• Đời sống xã hội

Về Mắc Tưng

27/08/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 27/08/2017 | 06:00

STO - Trăng hạ tuần chỉ còn một nửa nhưng vẫn sáng lung linh, xuyên thấu màn đêm giữa không gian lộng gió, phóng khoáng của vùng đất miền Tây. Thoáng giật mình khi tán lá ken dày trên đầu khua xào xạc gợi chất liêu trai. Thoảng nghe trong gió tiếng cười sảng khoái của ai đó phát ra “vụ Hè - Thu này lúa thóc coi bộ đỡ à nghe”.

Con nước rạch Mắc Tưng ngàn đời vẫn thế, rủ nhau đi quanh Phú Trường qua Phú Đa, Mây Hắt, rồi chảy về vàm Phú Hữu hòa dòng kênh Saintard đổ ra hạ lưu dòng Hậu Giang chảy ra biển lớn; dòng nước mát lành tắm ngọt đồng ruộng yên ả, tưới mát vườn cây xanh rì. Thấp thoáng đằng xa, từng ngôi nhà khang trang nép mình dưới đám cây xanh. Xứ Mắc Tưng thuộc ấp Phú Trường và một phần ấp Phú Đa, xã Phú Hữu (Long Phú) dần hiện ra dưới màu nắng vàng ươm, màu lúa vàng tươi, từng hạt lúa óng ánh trên nền gạch. Tất cả như phô bày sự sung túc của xóm làng. Ngày nay nói đến Mắc Tưng cũng là nói đến ấp Phú Trường, không có nhiều sự phân biệt. Nơi đây còn là điểm tiếp giáp giữa 3 xã Phú Hữu, Châu Khánh và Trường Khánh của huyện Long Phú. Toàn ấp Phú Trường có diện tích 304ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 257ha; tổng số hộ là 335; một trường tiểu học, một điểm trường mẫu giáo, một tổ y tế. Ấp đã được công nhận là ấp văn hóa từ mấy năm nay.

Rạch Mắc Tưng.

Trên con đường đal phẳng lì chạy quanh xóm nhỏ, không khó bắt gặp xe gắn máy xuôi ngược. Trưởng Ban Nhân dân ấp Phú Trường Đào Công Luận đứng tại nơi tiếp giáp giữa 3 xã, nhìn một lượt khắp vùng cười khà cho hay: “Con sông Mắc Tưng tuy không còn mang nhiều ý nghĩa về giao thông nhưng hiện nay đã sâu và rộng hơn thời trước nhiều nên ý nghĩa về mặt tưới tiêu vẫn còn rất lớn. Hiện nay, tại địa phương, số hộ thuộc diện nghèo giảm theo từng năm, đời sống bà con được nâng lên rõ rệt cả về vật chất lẫn tinh thần. Gần 100% bà con có điện thắp sáng, nước sạch sử dụng. Phần lớn các gia đình đều sắm sửa được các tiện nghi cơ bản. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp luôn cao, nhiều con em Mắc Tưng đang theo học tại các trường cao đẳng và đại học, một số hiện đang công tác tại các cơ quan trong và ngoài tỉnh. Tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, bà con thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Địa phương tạo điều kiện hỗ trợ để bà con vay vốn ngân hàng chính sách xã hội phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống”.

Như để khẳng định điều vừa nói, đồng chí Trưởng Ban Nhân dân ấp đưa tôi đi khắp xóm để chứng thực một lần nữa và địa điểm được nhắm đến trước tiên là nhà những lão nông kỳ cựu của xứ này. “Bây giờ cuộc sống sung sướng hơn trước nhiều lắm. Hồi trước ở đây toàn là rừng, đỉa, vắt nhiều vô kể, muốn đi đâu phải bơi xuồng dưới rạch mà đi, không có đường sá ngon lành như bây giờ đâu” - lão nông Tống Kim Bé cho hay. Còn bà Trần Thị Tứ hướng mắt ra phía con rạch trước nhà tâm sự: “Cháu biết không, ngày xưa muốn đi chà gạo phải bơi ghe ra chợ Sóc Trăng mất đến mấy ngày mới xong. Trong chiến tranh, ở đây còn là nơi chịu nhiều bom đạn của kẻ thù. Giặc thường hay ruồng bố, bắt bớ. Trước đây, đa số bà con đi lại, mua bán bằng đường thủy, giao thông trắc trở nên thường hay bị thương lái ép giá. Bây giờ thì khác xa rồi, có con đường nên chuyện đi lại, mua bán của bà con cũng thuận tiện hơn”.

Về cái tên Mắc Tưng có nhiều cách lý giải nhưng tất cả đều không thể giải thích một cách rõ ràng gốc tích. Lão nông Tô Khánh Xía xoa trán chậm rãi nhớ lại: “Lúc nhỏ, tôi thường nghe mấy ông, bà già xưa kể lại, xứ này là đất bỏ hoang, rạch Mắc Tưng này cũng do trâu rừng đi mà thành dòng. Năm 1947, khi tôi được 10 tuổi theo gia đình dọn về Mắc Tưng sinh cơ lập nghiệp. Lúc đó, cả xóm chỉ 4, 5 hộ vô khai hoang mở đất. Đất còn rừng rú, toàn là cây nga, cỏ lác, dưới sông thì lục bình; cá tôm cũng nhiều chứ không ít như bây giờ; chỉ bắt để ăn thôi chứ có bán chác gì đâu. Lúc đó ở đây người ta đã gọi là Mắc Tưng rồi, cũng không ai rõ vì sao có tên là Mắc Tưng, có thể đặt theo tên của một người nào đó hay là vì nguyên nhân nào đó thì những người thuộc thế hệ tôi ở xứ này cũng không mấy ai biết đâu”.

Khi tôi đem câu chuyện về xóm này có tên Mắc Tưng từ khi nào và nguồn gốc ra sao vào các cuộc trao đổi thì không mấy người biết. “Từ nhỏ đến giờ nghe ông bà, cha mẹ kêu Mắc Tưng thì mình cũng kêu theo chứ cũng chưa nghe kể là vì sao có tên này. Cũng có thể có một sự tích nào đó mà mình không rõ” - lão nông Tống Kim Bé tâm tình.

Đi chưa hết xóm, chưa tìm ra được lời đáp cho câu chuyện về Mắc Tưng mà trời tắt nắng, bóng đêm bao phủ. Trên lối về thoang thoảng mùi rạ mới cập con lộ đal nghe xao động tâm tư. Trăng hạ tuần chỉ còn một nửa nhưng vẫn sáng lung linh xuyên thấu màn đêm giữa không gian lộng gió đưa hương hoa cau ngọt lành tỏa ngát trời. Thoáng bồi hồi khi nhìn ánh điện sáng choang hắt ra từ những ngôi nhà khang trang như minh chứng cho xứ Mắc Tưng đang từng ngày đổi khác.

Hoàng Phúc Dương

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: