• Huyện Long Phú

Đảng bộ huyện Long Phú chăm lo phát triển vùng đồng bào Khmer

28/09/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 28/09/2019 | 06:00

STO - Huyện Long Phú có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm 28,56% tổng dân số toàn huyện, trong đó xã Long Phú, Tân Hưng, Trường Khánh và thị trấn Long Phú chiếm tỷ lệ khá cao. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Long Phú đã phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chung sức, chung lòng chủ động khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng và nội lực, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng.

Theo đồng chí Kim Hen - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Long Phú đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội ở các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững. Cơ sở hạ tầng tiếp tục phát triển, các dịch vụ văn hoá, giáo dục, y tế đáp ứng tốt hơn. Hàng năm, nhân các ngày lễ, tết của đồng bào Khmer đều được cấp ủy, chính quyền tổ chức các đoàn thăm, viếng tặng quà, tạo sự đoàn kết, gắn bó và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.

Thị trấn Long Phú ngày càng đổi mới và phát triển. Ảnh: Q.K

Cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như: đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ về nhà ở cho đồng bào Khmer nghèo... Qua đó, nhiều hộ Khmer nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình nước sạch nên đời sống của đồng bào Khmer được nâng lên; an ninh chính trị được giữ vững.

Các vấn đề về giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, hệ thống trường, lớp được hoàn thiện, dần nâng cao chất lượng. Các chính sách đồng bào Khmer được thụ hưởng như: Điện, đường, trường, trạm đã tác động đến từng người, từng hộ gia đình, đã góp phần nâng cao sức khỏe, trình độ dân trí, tổ chức sản xuất của đồng bào Khmer. Qua đó, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, khẳng định các chính sách hỗ trợ, đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại hiệu quả tích cực.

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer của huyện Long Phú giảm còn 14,23%, hộ cận nghèo còn 9,48%. 11/11 xã, thị trấn có đường giao thông đến trung tâm xã, thị trấn; các ấp ở vùng có đông đồng bào Khmer đều có đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 91,27%, thuận tiện cho việc đi lại, phục vụ sản xuất kinh doanh của bà con. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số có điện sử dụng đạt tỷ lệ 99,88%; sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm tỷ lệ 97,28%. Trường THCS Dân tộc nội trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Toàn huyện có 94,23% con em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đến trường. 4/5 xã, thị trấn có đông đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn quốc gia về y tế (xã Long Phú, Tân Hưng, Trường Khánh và thị trấn Long Phú).

Hoạt động của hệ thống chính trị vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo huyện Long Phú có nhiều chuyển biến tích cực, nội dung, phương thức hoạt động được đổi mới, phù hợp trong tình hình địa phương, phát huy tốt vai trò hạt nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo; năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước nâng lên, bộ máy giúp việc được củng cố, kiện toàn, chất lượng cán bộ, công chức từng bước được cải thiện; nhiều phong trào mang tính thiết thực thu hút đông đảo nhân dân tham gia, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ban Thường vụ Huyện ủy Long Phú cũng luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, trong đó có vùng đông đồng bào Khmer. Hiện nay, số đảng viên người dân tộc Khmer của huyện Long Phú là 533 đồng chí. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển cán bộ dân tộc được xem là khâu trọng tâm và là nguồn kế thừa. Đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer trong huyện cơ bản đã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, về quản lý nhà nước, nhất là các đồng chí cán bộ chủ chốt từ cấp xã trở lên.

Tính từ năm 2017 đến nay, Long Phú có 20 cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy, lãnh đạo cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, trong đó có 19 cán bộ chủ chốt các cấp. Năm 2018, Đảng bộ huyện có 41 cơ sở đảng, qua kết quả đánh giá xếp loại có 5 đảng bộ đông đồng bào dân tộc thiểu số đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh (thị trấn Long Phú, Đại Ngãi và xã Long Phú, Tân Hưng, Trường Khánh), chiếm 12,2%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào Khmer luôn ổn định. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng tổ, ấp vùng đồng bào Khmer ngày càng vững chắc.

Hỗ trợ con giống cho bà con Khmer phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Q.K

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc, theo đồng chí Huỳnh Đức - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Long Phú, trong thời gian tới, Huyện ủy Long Phú sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ở vùng đồng bào Khmer; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; không ngừng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Lãnh đạo thực hiện tốt các chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào Khmer, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer, duy trì các lễ hội truyền thống; quan tâm vận động đồng bào Khmer chủ động trong lao động sản xuất, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tăng cường công tác dân vận, hướng mạnh về cơ sở, định kỳ tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, lồng ghép các chương trình hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đông đồng bào Khmer. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện giám sát và phản biện xã hội, phát huy vai trò Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện, các vị chức sắc, chức việc và người có uy tín trong đồng bào Khmer. Chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh toàn diện. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ là người dân tộc ở các ngành, các cấp cả về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào Khmer.

Q.K

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: