• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Bác sĩ thú y Phạm Minh Tú - bạn của người chăn nuôi

11/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 11/10/2017 | 06:00

STO - Sóc Trăng là tỉnh nông nghiệp, có ba dân tộc Kinh, Hoa và Khmer cùng sinh sống. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh­­­­­­­­­­­, hiện có 4.813 hộ chăn nuôi với quy mô mỗi hộ nuôi ít nhất 10 con heo và 3 con bò/trâu; riêng ở huyện Mỹ Tú, có 455 hộ (đứng hàng thứ 5). Khi đến các xã, thị trấn của huyện Mỹ Tú, gặp từ những hộ chăn nuôi vừa và lớn đến các vị lãnh đạo xã hỏi về anh Phạm Minh Tú - Phó trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện thì mọi người đều có cùng câu trả lời: Anh Tú là bạn của người chăn nuôi vùng này!

Từ khi Chỉ thị số 03/CT-TW và Chỉ thị số 05/CT-TW ra đời được đông đảo đảng viên, quần chúng đón nhận học tập và làm theo. Đảng viên Phạm Minh Tú đã tham gia học tập và nhận thức được toàn diện, sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Anh tích cực vận dụng trong việc đi cơ sở, tiếp xúc với bà con chăn nuôi và trong đời sống hàng ngày. Thực hiện lời dạy của Bác: “Tất cả đường lối, phương pháp, chính sách… của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng”, trong suốt gần 20 năm công tác, anh luôn thể hiện phong cách quần chúng, gần dân, trọng dân, giúp người chăn nuôi bảo vệ sức khỏe vật nuôi, phát triển kinh tế, tìm cách để ngành chăn nuôi phát triển.

Từ nhận thức đúng đắn trên, anh Tú luôn tiên phong trong các đợt chống dịch lớn như lở mồm long móng, cúm A/H5N1, lợn tai xanh. Năm 2000, dịch lở mồm long móng xảy ra 60/61 tỉnh thành. Sóc Trăng có dịch trên đàn trâu ở xã Vĩnh Lợi (Thạnh Trị). Vào thời điểm này, con trâu là “gia tài”, là “cơ nghiệp” nên người dân rất hoang mang. Học tập từ Bác kính yêu và đặt trách nhiệm lên vai mình, anh Tú nhiều đêm thức trắng theo dõi đàn trâu bệnh, trăn trở tìm cách chữa bệnh, tham mưu lãnh đạo các biện pháp chống dịch... Không kể ngày nghỉ, ngày lễ, anh đến tận hộ nuôi trâu để nắm tình hình, tìm cách giải quyết. Ròng rã hơn 2 tháng thì dịch bệnh lắng xuống, anh yên lòng không “nằm vùng” ở xã Vĩnh Lợi. Năm 2008, dịch lại “quay lại” với Sóc Trăng, xảy ra ở xã Tân Thạnh (Long Phú). Lần này anh cũng đã làm tròn trách nhiệm của người cán bộ thú y, không để dịch lây lan trên diện rộng.

“Thiên tai, dịch bệnh” là điều khó tránh khỏi. Tuy vậy, với tinh thần trách nhiệm cao của người cán bộ, đảng viên, anh Tú luôn làm hết sức mình để không để dịch bệnh xảy ra, nếu xảy ra thì cố gắng khống chế không để thành dịch lớn. Năm 2004, dịch cúm A/H5N1 bắt đầu bùng phát diện rộng trên toàn quốc. Đây là dịch mới, có khả năng lây nhiễm cao cho người tiếp xúc. Sóc Trăng xảy ra ổ dịch đầu tiên ở xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên). Anh Tú đã trực tiếp mổ gà bệnh, lấy mẫu gửi về Trung tâm Thú y Vùng VII xét nghiệm. Khi có kết quả dương tính, anh hướng dẫn kỹ thuật đào hố chôn lấp và thực hiện công tác chống dịch. Song song đó, anh thực hiện công tác truyền thông phòng bệnh lây sang người, cùng dân dập dịch. Có nhiều chủ nuôi vịt đã “tán gia bại sản” với những trận dịch cúm đầu tiên này… Cán bộ Tú ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn làm công tác chính trị trấn an người dân, cùng ăn cùng ngủ với dân. Vào thời điểm này, nhiều cán bộ thú y né tránh nhiệm vụ, thậm chí thay đổi công việc để… không tiếp xúc với mầm bệnh và sự phản ứng của người dân(!).

Lúc sinh thời, Bác Hồ từng nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thật sự là “đầy tớ trung thành của dân”. Thấm nhuần lời dạy đó, anh Tú làm những việc thật sự mang lợi ích đến cho dân. Khi về Trạm Mỹ Tú công tác, anh phát huy tính sáng tạo trong vai trò lãnh đạo và tiếp tục thực hiện tâm nguyện của mình. Anh đã tích cực, chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xin cho những hộ chăn nuôi xây dựng hầm Biogas được vay vốn. Đây cũng là niềm mong đợi của người dân, vì thực tế có nhiều hộ rất muốn xây dựng hầm nhưng không đủ tiền. Qua nhiều lần nghe cán bộ Tú “vận động”, thuyết minh rồi ngân hàng cũng đồng ý cho mỗi hộ vay từ 12 – 15 triệu đồng tùy theo xây hầm lớn, nhỏ để người dân vừa giữ sạch môi trường vừa có gas sử dụng, tiết kiệm tiền chất đốt trong sinh hoạt hàng ngày. Đến nay, Mỹ Tú xây được 700 hầm, dẫn đầu trong toàn tỉnh. Hiểu được người dân việc nuôi bò loại thải, già yếu, trọng lượng thấp, tiền lời sẽ ít, anh Tú đã xây dựng mô hình “Vỗ béo bò thịt huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng”. Mô hình này giúp hộ nuôi bò thu lời từ 3 – 5 triệu đồng/con. Kết quả có khoảng 70% người nuôi bò áp dụng.

Học tập từ câu nói giản dị mà chứa đầy tình người của Bác kính yêu: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Anh Phạm Minh Tú luôn tâm niệm là phải làm gì đó mang lại lợi ích cho bà con chăn nuôi. Anh không nói đến những gì lớn lao, to tát, anh chỉ nói: “Bà con chăn nuôi vui là tôi vui"! Niềm vui của họ là vật nuôi không bệnh, bán được giá. Việc giá cả thì không phải chỉ một mình quyết định, anh có thể giúp họ bảo vệ tốt sức khỏe “tài sản” của họ, bảo vệ được sức khỏe họ khi vật nuôi bệnh. Gần 20 năm công tác, có đôi lúc cấp trên nhìn nhận, đánh giá chưa đúng với những nỗ lực, kết quả đạt được nhưng anh vẫn không nản chí, không so đo với đồng nghiệp; xem đó là “thử thách” để tôi luyện bản thân và soi rọi lại chính mình!

Khi nhận thức đầy đủ về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và với phương châm “Đảng, Nhà nước hoạt động phải gần dân, thân dân, lấy trí tuệ ở dân, học hỏi dân, phải biết làm học trò dân mới làm được thầy học của dân”, đảng viên Tú đã thể hiện phong cách quần chúng, đi cơ sở lắng nghe ý kiến của bà con và tìm hướng đi mới cho chăn nuôi. Anh xem họ vừa là bạn vừa là thầy của mình. Để thực hiện được những điều đó, đảng viên Tú kiên quyết đấu tranh xa rời bệnh quan liêu, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng. Đồng thời chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, sự phân công, điều động của tổ chức. Anh luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết với mọi người; tận tâm, tận lực với ngành; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tích cực học hỏi đáp ứng nhu cầu chăn nuôi tình hình mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao… Và đây là những điều đảng viên Phạm Minh Tú sẽ phấn đấu thực hiện suốt đời.

Huyện Mỹ Tú vừa được Hợp tác xã Nông nghiệp ký hợp đồng thu mua sữa bò nên đàn bò trong huyện sẽ tăng lên đáng kể. Để giúp người dân có sữa chất lượng bán cho hợp tác xã, anh Tú cùng đồng nghiệp đã lên kế hoạch rà soát lại tất cả hộ nuôi bò sữa, lên lịch tiêm phòng đầy đủ cho từng con bò, theo dõi sát sao từng đàn bò để phòng bệnh… Tuy đây là công việc chuyên môn nhưng nếu cán bộ thú y thiếu cái “tâm” thì đàn bò có nguy cơ bệnh, sản lượng sữa thấp, không chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế người chăn nuôi. Nhận thức được trách nhiệm của mình, hướng tới, anh Tú sẽ sát sao với đàn bò sữa trong huyện hơn. Đồng thời, anh lên kế hoạch cụ thể, động viên, khuyến khích cán bộ hệ thống thú y học tập làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác kính yêu. Về chuyên môn, đảng viên Phạm Minh Tú tiếp tục giữ “vai trò” bạn của người chăn nuôi.

Trong bối cảnh nước ta bị các thế lực thù địch tìm cách bôi nhọ bằng những luận điệu xuyên tạc thì với hành động của anh Phạm Minh Tú là cùng dân ăn, cùng dân ngủ để theo dõi tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, sáng tạo những cách làm mới mang lợi ích đến cho dân… là vô cùng có ý nghĩa. Giữa lúc Đảng lên tiếng về tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thì hành động của đảng viên Phạm Minh Tú một lần nữa khẳng định: Hiện nay vẫn còn nhiều cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, một lòng phụng sự Tổ quốc, xây dựng quê hương.

Với lối sống thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, anh Tú rất được đồng nghiệp quý trọng. Cán bộ thú y trong huyện đã xem đảng viên Phạm Minh Tú là một tấm gương sáng. Cán bộ tại trạm đã thường xuyên đi xuống các hộ dân, thực hiện phong cách quần chúng, luôn gần gũi người dân xem họ có vướng mắc nào thì tháo gỡ. Đối với thú y viên tại xã, họ đã tích cực hơn trong việc tiêm vắc – xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; chủ động đến các hộ chăn nuôi xem và trao đổi cách phòng bệnh; đến tận từng bầy vịt chạy đồng ngoài ruộng để tiêm phòng đúng lịch… Theo báo cáo tổng kết năm 2016 của UBND huyện Mỹ Tú, 3 năm liền, huyện không có dịch lớn xảy ra trên gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, phong cách quần chúng của đảng viên Tú đã được lãnh đạo UBND huyện khen ngợi, tuyên dương và kêu gọi cán bộ ngành nông nghiệp cần “gần dân, sát cơ sở, lắng nghe hơi thở của đất, cây trồng và vật nuôi”.

Trong gần 20 năm công tác, anh Minh Tú nhận được 6 bằng khen của UBND và rất nhiều giấy khen khác. Với anh, đặc biệt nhất là được người chăn nuôi quý mến. Đây chính là tình cảm, niềm vui thôi thúc anh bước tiếp trên con đường chuyên môn của mình. Tôi chúc anh vững bước, là cán bộ, đảng viên luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác kính yêu.

Lê Thị Xuân Viễn (Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe tỉnh Sóc Trăng)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: