• Đời sống xã hội

NHÌN RA TỈNH BẠN

Vai trò nhân dân trong gìn giữ nét truyền thống của lễ hội Đền Hùng

22/03/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử
  • Thứ Năm, 22/03/2018 | 06:00

Có lẽ trên thế giới hiếm có nơi nào lại có hình thức tín ngưỡng thờ Tổ tiên độc đáo như ở Việt Nam khiến chúng ta phải nhìn nhận nó như một hiện tượng xã hội mang bản sắc riêng của dân tộc, góp phần tạo nên hệ giá trị tinh thần và bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là truyền thống thờ gia tiên trong từng gia đình, thờ tổ họ của dòng họ, thờ thành hoàng của làng và thờ tổ chung của đất nước ở đền Hùng.

Con Lạc cháu Hồng từ khắp mọi miền hành hương về Giỗ Tổ. Ảnh: Nhật Tân

Đến ngày giỗ Tổ, đến với đền Hùng là đến với hồn đất nước, là cuộc hành hương về cội nguồn dân tộc với tâm tưởng “Uống nước nhớ nguồn”, với lòng tôn kính và biết ơn công lao của tổ tiên, không chỉ của mình mà của cả dân tộc. Sự thiêng liêng và đức tin là hai yếu tố cơ bản của tín ngưỡng. Nhưng sự thiêng liêng ở đền Hùng không làm người ta sợ hãi như khi đến các nơi thờ cúng khác, mà đến với đền Hùng như đến bàn thờ tổ tiên trong gia đình với ý nghĩa lớn lao gắn nhà với nước: cha - mẹ trong gia đình và cha - mẹ dân tộc. Đạo thờ cha - mẹ chính là bản sắc văn hóa Việt Nam. Người ta đặt niềm tin và cầu mong những điều giản dị không chỉ cho mình mà cả cho cộng đồng dân tộc: Đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, vạn sự như ý, sức khỏe dồi dào...

Ước nguyện riêng của từng người cũng là ước nguyện chung của cả cộng đồng. Lễ hội đền Hùng còn là sự hội nhập có tính xã hội trong đời sống đương đại, mang giá trị văn hóa tiêu biểu. Ở đó cộng đồng các dân tộc biểu dương sức mạnh cộng đồng, các giá trị văn hóa truyền thống với bản chất dân tộc, nhân văn và dân chủ, thể hiện trong các hình thức rước sách, trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ...

Ngay sau ngày hòa bình lập lại, Nhà nước ta đã cho tu bổ những công trình bị thực dân Pháp tàn phá (1955), xây dựng Nhà Công quán, đường ô tô (1963), nhà đón tiếp, trồng cây (1980 - 1983) và xây Bảo tàng Hùng Vương (1987). Xuất phát từ quan niệm cho rằng việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy di tích lịch sử - văn hóa phải gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện từng bước nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực di tích, ngày 8-2-1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án tổng thể khu di tích lịch sử đền Hùng. Mục tiêu cụ thể của dự án là: Bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử và các công trình kiến trúc cổ đã được xếp hạng; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình phục vụ lễ hội và khách tham quan du lịch, song không được phá vỡ cảnh quan khu di tích; bảo vệ, tu bổ rừng cấm và vùng đệm, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân vùng ven khu di tích.

Trong 10 năm trở lại đây, lễ hội đền Hùng được tổ chức vào dịp mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm với quy mô ngày càng lớn và chuyên nghiệp. Những năm chẵn do Nhà nước đứng ra, năm lẻ do tỉnh Phú Thọ chủ trì. Không thể phủ nhận vai trò của Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát triển không gian văn hóa Hùng Vương và lễ hội đền Hùng. Tuy nhiên, cũng nhận thấy làm hạn chế sự tham gia của người dân với tư cách là những chủ nhân của không gian văn hóa lễ hội Hùng Vương vào sự kiện này. Một thực tế cho thấy, ngày nay lễ hội đền Hùng đã được chuyên nghiệp hóa bởi ngành văn hóa. Kịch bản lễ hội được viết sẵn với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật “dân gian - chuyên nghiệp” ngày càng “hoành tráng”. Hơn nữa, ngày nay lễ hội đền Hùng còn được gắn với sự kiện văn hóa du lịch cội nguồn của 3 tỉnh phía Bắc là Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Đi kèm với sự kiện văn hóa này là các hoạt động quảng bá rầm rộ với các hoạt động như: văn nghệ, hội chợ… khiến du khách đến với đền Hùng đông hơn. Chính sự đông đúc ấy đã biến quần thể di tích này trở thành sản phẩm phục vụ du lịch. Vì thế cũng kéo theo nhiều hệ lụy mà công luận đã nhiều lần lên tiếng.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích và lễ hội đền Hùng cần nhận thức điều quan trọng là phải nắm vững bản chất của du lịch lễ hội, tránh xu hướng lợi dụng, tầm thường hóa du lịch lễ hội, nắm vững và khai thác đặc điểm của văn hóa dân gian. Người tổ chức và du khách phải biết khai thác ý nghĩa sâu xa của lễ hội đền Hùng, sự tôn kính chung, ước nguyện chung. Ý nghĩa sâu sắc và bền lâu của tục thờ vua Hùng từ bao đời chính là ý thức của mỗi người dân về ngày giỗ, ngày mà người sống tưởng nhớ đến người chết, tôn vinh công lao. Trong ngày giỗ, tùy tâm, tùy điều kiện kinh tế, phụ thuộc vào mùa màng thành bại mà người ta làm mâm cỗ to hoặc nhỏ, gọi là thành tâm để kính nhớ tổ tiên và cầu mong sự che chở. Ước nguyện tâm linh tưởng như bình dị đó đã ăn sâu vào tâm thức của bao thế hệ người Việt, trở thành bản năng văn hóa của họ. Nó luôn được bảo lưu trong cư dân địa phương ở hai dạng thái: vật chất và phi vật chất của lễ hội đền Hùng. Dạng thái vật chất bao gồm: thời gian, địa điểm, hoạt động, ẩm thực, nhân sự tổ chức lễ hội. Dạng thái phi vật chất chính là ý thức hệ đã làm nên nguồn động lực của lễ hội, phô bày ra sự riêng biệt, mang lại cho lễ hội Đền Hùng những đặc tính riêng biệt của nó. Điều này cần được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa nghiên cứu thấu đáo và khai thác phát huy triệt để.

Phạm Văn Dương/Báo Phú Thọ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: