• Đời sống xã hội

Vài điều nên ngẫm khi “nhả khói”

07/08/2019 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 07/08/2019 | 09:00

STO - Hút thuốc lá nơi công cộng; hút thuốc lá nơi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người già; hút thuốc lá khi đang điều khiển phương tiện xe máy; hút thuốc lá ở những nơi cấm lửa... Đây là những hình ảnh khá quen thuộc, đang tồn tại trong cuộc sống hàng ngày. Hút thuốc lá là quyền tự do của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, hút thuốc lá đúng nơi, đúng chỗ để không ảnh hưởng đến người khác là vấn đề mà thiết nghĩ người nghiện thuốc cần lưu tâm.

Ai cũng biết thuốc lá có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên vì hút thuốc có phần đem lại sự hưng phấn, có thể vơi đi muộn phiền… nên nhiều người vẫn hút thuốc và không có ý định bỏ thuốc. Thói quen này làm ảnh hưởng nhiều đến người xung quanh, nhiều khi có khả năng gây ra cháy nổ vì do có thói quen vứt tàn thuốc lung tung.

Điều dễ dàng thấy được là đa số những người không hút thuốc rất sợ và khó chịu với mùi khói thuốc khi người hút thuốc nhả khói ra. Chị T. ở Phường 2 (TP. Sóc Trăng) than rằng: “Có khuyên chồng cách mấy anh ấy cũng không cai thuốc. Biết em bị bệnh suyễn mà anh ấy cũng không chịu bỏ”. Và điều khó chấp nhận là hút thuốc lá trước mặt con cái, đa số các em đều cảm thấy khó chịu, tránh xa khi người lớn “nhả khói”.

Người hút thuốc lá nên tránh hút thuốc lá nơi công cộng, đông người. Ảnh: Hoài Thương

Khi hỏi gia đình có ai hút thuốc không, em M. ở Phường 3 (TP. Sóc Trăng) nói luôn: “Cha em thì hút thuốc lá ít thôi. Nhưng thấy cha hút em không đến gần vì mùi khói khó chịu và hôi lắm. Do nhà không ai cho hút thuốc nên ra nội quy là cha chỉ được hút thuốc ở ngoài sân, cấm châm thuốc hút trong nhà”. Còn em L. ở Mỹ Xuyên cũng rất buồn khi cha và ông có thói quen hút thuốc lá. Mỗi lần thấy ông, cha châm thuốc là em không đến gần. Mọi người trong nhà ai cũng khuyên bảo nhưng “bó tay” vì ông và cha em bảo thiếu thuốc rất khó chịu, nhất là những lúc làm việc nặng, thấy mệt, kéo mấy hơi thuốc để lấy lại tinh thần làm việc tiếp.

Khi những điếu thuốc lá quanh quẩn trong đầu và trở thành “bạn” giúp quên đi muộn phiền, mệt mỏi thì những người nghiện thuốc lá khó lòng từ bỏ. Em Q. ở xã An Hiệp (Châu Thành) tâm sự: “Cha làm tài xế lái xe. Nghe cha em kể lại có lần lái xe cha thấy tai nạn giao thông, cha phải dừng xe lại, xuống xe, hút một điếu thuốc thì cha mới bình tĩnh, tiếp tục lái xe”. Cũng có trường hợp hút thuốc có lý do và họ ý thức được điều đó nên mỗi lần thèm thuốc thì lại hài hòa giữa thói quen và mọi người xung quanh. Em T. ở Phường 2 (TP. Sóc Trăng) chia sẻ: “Cũng thông cảm cho cha em vì cha hút thuốc phần do thói quen và tính chất công việc thường xuyên giao tiếp với khách hàng. Mỗi lần cha hút thuốc, mẹ em và em rất khó chịu, thấy vậy cha em thường ra ngoài hút thuốc, không hút trong nhà”. Em Y. ở Phường 9 (TP. Sóc Trăng) cũng phần nào mừng trong bụng: “Nhà em có cha hút thuốc, ngày nhiều nhất cũng nửa gói, đó là trường hợp cha em tiếp khách. Cha không hút trước mặt con cái. Thấy cha có ý nên mẹ cũng khuyên cha em giảm thuốc. Thời gian gần đây, em thấy cha em đã giảm hút thuốc nhiều”.

Đến một thời điểm nhất định, nhận thấy hút thuốc lá bào mòn sức khỏe, người hút thuốc buộc lòng từ bỏ. Ông Sơn Thương ở xã Thạnh Tân (Thạnh Trị) vui vẻ nói: “Tôi bỏ thuốc lá được mấy năm nay rồi. Phải đấu tranh lắm mới cai được đấy. Năm hai mươi mấy tuổi, tôi bắt đầu hút thuốc, nghiện cũng hơn hai mươi năm mới bỏ được đó”. Ông cũng kể rõ sự tình: “Số là tôi xem báo, đài thấy thông tin hút thuốc lá bị nhiều bệnh lắm. Thấy mình tuổi ngày càng cao, nên tôi muốn bỏ để sức khỏe tốt hơn. Tôi phải bỏ thuốc 5 lần mới thành công. Lần thứ nhất bỏ được 10 ngày thì thấy thèm hút lại. Mấy lần sau bỏ thì gặp bạn bè hút rồi rủ rê làm thử miếng nên hút lại. Lần thứ 5 mới bỏ hẳn. Giờ ngửi khói thuốc là tôi thấy khó chịu, cái mùi khét khét khó ngửi lắm. Mình không dùng chung ly hay tiếp xúc gần với người nghiện thuốc. Giờ mới thấy ngại vì ngày xưa mình hút tung khói tùm lum làm nhiều người xung quanh bị ảnh hưởng vì mình”.

Ông cũng chậm rãi phân tích cái lợi bỏ thuốc: “Tôi thấy bỏ thuốc có nhiều cái lợi lắm chớ. Thấy khỏe, không có mùi hôi thuốc lá. Thêm nữa, trước đây tôi hút mỗi ngày 1 gói, tính cả năm cũng hết hơn triệu, giờ thì không mất khoảng tiền đó nữa”. Đúng như những gì ông Thương chia sẻ, cái lợi trước mắt khi bỏ thuốc lá là sức khỏe tốt hơn, tiếp đến là trong giao tiếp những người không ưa “khói thuốc” cũng xóa khoảng cách với mình, thêm lợi nữa là tiết kiệm chi phí sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, để từ bỏ hẳn thuốc lá thì cần có “động lực” khá lớn, quyết tâm cao vì không phải ai cũng thành công, cai được thuốc lá. Nhiều người cũng cảm thấy khó xử vì bỏ được thuốc không bao lâu, gặp khách hàng, bạn bè mời thuốc, nếu chối từ cũng ngại nên “tái” hút thuốc.

Đa số người nghiện thuốc là nam giới, nhiều người cũng ý thức được việc hút thuốc là thói quen ảnh hưởng xấu đến người xung quanh nên cũng tìm góc riêng mà nhả khói. Tuy nhiên cũng có nhiều người có thói quen xấu hút thuốc nơi đông người, phòng kín… ngay cả đang lái xe. Nguy hiểm hơn, nhiều khi họ vô tư thải tàn thuốc mà không quan sát xung quanh, có khi vô tình những tàn thuốc tưởng chừng vô hại ấy lại “bắt lửa” thì hậu quả thật khó lường.

Khi hút thuốc lá trở thành thói quen khó từ bỏ thì trước khi châm thuốc, người nghiện thuốc lá có nghĩ đến những câu chuyện có thể xảy ra từ điếu thuốc mình châm?

Hoài Thương

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: