• Huyện Châu Thành

Đổi thay đời sống đồng bào dân tộc thiểu số huyện Châu Thành

14/07/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 14/07/2019 | 06:00

STO - Hướng tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Châu Thành, lần thứ III, giai đoạn 2019 - 2024, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc phỏng vấn đồng chí Châu Văn Chuyển - Bí thư Huyện ủy Châu Thành về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong vùng có đông đồng bào DTTS huyện Châu Thành.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết khái quát về đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Châu Thành?

Đồng chí Châu Văn Chuyển: Hiện tại, huyện Châu Thành có 7 xã, 1 thị trấn, với 56 ấp; diện tích tự nhiên là 23.632,43ha; tổng dân số có 25.951 hộ với 102.288 người. Trong đó, dân tộc Kinh 50.092 người, chiếm 48,97%; dân tộc Khmer 48.941 người, chiếm 47,84%; dân tộc Hoa có 3.196 người, chiếm 3,12% và các dân tộc khác có 59 người, chiếm 0,05%.

Đa phần đồng bào Khmer sống bằng nghề nông, trồng trọt, chăn nuôi, một số ít ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, mua bán, dịch vụ và sống tập trung ở các xã Phú Tân, Thuận Hòa, An Hiệp, An Ninh... Đồng bào Hoa sống tập trung ở khu vực chợ, các khu vực phát triển về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, trong đó tập trung đông nhất ở xã An Hiệp, kế đến là xã Phú Tâm, xã Phú Tân và thị trấn Châu Thành.

Nhằm giúp bà con vùng DTTS thoát nghèo bền vững, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có 5 nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh công tác giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội huyện và nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, Đảng bộ đã huy động mọi nguồn lực, chủ động kêu gọi đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho vùng có đông đồng bào DTTS để bà con vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phóng viên: Đồng bào DTTS trên địa bàn huyện chiếm khá nhiều, hơn 50% dân số, vậy trong giai đoạn 2014 - 2019, huyện đã thực hiện các chính sách, dự án như thế nào để đảm bảo hiệu quả và kịp thời?

Đồng chí Châu Văn Chuyển: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư để nâng cao đời sống bà con vùng đồng bào DTTS. Đối với huyện Châu Thành, từ năm 2014 đến nay, huyện đã triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng các công trình thuộc ấp, xã đặc biệt khó khăn với số tiền trên 43 tỉ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn với số tiền gần 5 tỉ đồng; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trên 43.700 lượt con hộ nghèo, trợ cấp học bổng, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi với kinh phí trên 35 tỉ đồng; hỗ trợ tiền điện gần 4 tỉ đồng; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho trên 178.500 lượt người, tổng kinh phí thực hiện 142 tỉ đồng…

Cơ cấu ngành nghề sản xuất, kinh doanh đang có sự đa dạng hóa, một số làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như làng nghề ở xã Phú Tân, hoặc khai thác du lịch tâm linh mang tính đặc trưng vùng đồng bào Khmer, điển hình là triển khai thực hiện Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên. Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng nông thôn và vùng có đông đồng bào dân tộc (nhất là giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa cộng đồng…) được chú trọng đầu tư đúng mức. Song song đó, các thiết chế văn hóa trong đồng bào Khmer được đầu tư toàn diện, đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng trong đời sống tinh thần. Đồng bào DTTS có tập tục riêng về đời sống nhưng vẫn trên tinh thần đoàn kết, tương trợ, học hỏi lẫn nhau, từ đó đã hình thành bản sắc văn hóa độc đáo. Tính từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 22,37%, giảm xuống còn 5,98%, trong đó hộ Khmer nghèo giảm từ 29,61% xuống còn 7,49%; thu nhập bình quân đầu người vùng có đông đồng bào DTTS từ 22 triệu đồng/người/năm, tăng lên 32 triệu đồng/người/năm.

Phóng viên: Củng cố và xây dựng hệ thống chính trị vùng có đông đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ được Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm, đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn?

Đồng chí Châu Văn Chuyển: Hệ thống chính trị ở cơ sở trong toàn huyện nói chung, trong vùng có đông đồng bào DTTS nói riêng ngày càng được củng cố và có bước phát triển quan trọng. Huyện ủy, UBND huyện quán triệt và làm chuyển biến sâu sắc trong cấp ủy, cán bộ, đảng viên về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS, chủ động quy hoạch và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc ở huyện và cơ sở, nâng cao số lượng, chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa.

Toàn huyện Châu Thành có 712 đảng viên dân tộc Khmer, chiếm 28,84%; 82 đảng viên dân tộc Hoa, chiếm 3,32%; có 31 đảng viên DTTS là huyện ủy viên, đảng ủy viên các xã, thị trấn. Các đồng chí là người DTTS tham gia bộ máy chính quyền cấp huyện có 12/91 cán bộ, công chức, chiếm 13,18%; cấp xã có 27/175 cán bộ, công chức, chiếm 15,4%. Số đại biểu tham gia HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021, có 7/31 đồng chí (2 dân tộc Hoa, 5 dân tộc Khmer), chiếm 21,87%; đại biểu HĐND cấp xã 61/232 đồng chí (dân tộc Hoa 10, dân tộc Khmer 51), chiếm 26,29%.

Châu Thành có 31 đảng viên DTTS là Huyện ủy viên, đảng ủy viên các xã, thị trấn.

Bên cạnh đó, huyện Châu Thành cũng phát huy vai trò của 36 người uy tín trong đồng bào DTTS. Họ là những người có khả năng vận động, khuyến khích người dân và cộng đồng dân cư thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng đời sống văn hóa đồng bào DTTS.

Phóng viên: Qua một giai đoạn thực hiện chính sách và công tác dân tộc, đồng chí đánh giá huyện Châu Thành còn những hạn chế gì?

Đồng chí Châu Văn Chuyển: Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Huyện ủy Châu Thành nhận thấy công tác dân tộc trên địa bàn vẫn còn những mặt hạn chế cần tập trung khắc phục trong giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong vùng có đông đồng bào DTTS còn những mặt hạn chế, nhất là tuyên truyền sâu và tuyên truyền bằng ngôn ngữ Khmer. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ở cơ sở từng lúc, từng nơi có mặt còn hạn chế, từ đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai thực hiện các chính sách đối với đồng bào DTTS. Đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao so với bình quân chung của tỉnh và khu vực. Mức vốn hỗ trợ thực hiện cho các dự án còn thấp, nhỏ lẻ nên một số chính sách hiệu quả mang lại chưa cao, như: hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo ở vùng khó khăn...

Phóng viên: Để thực hiện tốt hơn chính sách và công tác dân tộc, sắp tới, Đảng bộ huyện Châu Thành cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Châu Văn Chuyển: Xác định vấn đề dân tộc và công tác dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng, huyện Châu Thành sẽ tiếp tục phát huy mọi nguồn lực, tinh thần tự lực, tự cường, khai thác mọi tiềm năng trong nhân dân. Tranh thủ các nguồn, các chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với đồng bào DTTS, các chính sách tín dụng ưu đãi đối với các hộ nghèo, đối tượng chính sách, các hộ sản xuất, kinh doanh. Phát huy vai trò các doanh nghiệp, các tổ chức hội quần chúng, hội đoàn kết sư sãi yêu nước, ban quản trị các chùa, người có uy tín trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở địa phương.

Tăng cường đầu tư giáo dục đào tạo cho vùng có đông đồng bào DTTS, tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc trong độ tuổi đều được đến trường, hạn chế đến mức thấp nhất học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng cũng như tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ở các cấp học.

Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các DTTS tổ chức các lễ hội truyền thống nhằm duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao nhận thức và phát huy tính tích cực trong các hoạt động lễ hội. Giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc, tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường, cần nhận thức đầy đủ và khẳng định các DTTS là một bộ phận thống nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện kỳ thị, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lợi dụng các vấn đề dân tộc để gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Song Lê (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: