• Huyện Kế Sách

Ngày mới ở xã đảo Phong Nẫm

07/06/2017 09:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 07/06/2017 | 09:01

STO - Khi ngày mới bắt đầu, khung cảnh buổi sáng ở xã đảo Phong Nẫm (Kế Sách) thật đông vui và nhộn nhịp, thể hiện qua từng chuyến phà đưa dòng người từ đất liền ra xã. Trên chuyến phà đấy, chúng tôi có dịp tâm tình với những người lớn tuổi và họ cho rằng: Xã đảo Phong Nẫm phát triển được như hôm nay chính nhờ vào sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, cùng sự đồng lòng chung sức của người dân trong việc xây dựng nông thôn mới.

Phà vừa cặp bến, chúng tôi được một cán bộ trẻ của xã Phong Nẫm dẫn đường đến thẳng nhà anh Nguyễn Văn Tiến, ấp Phong Hòa là nông dân làm kinh tế “có tiếng” ở xã Phong Nẫm. Gặp chúng tôi, anh Tiến có vẻ khá ngạc nhiên, vì lúc “mưa to, gió lớn” như vầy mà lại tìm đến tận nhà. Cảm giác ngại tiếp chuyện với nhà báo qua nhanh, anh Tiến chân tình: “Tôi sinh ra, lớn lên và đã ăn 50 cái tết ở nơi này. Nếu như so sánh cuộc sống ngày xưa với hiện tại, có quá nhiều sự đổi mới, về sản xuất thôi đã là một kỳ tích với người dân xứ cồn. Ngày trước, người dân chỉ canh tác 1 vụ lúa/năm vào những tháng mùa hạn, còn mùa mưa không thể làm lúa, vì chưa có đê bao khép kín, nước sông Hậu lên cao vào các tháng mùa nước nên việc sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Việc chuyển đổi cây lúa sang cây ăn trái nhiều như bây giờ là từ lúc xã được đê bao khép kín”.

Những chiếc cầu nối liền xã đảo với các ấp trên địa bàn xã.

Theo anh Tiến và bà con vùng này, từ khi con đê hoàn chỉnh, việc nước tràn bờ vào ruộng lúa hay vườn cây ăn trái không còn nữa và cũng từ dạo đó, nhiều nông dân làm lúa đã chuyển sang làm vườn. Trao đổi với chúng tôi, anh Tiến bộc bạch: “Từ khi hệ thống đê bao khép kín, tôi mạnh dạn chuyển đổi 20 công lúa sang trồng xoài cát chu và nhờ phù sa của dòng sông Hậu bồi đắp quanh năm và sự chăm sóc cẩn thận nên cây xoài của gia đình tôi năm nào cho năng suất cũng cao. Do được thu hoạch vào thời điểm nghịch vụ, nên lợi nhuận cao gấp 2 lần so với cho trái đúng thời điểm”.

Dẫn chúng tôi ra tham quan vườn xoài, anh Tiến tiếp lời: “Một thời gian dài gắn bó cùng cây xoài cát chu, tôi tiếp tục xen canh cây xoài Đài Loan vào vườn xoài cũ nên đã tăng nguồn thu nhập lên đáng kể. Bình quân thu nhập 1 năm khoảng 350 triệu đồng/20 công xoài sau khi trừ chi phí. Giờ đây, khi xã nhà được công nhận xã đảo, tôi trông chờ Nhà nước đầu tư nhiều hơn nữa các công trình phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân, kể cả việc hỗ trợ vốn sản xuất nhằm giúp bà con nông dân mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao đời sống”.

Anh Tiến khoe vườn xoài Đài Loan được trồng xen với cây xoài cát chu.

Chia tay anh Tiến khi cơn mưa vẫn còn nặng hạt, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình vòng quanh xã đảo Phong Nẫm để đến nhà anh Trần Văn Chính, ấp Phong Hòa. Vừa đến nơi, đúng lúc anh Chính đang thu hoạch mận. Gặp chúng tôi, anh Chính nhiệt tình đón chào, giống như những người thân lâu ngày gặp lại. Bỏ dở công việc, anh Chính dẫn chúng tôi đi tham quan khắp khu vườn mận An Phước 11 công của gia đình, từng cây mận to lớn, trái nặng trĩu cành sà xuống mặt đất.

Tham quan khu vườn, anh cứ thúc giục chúng tôi “cứ hái mận ăn thoải mái, đừng ngại, mận ngọt lắm”. Đưa tay hái chùm mận gần 1kg, anh Chính tâm tình: “Từ lúc tiếp quản gia đình thay cha mẹ già, tôi đã chuyển đổi 11 công đất lúa sang trồng mận. Trước trồng mận đá đường, mận đá thị trường rất ưa chuộng nhưng chỉ được một thời gian mận rớt giá thê thảm, tôi chuyển sang trồng mận An Phước. Theo tôi, cây mận An Phước khá dễ trồng, thời gian ăn trái lâu nên đỡ tốn công “trồng đi trồng lại”. Đối với cây mận, thu hoạch trái 2 vụ/năm, năng suất bình quân khoảng 3 tấn trái/công/năm. Tính ra 1 năm tôi bán trên 33 tấn mận, trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận tầm 150 triệu đồng”.

Đưa ánh mắt rạng ngời, nhìn về khu vườn mận, anh Chính bộc bạch: “Nói thật, tôi làm ăn thuận lợi như hôm nay cũng nhờ vào chính quyền đầu tư các công trình đê bao khép kín, không lo nước tràn bờ gây ảnh hưởng vườn cây ăn trái. Giờ xã được công nhận là xã đảo, tương lai sẽ được đầu tư nhiều công trình hơn, xã nhà sẽ ngày càng khởi sắc hơn. Do vậy, bản thân tôi cố gắng lao động sản xuất, góp phần vào xây dựng xã đảo ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Anh Chính bên vườn mận An Phước cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm Nguyễn Minh Cảnh thông tin: “Xã Phong Nẫm ngày nay có đường ôtô từ bến phà về trung tâm xã và có 4/4 ấp có đường bêtông liên ấp, liên xã. Chính nhờ đường giao thông đi lại thuận tiện, nên việc vận chuyển hàng hóa nhất là trái cây của người dân đi các địa phương khác thuận lợi hơn rất nhiều, nâng cao thu nhập cho người dân và trên địa bàn xã, nguồn thu nhập chủ yếu của người dân dựa vào trồng cây ăn trái gần 100%. Dù nằm tách biệt với đất liền, nhưng xã có lợi thế về thông thương với 2 tỉnh bạn là Trà Vinh và Vĩnh Long bằng những chuyến phà sang sông. Qua sự thông thương trên, người dân của xã tiêu thụ tốt các loại trái cây khi tới mùa thu hoạch. Đồng thời, xã cũng được các cấp đầu tư về điện, đường, trường, trạm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe y tế ban đầu cho nhân dân trên địa bàn xã”.

Nói về những định hướng cho tương lai, đồng chí Nguyễn Minh Cảnh cho biết: “Hướng tới, chúng tôi dự tính sẽ vận động người dân có điều kiện xây dựng các nhà nghỉ theo hình thức homestay nhằm thu hút khách du lịch đến Phong Nẫm vui chơi giải trí, vì xã có vườn cây ăn trái đa dạng chủng loại, khí hậu trong lành, lại nằm giữa con sông Hậu. Bên cạnh đó, xã tranh thủ các nguồn vốn triển khai mở rộng các con đường liên ấp, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân cũng như giúp việc vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn. Về phát triển kinh tế, hầu hết người dân ở xã sống bằng nghề trồng cây ăn trái nên phụ thuộc vào giá thị trường. Do vậy, xã vận động người dân trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao và phù hợp điều kiện tự nhiên để tránh tình trạng cung vượt cầu”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: