• Đời sống xã hội

Tiếng ồn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân

04/04/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 04/04/2021 | 06:00

STO - Kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật phát triển nhanh, cùng với đó là tiếng ồn “bủa vây” cuộc sống của người dân ở cả thành thị và các vùng nông thôn. Ô nhiễm tiếng ồn hiện nay đang có chiều hướng tác động xấu tới sức khỏe con người, chất lượng cuộc sống suy giảm, như: tiếng nổ động cơ xe, còi xe; nhà máy; công trình xây dựng; hát karaoke tại các khu dân cư, cửa hàng kinh doanh thiết bị âm thanh...

Xuất hiện ngày càng nhiều loại tiếng ồn

Mới đây, sau một ngày làm việc, cơm nước xong, tôi chủ động rủ một vài người bạn đồng niên trong xóm ra quán nước ngay vòng xoay Lê Duẩn - Mạc Đĩnh Chi ngồi “tán dóc” với nhau. Tưởng đâu có được phút giây thư giãn, đầu óc sẽ được nghỉ ngơi, nhưng không phải thế, tiếng ồn phát ra từ động cơ xe tải chở vật liệu xây dựng trên đường Mạc Đĩnh Chi - Lê Duẩn gầm rú, tài xế liên tục bấm còi đinh tai, nhức óc.

Người dân trên tuyến đường Mạc Đĩnh Chi bị ảnh hưởng từ tiếng ồn động cơ, còi xe tải. Ảnh: T.H

Anh Nguyễn Thanh Toàn, cư ngụ Khóm 4, Phường 4 (TP. Sóc Trăng) cho biết: “Tuyến đường Mạc Đĩnh Chi mới được Nhà nước đầu tư nâng cấp trải thảm bêtông nhựa nóng, xe chở vật liệu xây dựng từ các cửa hàng nằm trên đường Bạch Đằng chạy vào trung tâm thành phố nhiều hơn trước. Các tài xế xe tải thường sử dụng còi, nhấn ga tạo nên tiếng ồn của động cơ rất lớn. Hiện tại, đang vào mùa khô nắng nóng, thêm tiếng ồn của động cơ xe, còi càng làm người dân hai bên đoạn đường này thấy bức bối, khó chịu. Tôi sống ngay trên tuyến đường này, tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn của phương tiện giao thông phát ra nên luôn thấy ù tai, mệt mỏi, thính giác ngày càng giảm đáng kể”.

Ngoài tiếng ồn từ động cơ, còi xe như trên, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều cửa hàng kinh doanh thiết bị âm thanh trên đường Hai Bà Trưng, Lê Hồng Phong, Hùng Vương… mở loa hết công suất để quảng cáo. Bên cạnh đó, kinh tế phát triển, nhiều gia đình tổ chức đám cưới cho con, cháu đều thuê bằng được dàn nhạc sống về giúp vui cho thực khách, tiếng nhạc đó gây phiền toái đến hàng xóm chung quanh suốt cả đêm. Các công ty, quán ăn, nhà hàng tổ chức sự kiện cũng mở nhạc, hát hò gây huyên náo cả khu phố. Ở các khu dân cư, các vùng nông thôn, người dân bị “tra tấn” từ tiếng ồn hát karaoke bằng loa kéo di động dễ dẫn đến mâu thuẫn đánh nhau.

Các công trình xây dựng cũng gây ô nhiễm tiếng ồn. Ảnh: T.H

Trò chuyện với chúng tôi, anh Huỳnh Ngọc Tuấn, cư ngụ Hẻm 124, ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên) bức xúc: “Từ khi trên thị trường xuất hiện loa kéo di động với giá rẻ bèo, hẻm này chỉ có 10 gia đình thì 3 nhà sắm loa, để khi rảnh rỗi, tiệc tùng, ngày tết đến đem ra hát. Vô chừng vài ly bia, rượu, những người tham gia cuộc vui tranh nhau mở loa hết công suất, nhà gần bên không tài nào nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Ở con hẻm này đã xuất hiện cãi vã, cũng may chưa đến mức ẩu đả gây thương tích, án mạng như trên tivi đưa tin ở một số nơi mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc hát karaoke quá mức”. 

Xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn

Nói về vấn đề ô nhiễm tiếng ồn gây ra, luật sư Trần Việt Hưng, thành viên Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, trong Thông tư số 39/2020/TT-BTNMT, ngày 16-2-2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định rất rõ ràng về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường, như: khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính là 70dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55dBA (21 giờ đến 6 giờ).

Như vậy, hành vi sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép trên thì có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, ngày 18-11-2016 của Chính phủ. Hay tại Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định việc gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng. Phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó còn có hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 2 điều này.

Cũng theo luật sư Trần Việt Hưng, trên cơ sở pháp luật quy định, nếu chúng ta sinh sống gần nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng, gia đình có các hoạt động gây tiếng ồn quá lớn ảnh hưởng đến cuộc sống, người dân có thể yêu cầu chính quyền địa phương yêu cầu họ chấm dứt việc gây ra tiếng ồn; đồng thời người dân có thể gửi kèm các chứng cứ chứng minh hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Người vi phạm các quy định về việc gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép trong hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể bị xử phạt hành chính với các mức phạt theo quy định của pháp luật...

T.H

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: