• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Người thầy mẫu mực

22/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 22/10/2017 | 06:00

STO - Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn trong tình hình hiện nay. Quán triệt thực hiện Chỉ thị số 05, ngày 15-5-2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân cùng phấn đấu học tập theo gương Bác. Có nhiều tấm gương điển hình xung quanh ta, một trong những tấm gương tôi kính phục nhất là tấm gương của thầy Hiệu Trưởng Phạm Thanh Bình, công tác tại Trường THCS Phú Tân (Châu Thành).

Năm học 2013 - 2014, thầy được điều động từ Trường THCS Thiện Mỹ về Trường THCS Phú Tân và tiếp tục chức vụ Hiệu trưởng trường. Nhìn vẻ bề ngoài, thầy là một người rất nghiêm khắc và có vẻ “khó gần gũi”, thế nhưng qua một thời gian tiếp xúc, tôi lại thấy chân dung một con người hoàn toàn khác. Đó là một lãnh đạo có tài năng, bản lĩnh và tâm huyết với nghề.

Thầy nhiệt tình, vui vẻ, cởi mở, quan tâm chu đáo đối với tất cả tập thể sư phạm nhà trường, với tất cả học sinh và các mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình học sinh cũng như chính quyền địa phương trong việc phối hợp dạy học và giáo dục học sinh của trường. Qua tác phong làm việc của thầy, tôi nhận thấy rằng lời Bác dạy đối với những người cộng sản, nhất là cán bộ chủ chốt đã được thầy thực hiện một cách đầy đủ nhất, phù hợp với vị trí công tác và cương vị của người lãnh đạo.

Thầy rất quan tâm đến nề nếp, tác phong đạo đức của học sinh. Thầy thường nói: “Phải tập cho các em có nề nếp tốt, tác phong chuẩn mực, biết lễ phép, biết giữ vệ sinh cá nhân, rèn cho các em kỹ năng tự học… Vào lớp mà không có nề nếp thì làm sao mà học, giáo viên làm sao mà dạy”. Phải thực hiện tốt khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Trường tôi nằm trên địa bàn có nhiều dân tộc Khmer, một lớp học chỉ có khoảng 3 - 5 học sinh là dân tộc Kinh, còn lại là dân tộc Khmer. Có điều khó khăn là các em học chậm, do nói, viết tiếng Việt chưa rành. Với lại, cha mẹ các em phải lao động để kiếm tiền sinh nhai, ít quan tâm đến các em, nên có một số em chưa ngoan, hay nghịch phá, không chú tâm học tập, dẫn đến tình trạng yếu, kém, rồi bị lưu ban, hay bỏ học giữa chừng.

Trong các cuộc họp hội đồng, giáo viên thường phản ánh với Ban giám hiệu tình hình học tập và đạo đức của học sinh nào là lười học, không chịu học, vào lớp thì “quậy”, không dạy được, học sinh chửi thề, nói tục bằng tiếng Khmer… Thậm chí có giáo viên đề nghị những em nào không chịu học, không nghe lời thì cho thôi học. Thầy ngồi im lặng, lắng nghe và ghi nhận từng ý kiến của giáo viên, trầm ngâm suy nghĩ và điềm đạm phân tích trước hội đồng về những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng học sinh chưa ngoan.

Thầy nói: “Trường học là môi trường giáo dục, phụ huynh tin tưởng vào chúng ta mới gửi con em họ đến đây để chúng ta dạy cho biết chữ, giáo dục các em thành con ngoan. Nếu chúng ta không kiên trì, nhẫn nại mà đuổi các em, đồng nghĩa với việc chúng ta đầu hàng, bỏ cuộc, vậy thì nhiệm vụ của ngành giáo dục là gì? Nhiệm vụ của mỗi giáo viên chúng ta là làm gì? Nếu như chúng ta chỉ thích dạy những học sinh ngoan, giỏi, thì những học sinh chưa ngoan, những học sinh gặp khó khăn về học ai sẽ dạy? Hay là bỏ luôn, khỏi dạy… Rồi tương lai các em về đâu”.

Thầy tiếp “Học sinh chắc chắn phải có em ngoan, em học giỏi, em chưa ngoan, chậm tiếp thu. Em nào giỏi rồi thì chúng ta bồi dưỡng, nâng cao hơn, em chưa ngoan thì phải giáo dục để các em ngoan, gặp khó khăn về học thì phải có kế hoạch bồi dưỡng để các em tiến bộ. Có như thế các em mới thích học, thích đến trường và yêu quý chúng ta”.

Thầy đề nghị giáo viên chủ nhiệm lập danh sách những học sinh “chưa ngoan” và gửi thư mời phụ huynh dự họp để có sự thống nhất với nhau giữa nhà trường và gia đình để giáo dục các em tốt hơn. Đối với những học sinh gặp khó khăn về học, thầy đề nghị bộ phận chuyên môn lên kế hoạch phụ đạo cho các em vào trái buổi để cải thiện kết quả học tập.

Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thầy đề nghị thành lập nguồn quỹ để hỗ trợ cho các em có điều kiện đến trường từ sự vận động của các mạnh thường quân, các tổ chức trong và ngoài huyện Châu Thành. Thầy nói: “Đừng để lí do vì học sinh không có quần áo, không có tập vở mà không được đến trường”. Hàng năm, thầy còn vận động cả trường tổ chức phong trào “Vui tết cùng bạn” để hỗ trợ các em một phần quà ăn Tết.

Nghe thầy phân tích và lên kế hoạch, không chỉ bản thân tôi cởi mở tấm lòng và suy nghĩ về việc học tập của học sinh mà tất cả giáo viên cũng thế. Thầy bảo rằng đừng có nói học sinh “quậy”, “học yếu kém”, mà là các em chưa ngoan vì chưa được giáo dục đúng cách, các em gặp khó khăn về học, chứ không phải các em yếu kém đâu.

Tôi chợt nhớ câu chuyện Bác Hồ đi thăm trại Nhi đồng ở miền Bắc và Người hỏi thăm tình hình các cháu học sinh miền Nam. Khi nghe chị Thu Trà báo cáo một số cháu học sinh miền Nam nghịch ngợm, quấy phá. Bác hỏi: “Các cô, các chú dạy dỗ thế nào? Bởi lúc ba má các cháu gửi ra miền Bắc thì các cháu đều ngoan và ba má các cháu đều tin tưởng ở hậu phương”. Bác nhắc phải chú ý đến việc các cháu thiếu tình cảm gia đình, phải tìm cách bù đắp. Rồi Bác kết luận: “Lỗi các cháu một phần thì lỗi của người lớn chúng ta phải là mười phần”.

Rồi những lần rộn tin “bạo lực học đường” được phản ánh trên truyền hình, qua tin tức mạng, nhất là tình trạng học sinh đánh nhau, giáo viên đánh học sinh, bảo mẫu hành hạ trẻ em… thầy cũng kịp thời thông báo đến hội đồng. Thầy phân tích rất kỹ tác hại của bạo lực học đường, rồi như van xin giáo viên : “Dù các em có sai phạm, có mất trật tự, vô lễ… như thế nào đi chăng nữa, phải hết sức nhẫn nhịn, tuyệt đối đừng đánh học sinh. Tác hại lớn lắm thầy cô à, ảnh hưởng đến tâm lí các em, thậm chí ám ảnh các em suốt cuộc đời. Cũng đừng dùng lời lẽ khó nghe hăm dọa, gây áp lực đối với các em làm các em hoang mang, lo sợ, không dám đến trường, không dám vào lớp học. Nếu các em vi phạm mà thầy cô nghĩ rằng không thể dạy được thì đưa em đến văn phòng, gặp Ban giám hiệu, Ban giám hiệu sẽ giúp thầy cô quản lí em đó để thầy cô an tâm lên lớp dạy”.

Nghe thầy nói, tôi lại nhớ đến câu chuyện về cuộc nói chuyện giữa Bác Hồ và người thư ký riêng Vũ Kỳ vào năm 1957. Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ: "Chú Kỳ này, có bao giờ chú đánh con không?" Đồng chí Vũ Kỳ ấp úng: "Thưa Bác, khi nóng giận cũng có lúc đánh dọa vài cái rồi ạ!". Bác nghiêm khắc bảo: "Thế là dã man đấy chú ạ! Đối với trẻ nhỏ, cần phải yêu thương, dạy bảo, cảm hóa bằng tình thương, chứ không phải dùng đòn roi."

Tấm lòng của Bác rất bao dung, đặc biệt với các cháu thiếu nhi. Bác không nói trẻ em hư, không nói con người hỏng mà Bác nhận xét có một số chậm tiến, có lúc nào đó, ở chỗ nào đó chưa tốt, chưa hay lắm. Cái chưa hay, chưa tốt cần được uốn nắn một cách chân tình và kịp thời.

Thầy hiệu trưởng Phạm Thanh Bình cũng thế, thầy thường nhắc nhở tập thể giáo viên phải làm việc hết sức mình, dạy dỗ các em bằng tình thương và trách nhiệm. Hãy xem học sinh như là những đứa con của mình, những đứa em, cháu của mình, quan tâm, yêu thương và dạy dỗ các em bằng tình thương của người cha, người mẹ, người anh, người chị thì không khí lớp học sẽ rất nhẹ nhàng, thoải mái và vui vẻ.

Thầy thường vào trường rất sớm, đứng phía ngoài hành lang phòng Hiệu trưởng và quan sát chung quanh, quan sát học sinh vào lớp học, quan sát các em vui đùa dưới sân trường, thỉnh thoảng nhắc các em đừng chạy nhanh quá kẻo té ngã. Thầy còn kiểm tra cả phòng vệ sinh, thấy chưa sạch, thầy nhắc nhở lao công mua nước tẩy rửa bồn cầu, thường xuyên dội nước để không có mùi hôi…

Thầy tiết kiệm từng chút cho ngân sách nhà nước. Phòng làm việc của thầy rất ít khi mở đèn hoặc mở quạt, thầy nhắc nhở giáo viên khi hết tiết rời khỏi phòng học, phòng làm việc giùm tắt đèn, tắt quạt nếu có. Bàn ghế học sinh bị hư hỏng, lỏng ốc, thầy bảo giáo viên nam cùng thầy sửa chữa lại vào ngày chủ nhật, để tiết kiệm phần nào tiền mướn thợ sửa.

Tôi lại càng khâm phục về một lãnh đạo đã học tập và thực hiện tốt theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Tôi nhớ Bác có dạy đảng viên, nhất là những đảng viên chủ chốt: “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”. Đó là việc xét thi đua cuối năm học 2016 - 2017, chỉ tiêu chiến sĩ thi đua cơ sở chỉ được 15%. Trong danh sách chiến sĩ thi đua có tên thầy, nhưng thầy xin rút ra để nhường cho giáo viên khác cũng đủ điều kiện đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, nhưng vì chỉ tiêu mà không được. Thầy nói: “Công anh em phấn đấu, nếu không được thì thiệt thòi quá”.

Những tâm huyết và việc làm của thầy làm cho các đồng nghiệp vô cùng khâm phục, họ luôn hăng hái hưởng ứng sự vận động của thầy trong mọi phong trào, học sinh ngày càng có sự tiến bộ trong học tập và rèn luyện tác phong đạo đức. Từ năm 2013 đến nay, Trường THCS Phú Tân dưới sự lãnh đạo của thầy luôn đạt tập thể lao động xuất sắc.

Bản thân tôi nhủ với lòng sẽ cố gắng học tập, trau dồi đạo đức nhà giáo, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xứng đáng là người đảng viên ưu tú chính thức trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian không xa. Và thầy Hiệu trưởng Phạm Thanh Bình cũng là một tấm gương thật để tôi học tập và noi theo.

Huỳnh Thị Dược

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: