• Huyện Cù Lao Dung

Ảm đạm đầu vụ thu hoạch mía

21/01/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 21/01/2019 | 06:00

STO - Hiện nông dân ở huyện Cù Lao Dung đang bắt đầu bước vào mùa thu hoạch mía, tuy nhiên không khí thu hoạch lại khá ảm đạm vì giá mía quá thấp, khiến nhiều người lo âu cho việc tái sản xuất vụ sau.

Không được hưởng niềm vui trọn vẹn khi vào mùa thu hoạch mà giá mía nguyên liệu quá thấp, hiện nhiều hộ trồng mía ở huyện Cù Lao Dung đang lo lắng bởi giá bán ra hiện nay làm nhiều người cầm chắc lỗ. Nhìn rẫy mía 13 công đã đến ngày thu hoạch nhưng anh Trần Vũ Lang, ở xã Đại Ân 1 chưa dám bán do giá quá thấp. “Hiện tại, nếu tôi bán mía tại rẫy chỉ được 200 - 300 đồng/kg nên muốn đợi giá mía xem có nhích lên không, nếu bán là lỗ 1 công 2 triệu đồng. Trong 13 công này có 3 công có thể bán mía để ép lấy nước cho giá cao hơn, hy vọng sẽ vớt vát lại phần nào tiền vốn đã đầu tư” - anh Lang buồn bã.

Giá mía nguyên liệu đầu vụ ở Cù Lao Dung thấp khiến nhiều nông dân lo lắng.

Theo anh Lang, nếu trồng giống mía vừa bán làm nguyên liệu vừa bán được mía ép lấy nước thì đầu ra có thể tốt hơn. Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ, nhiều hộ trồng mía nguyên liệu không có ý định bán làm mía nước nên chỉ chọn giống trồng để ép lấy đường và không tốn nhiều công chăm sóc. Còn khi trồng mía nước phải tốn công chăm sóc kỹ hơn. Vấn đề của anh Lang cũng là nỗi lo của nhiều hộ trồng mía bởi hiện nay, với 10 chữ đường, mía nguyên liệu được nhà máy thu mua giá 800 đồng/kg. Còn thương lái mua tại rẫy có giá từ 200 đồng đến 300 đồng/kg, nhiều người cho biết sẽ cầm chắc lỗ nặng và khó có đủ vốn để tái sản xuất cho vụ sau.

Riêng những hộ trồng mía ép lấy nước lại khá an tâm bởi thị trường cho giống mía này ổn định hơn. Anh Huỳnh Văn Dũng - thương lái thu mua mía cho biết: “Đầu vụ năm nay, tùy theo chất lượng mía nước mà có giá thu mua khác nhau, trung bình tôi thu mua với giá 8 triệu đồng/công mía nước, rẫy mía nào đẹp và đạt chất lượng sẽ có giá cao hơn nữa. Riêng mía nguyên liệu tôi chỉ mới thu mua 5 - 10 công vì với giá thu mua 200 - 300 đồng/kg thì mỗi công nông dân phải chịu lỗ 2 triệu đồng, nếu những rẫy mía cách xa đường vận chuyển thì còn lỗ nặng hơn”.

Tuy bán mía nước được xem là hướng sản xuất có thu nhập khá ổn định nhưng chi phí đầu tư cho loại mía này cao hơn so với mía nguyên liệu. Theo nhiều nông dân, nếu 1 công mía nguyên liệu có chi phí đầu tư khoảng 7 triệu đồng thì mía nước lại tốn đến khoảng 8 - 9 triệu đồng/công do cần nhiều chi phí cho các khâu chăm sóc. Ông Lê Văn Dạn ở xã Đại Ân 1 cho biết: “Sau nhiều năm trồng mía nguyên liệu không hiệu quả, tôi chuyển sang trồng mía nước. Tuy nhiên mình tốn công và chi phí chăm sóc rất nhiều. Với 6 công trồng mía nước năm nay, ước tính khi thu hoạch sau Tết Nguyên đán tôi sẽ bán được khoảng 15 triệu đồng/công, sau khi trừ chi phí còn lãi được khoảng 7 triệu đồng/công”.

Do chỉ mới đầu vụ thu hoạch nên chưa có con số thống kê chính xác của đơn vị chuyên môn về diện tích được thu hoạch. Theo thông tin từ người dân, hiện nay diện tích mía đang bán cho thương lái chủ yếu là mía nước. Còn về mía nguyên liệu, sau 3 năm liên tiếp nông dân gặp khó khăn về đầu ra, giá nhân công và phương tiện vận chuyển thì đầu vụ thu hoạch năm nay cũng không khá hơn là bao. Để giải quyết vấn đề này, huyện Cù Lao Dung đang chuyển đổi dần những diện tích mía kém hiệu quả sang loại cây trồng khác, tùy theo thổ nhưỡng và điều kiện từng địa phương mà có hướng sản xuất khác nhau.

Đồng chí Nguyễn Văn Đắc - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết: “Vài năm trở lại đây, cây mía gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ. Trước bối cảnh này, chủ trương của lãnh đạo huyện là chuyển đổi diện tích mía. Theo đó, huyện sẽ giữ lại diện tích trồng mía nước và tiếp tục mở rộng diện tích cho những hộ có thể trồng mía để bán nguyên liệu và mía nước. Đối với diện tích xa đường vận chuyển mà người dân có điều kiện thì chuyển đổi qua trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản hoặc trồng màu. Huyện cũng thực hiện các mô hình thí điểm để cho người dân thấy hiệu quả và có hướng nhân rộng, từng bước giảm diện tích mía”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Cù Lao Dung còn hơn 5.100ha mía, Huyện ủy, UBND huyện Cù Lao Dung cũng tiếp tục chỉ đạo điều chỉnh đề án tái cơ cấu nông nghiệp với mục tiêu năm 2019 giảm còn khoảng 4.000ha mía. Dự kiến diện tích này sẽ tiếp tục giảm để chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thiện Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: