại Báo Sóc Trăng, mỗi ngày thực hiện dịch từ báo chữ Việt sang chữ Khmer ở nhiều thể loại tin, bài. Dù mỗi tuần Báo Sóc Trăng chữ Khmer chỉ có một kỳ nhưng đòi hỏi lực lượng biên dịch viên chúng tôi phải làm việc thật sự cật lực. Lúc này, càng đòi hỏi người biên dịch phải rèn luyện khả năng dịch thuật, tìm hiểu, nghiên cứu, thu thập thông tin, kiến thức về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội để bài báo thể hiện một cách trung thực nhất từ nguyên bản chữ Việt; phải chú ý đến câu cú, ngữ pháp. Những người biên dịch chúng tôi còn cần có khả năng viết; biết nhiều văn phong khác nhau khi biên tập bài viết từ văn bản này sang văn bản khác. Dịch thuật không chỉ là chuyển ngữ, còn phải chọn lựa một cách cẩn thận ngôn từ và ngữ điệu, để bài báo đến với người đọc một cách chất lượng và mượt mà nhất. Đôi khi, 2 từ giống nhau sẽ có nghĩa khác nhau trong những tình huống cụ thể. Vì thế, biên dịch viên cần phải hiểu một cách chính xác nghĩa của từ trong ngữ cảnh đặc thù.

Mấy mươi năm gắn bó với hoạt động báo chí, bây giờ đã nghỉ hưu nhìn lại xã hội ngày càng phát triển; báo chí, trong đó có Báo Sóc Trăng ngày càng làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân. Người làm báo nói chung, người làm công tác biên dịch nói riêng phải có đạo đức nghề nghiệp, trung thực, nói đúng sự thật, thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, góp phần cùng tập thể Báo Sóc Trăng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

KGT (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: