Trò chuyện cùng nghệ nhân Hồ Thanh Tuấn

03/06/2017 09:21 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 03/06/2017 | 09:21

STO - Nghệ nhân (NN) Hồ Thanh Tuấn, sinh ra ở xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). Học THPT tại Trường Mỹ Hương, tốt nghiệp Đại học ngành Công nghệ thông tin năm 2000. Đến với nghề nuôi trai lấy ngọc và chế tác ngọc trai từ năm 2004, đến nay, thương hiệu Ngọc trai Hoàng gia mà anh gây dựng đã trở thành thương hiệu ngọc trai dẫn đầu của Việt Nam.

Nhân chuyến về thăm quê gần đây, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng anh.

Phóng viên (PV): Vương miện Hoa hậu Đại dương 2017 với tên gọi “Báu vật“ là sản phẩm thứ 2 mà Ngọc trai Hoàng gia chế tác tài trợ cho cuộc thi Hoa hậu Đại dương, thông điệp chính mà tác giả muốn chuyển tải thông qua tên gọi này là gì, thưa anh?

NN.Hồ Thanh Tuấn: Sau khi chế tác và xác lập kỷ lục quốc gia cho vương miện hoa hậu Việt Nam 2014 thì Ngọc trai Hoàng gia không nhận lời chế tác vương miện nào nữa cho đến nay. Lần này với tên gọi cũng như ý nghĩa của cuộc thi Hoa hậu, Hoàng gia Pearlr muốn làm một tác phẩm thật sự có ý nghĩa cho một sự kiện liên quan tới đại dương như cuộc thi sắc đẹp mang tầm quốc gia duy nhất từ trước đến nay hướng tới môi trường biển, đồng thời qua đó, Ngọc trai Hoàng gia muốn gửi thông điệp và tình yêu đến với vùng biển Việt Nam gắn liền với viên ngọc trai của Hoàng gial.

Vương miện Hoa hậu Đại dương 2017 do Hoàng Gia Pearl chế tác có giá trị 3,2 tỉ đồng, sử dụng ngọc trai tự nhiên quý hiếm, ngọc trai Tahiti hoa văn Trống đồng với thiết kế mang chủ đề Biển xanh.

PV: Tại Hội nghị thượng đỉnh Nữ Doanh nhân toàn cầu vừa được tổ chức tại Nhật Bản vào trung tuần tháng 5-2017 vừa qua, Ngọc trai Hoàng gia đã tạo được ấn tượng mạnh trong giới chế tác ngọc trai thế giới khi giới thiệu sản phẩm “Ngọc trai Trống đồng”, anh có thể cho độc giả thêm những thông tin gì về sản phẩm này?

NN.Hồ Thanh Tuấn: Ngọc trai Trống đồng là công trình nghiên cứu của tôi từ năm 2011 với mong muốn tìm ra bước đột phá mới cho ngành ngọc trai thế giới sau hơn 100 năm, kể từ khi nhà phát minh người Nhật ông Mikimoto lần đầu tiên tạo ra viên ngọc trai nuôi cấy và thế giới thừa hưởng công nghệ nuôi tạo ngọc đó cho tới ngày hôm nay. Cụ thể là sau năm 2011, tôi đã nghiên cứu thành công phương pháp nuôi tạo ra hoa văn tự nhiên trên viên ngọc và đã được cơ quan chức năng cấp bằng độc quyền sáng chế trong 20 năm. Điều này đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới cho ngành ngọc trai thế giới khi tạo ra được loại ngọc trai mới là ngọc trai có hoa văn tự nhiên, mà khởi nguồn tôi chọn là hoa văn trống đồng - biểu trưng của văn hóa Việt Nam, sau đó là hoa văn tự nhiên bất kỳ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu được tổ chức ở Nhật Bản vừa qua, ngọc trai có hoa văn tự nhiên được chào đón và thu hút rất nhiều bạn bè thế giới quan tâm. Đặc biệt là đơn vị đồng nghiệp chủ nhà Nhật Bản cũng quan tâm tìm hiểu và khen ngợi rất nhiều về phương pháp nuôi cấy tạo ngọc hoa văn tự nhiên của Hoàng gia Pearl.  

NN.Hồ Thanh Tuấn lặn kiểm tra giàn nuôi ngọc trai Tahiti.

PV: Một kỹ sư công nghệ thông tin nhưng hiện tại thì anh đã gắn bó với biển cả, với những viên ngọc trai, anh có xem đây là một công việc “trái nghề” không?

NN.Hồ Thanh Tuấn: Thoạt nghe có vẻ như trái nghề nhưng thực chất trong suốt quá trình hơn 10 năm tôi theo nghề, theo dự án nuôi cấy và cả chế tác ngọc trai... kể cả lúc tu nghiệp ở nước ngoài thì những gì được học, được thực hành trải nghiệm từ thực tế còn nhiều hơn gấp nhiều lần quãng thời gian học kỹ sư công nghệ thông tin trước đây. Đối với tôi thì đây thực sự là một quá trình học tập tốt nghiệp chính quy về nuôi cấy ngọc trai xứng đáng nhất cuộc đời mình.

PV: Anh có suy nghĩ gì khi hiện nay, không ít bạn trẻ sau khi bước chân ra khỏi giảng đường đại học thường than thở “không xin được việc làm đúng với ngành mà mình đã học”, hoặc “học ở trong trường thì như vậy nhưng ở ngoài đời thì không phải vậy”?

NN.Hồ Thanh Tuấn: Đó là một câu chuyện lớn của xã hội! Việc khoảng cách giữa nhu cầu công việc trong xã hội thực tế với việc đào tạo trong các trường đại học hiện nay theo tôi đang được rút ngắn dần và có lộ trình, việc này cần thêm thời gian! Tôi nhận thấy các trường đại học hiện nay cũng cập nhật tình hình và nhu cầu thực tế từ doanh nghiệp, trong xã hội vào giáo trình giảng dạy rất sát thực tế. Ngay bản thân tôi cũng thường xuyên nhận lời mời đi trợ giảng, đi nói chuyện với sinh viên các trường đại học về đinh hướng lập nghiệp sau khi ra trường. Tôi rất vui và sẵn lòng giúp đỡ các bạn trẻ về điều đó! Nếu cần cho lời khuyên thì tôi xin được khuyên các bạn sinh viên là - nên tận dụng ưu thế về thế giới phẳng thông qua internet  để cập nhật khối kiến thức thật sự khổng lồ, mà trước đây, thế hệ chúng tôi có mơ cũng không với tới, đặc biệt là việc tìm kiếm kiến thức đa ngành bằng tiếng Anh trên Google. Và cuối cùng là các em hãy tìm đam mê trên chính những cái mình đang học để nghiên cứu và học thật sâu rồi thành công sẽ sớm mỉm cười với các bạn.

PV: Xin cảm ơn anh về những thông tin mà anh đã chia sẻ cùng bạn đọc.

CAO THÀNH LONG (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: