• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Người thầy gieo mầm cho những ước mơ

14/10/2017 06:00 GMT +7
  • Thứ Bảy, 14/10/2017 | 06:00

STO - Trong những năm qua, việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tích đáng kể và trở thành hoạt động thường niên mang tính chiều sâu trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Hiệu quả mà cuộc vận động mang lại từ nhiều địa phương trong cả nước là phát hiện và nhân rộng những điển hình tiên tiến.

Đó là những tổ chức đi đầu trong việc học tập làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Bác hay các cá nhân có những đóng góp, việc làm thiết thực, hiệu quả xứng đáng với niềm mong mỏi, tin yêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kỳ vọng. Tuy nhiên, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng, cần thiết nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Giữa muôn vàn những hạt ngọc, tôi xin giới thiệu một gương sáng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng – thầy Nguyễn Ngọc Hải (sinh năm: 1973) trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Thầy sinh ra và lớn lên trên quê hương Đồng Tháp, tốt nghiệp đại học Sư phạm Sinh học tại Trường Đại học Cần Thơ, cái duyên đã đưa đẩy thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hải về giảng dạy và gắn bó với ngôi trường THPT An Lạc Thôn suốt 20 năm nay. Ngoài công tác giảng dạy thầy còn đảm nhiệm thêm các công việc khác, như: Tổ trưởng chuyên môn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Em yêu môi trường” và là người trực tiếp hướng dẫn học sinh tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, chủ yếu là các đề tài bảo vệ môi trường đã được nhiều giải cao tại các cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia và được chọn dự thi quốc tế.

Với lòng yêu nghề sâu sắc, 20 năm qua là quãng thời gian thầy đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Bằng cái tâm nghề nghiệp cộng với niềm tin yêu, sự quý trọng của học sinh và đồng nghiệp đã tiếp thêm sức mạnh để thầy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thầy là tấm gương đi đầu trong việc hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, ứng dụng có hiệu quả các công trình nghiên cứu vào trong đời sống sinh hoạt hằng ngày tại địa phương. Có thể nói, thầy là hình mẫu đáng kính, là người thầy không chỉ mang tri thức đến cho học sinh mà còn là người rèn luyện nhân cách, phẩm chất đạo đức, chuẩn bị cho các em hành trang quý báu bước vào đời.

Thứ nhất, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thầy Hải luôn ý thức rèn luyện phẩm chất đạo đức, phong cách tốt; tâm huyết, tận tụy với nghề, thương yêu, chăm sóc giáo dục học sinh.

Thầy là tấm gương sáng, mẫu mực, tiêu biểu về “tự học, tự rèn” để học sinh và đồng nghiệp noi theo. Không chỉ trau dồi về chuyên môn thầy còn rèn luyện đạo đức, tác phong cho học sinh qua các bài giảng, các giờ lên lớp. Thầy là một trong những giáo viên tiên phong trong việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; quản lý, dạy học đạt chất lượng, hiệu quả cao. Thành tích hằng năm các lớp thầy giảng dạy đạt hơn 90% trên trung bình. Hơn thế nữa, thầy là cội nguồn cảm hứng khơi gợi tinh thần yêu thích nghiên cứu, học tập cho các em học sinh, giúp các em cảm nhận mỗi ngày đến trường là một niềm vui.

Là giáo viên có uy tín về chuyên môn nên Ban Giám hiệu nhà trường nhiều năm liền đã phân công thầy tham gia các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi, với tinh thần trách nhiệm, thầy luôn tìm tòi, nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm mang về những thành tích cao cho nhà trường. Hơn 10 năm tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy đã mang về cho Trường THPT An Lạc Thôn gần 50 giải thưởng, trong đó có 13 giải khuyến khích (1 khu vực); 19 giải ba; 13 giải nhì; 2 giải nhất.

Thứ hai, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thầy Hải đã đóng góp nhiều công trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn ở địa phương đạt hiệu quả cao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”. Nêu gương Bác, thầy không tự mãn với thành tích đạt được, ngoài việc giảng dạy trên lớp thầy Hải còn dành nhiều thời gian để đầu tư, nghiên cứu khoa học, ứng dụng những đề tài, sáng kiến vào thực tiễn ở địa phương, đơn vị mang lại hiệu quả cao, nhất là những đề tài về bảo vệ môi trường. Các sáng kiến trên được áp dụng tại Trường THPT An Lạc Thôn, thông qua các tiết dạy theo chuyên đề và áp dụng hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học qua các chủ đề môi trường ở các địa phương, như: xã Xuân Hòa, xã Phong Nẫm, thị trấn An Lạc Thôn. Đó là các công trình thiết thực, như: “Làng không rác”, “Hệ thống xử lý khói lò than”, “Thuốc trừ sâu sinh học”, “Túi giữ nhiệt thân thiện”…

Với những thành tích nổi bật nêu trên, thầy Hải xứng đáng nhận những danh hiệu khen thưởng cao, như: chiến sĩ thi đua cơ sở (2008 - 2016), chiến sĩ thi đua cơ sở cấp tỉnh (2011), giáo viên giỏi cấp tỉnh (2010), giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền; nhận giải thưởng Võ Trường Toản; giải thưởng môi trường (duy nhất là giáo viên trong cả nước); giải thưởng sáng tạo; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Tài nguyên - Môi trường, của tỉnh, các ban ngành. Đặc biệt, thầy đã nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” (2013) và chứng nhận “Điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành giáo dục giai đoạn 2010 – 2015”.

Thứ ba, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thầy Hải là người khơi nguồn sáng tạo, gieo mầm ước mơ cho các học sinh nơi vùng xa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà chính trị tài ba, nhà thơ lỗi lạc, người thầy vĩ đại của dân tộc Việt Nam, khi nói về mối quan hệ giữa lý luận với thực tiễn, Người khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Người còn chỉ dẫn: “Học để hành: Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”.

Thấm nhuần tư tưởng, phong cách và lời dạy của Bác, thầy Hải luôn nêu gương về sự chăm bồi, khơi nguồn sáng tạo cho bao thế hệ học sinh nơi vùng xa. Thầy không chỉ truyền cảm hứng vào bài giảng trên lớp, những tiết thực hành, những giờ ngoại khóa mà thầy còn đưa các em đến với khoa học một cách gần gũi, đầy sáng tạo và chân chính. Từ năm 2004 đến 2017, thầy đã hướng dẫn trên 200 học sinh nghiên cứu với hơn 60 đề tài, phần lớn là các đề tài về bảo vệ môi trường tham gia ở các cuộc thi cấp huyện, tỉnh, quốc gia và quốc tế. Thành tích đạt được gồm: 2 giải nhất; 3 giải nhì; 13 giải ba; 12 giải khuyến khích, 5 giải tập thể và 2 bằng khen cho trường; 4 đề tài đạt giải “Dự án xuất sắc”. Trong đó, có 2 đề tài được đại diện cho học sinh Việt Nam dự thi Quốc tế tại Stockholm - Thụy Điển.

Tại cuộc thi “Nghiên cứu khoa học kỹ thuật (ViSEF)” do Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức đã đạt 1 giải ba và 1 giải khuyến khích. Bên cạnh đó, thầy và các học trò còn nhận được 3 giải “Đề tài xuất sắc” do Trường Đại học Cần Thơ khen thưởng và 1 giải do Trường Đại học Công nghệ thực phẩm TP. Hồ Chí Minh trao tặng. Ngoài ra, tại cuộc thi “Ý tưởng vì môi trường bền vững” cũng đạt 1 giải ba. Đặc biệt, đề tài đạt giải của học sinh Trường THPT An Lạc Thôn là 1 trong 5 đề tài được Tổng cục Môi trường hỗ trợ kinh phí giúp các em thực hiện ý tưởng của đề tài vào thực tiễn.

Với những thành tích nổi bật nêu trên không chỉ là niềm tự hào, vinh dự lớn lao của cá nhân thầy Nguyễn Ngọc Hải mà đó còn là niềm tự hào, vinh dự của ngôi trường THPT An Lạc Thôn và ngành giáo dục tỉnh nhà. Tôi bắt gặp đâu đó hình ảnh thầy Hải trong lời của Bác: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang…”.

Qua hình ảnh, tấm gương của thầy Nguyễn Ngọc Hải, chúng ta cần phải nhìn nhận rõ hơn vị trí, vai trò, trọng trách của người thầy đối với nền giáo dục của tỉnh nhà ngày càng quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nói riêng của khu vực, đất nước nói chung. Đặc biệt, đây còn là hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sứ mệnh của người thầy hôm nay vừa đảm đương trọng trách đào tạo ra nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững vừa góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành nhân cách con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có tinh thần tự hào, bản lĩnh và thích ứng nhanh với cái mới. Sứ mệnh đó, được Bác Hồ khẳng định: Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.

 Nguyễn Phấn Đấu – Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: