• Đời sống xã hội

Trần Đề

Tạo đà phát triển từ Chương trình 135

16/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: K.Thoa
  • Thứ Hai, 16/10/2017 | 06:00

STO - Trong những năm qua, huyện Trần Đề đã triển khai có hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống của người dân ở các xã đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Huyện Trần Đề hiện có 5 xã thuộc diện đầu tư theo Chương trình 135, gồm: Liêu Tú, Viên An, Viên Bình, Tài Văn và Thạnh Thới An. Đa số bà con ở những xã này là đồng bào Khmer, sống bằng nghề nông nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, huyện xác định nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 135 là một trong những nguồn lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội của từng địa phương phát triển. 

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 135, cơ sở hạ tầng nông thôn ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Trần Đề ngày càng khang trang.

Từ năm 2012 đến năm 2016, tổng nguồn vốn Chương trình 135 huyện Trần Đề được trên giao hơn 42,8 tỉ đồng. Huyện phân bổ thực hiện và giao cho UBND các xã đặc biệt khó khăn làm chủ đầu tư dưới sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của các phòng, ban chuyên môn của huyện. Các địa phương ưu tiên lựa chọn những công trình bức xúc, mô hình sản xuất hiệu quả để nguồn vốn phân bổ được phát huy hiệu quả.

Là một trong những xã có điểm xuất phát thấp, nhưng trong những năm qua, nhờ việc triển khai thực hiện nguồn vốn Chương trình 135 đã tạo “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thạnh Thới An. Theo lãnh đạo xã Thạnh Thới An, khi nhận được nguồn vốn phân bổ, chính quyền địa phương phối hợp triển khai thực hiện bình xét công khai đối tượng thụ hưởng nên nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Ngoài ra, xã còn lồng ghép với nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để giúp bà con thoát nghèo bền vững. Năm 2016, xã có 20 hộ tham gia thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 đều thoát nghèo. Hiện mô hình nuôi bò lai sind và bò sữa trên địa bàn xã mang lại hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần giảm nghèo bền vững cho nhiều hộ dân và mô hình đang tiếp tục được nhân rộng.

Cũng như nhiều hộ nghèo ở địa phương được hỗ trợ nguồn vốn từ Chương trình 135, vào năm 2015, cô Sơn Khil, hộ Khmer nghèo ở ấp An Hòa 1 được hỗ trợ vốn để mua bò về nuôi. Cô Sơn Khil phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi không có ruộng đất, thuộc hộ nghèo, được hỗ trợ vốn từ Chương trình 135 mua một con bò trị giá 15 triệu đồng. Đến nay, bò cho sinh sản đã bán một con bê được 6 triệu đồng. Nguồn thức ăn cho bò rất dễ kiếm, có thể tận dụng cỏ, rơm sẵn có. Vì vậy, gia đình đã có thêm thu nhập, từng bước vượt qua khó khăn”.

Cùng với việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 135, huyện Trần Đề còn thực hiện lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế khác, như: hỗ trợ đất ở, sản xuất, nước sinh hoạt, xây dựng nông thôn mới và các dự án nông nghiệp để bà con có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Từ nguồn vốn của các chương trình, dự án đã xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc ngày càng phát triển. Qua đó diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Hiện nay, các xã trên địa bàn huyện đều có đường ôtô về trung tâm xã, 100% xã có điện lưới quốc gia, trên 95% hộ đồng bào dân tộc được sử dụng điện. Nhận thức người dân ngày càng nâng lên, tập quán sản xuất của bà con thay đổi. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề Đặng Thanh Quang cho biết: “Chương trình 135 là một chương trình mang tính chất “nền tảng” giúp cho địa phương phát triển ổn định, trong đó, hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng là hai lĩnh vực được ưu tiên. Trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo Chương trình 135 của huyện phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ban ngành, đoàn thể, từ việc rà soát xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện đều được triển khai một cách đồng bộ, dân chủ, công khai. Tùy theo tính chất từng ngành mà phân bổ nguồn vốn cho phù hợp. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường và có sự tham gia của người dân. Hàng năm, căn cứ vào quyết định phân bổ nguồn vốn của tỉnh, UBND huyện phân khai chi tiết nguồn vốn kịp thời. Nhờ đó, nguồn vốn đầu tư vào các dự án công trình đến đối tượng thụ hưởng đều phát huy hiệu quả”.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình 135, thời gian tới, huyện Trần Đề tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục tiêu của chương trình nhằm phát huy nội lực của địa phương; huy động các nguồn vốn, chăm lo giải quyết chính sách xã hội; hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, phát triển du lịch, dịch vụ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… nhằm ổn định đời sống nhân dân.

Chương trình 135 là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước; đồng thời là một trong những chương trình giảm nghèo quan trọng, hỗ trợ hiệu quả đối với phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trần Đề nói riêng, tạo tiền đề vững chắc giúp bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung có điều kiện thuận lợi để vươn lên thoát nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống. Từ đó, tạo niềm tin vững chắc giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: