• Huyện Long Phú

Nỗ lực giảm tỷ lệ nợ quá hạn

04/05/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: K.Thoa
  • Thứ Bảy, 04/05/2019 | 06:00

STO - Ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú (Long Phú) là địa phương có đông bà con Khmer sinh sống. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, người dân luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Long Phú đã tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Ấp Khoan Tang có 7 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 367 khách hàng vay vốn, với tổng dư nợ trên 6 tỉ đồng. Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội là một trong những kênh quan trọng góp phần mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con trên địa bàn, đặc biệt bà con Khmer nghèo.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Sơn Huyên - Trưởng Ban nhân dân ấp Khoan Tang cho biết: “Với vai trò tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, bản thân tôi luôn nêu cao trách nhiệm của người đảng viên, của người quản lý tổ. Xác định nhiệm vụ, vai trò vô cùng quan trọng của tổ trong việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH. Hàng tháng, các tổ tiến hành họp để triển khai các công việc cũng như phổ biến các chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác tín dụng của NHCSXH. Vì vậy, công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được kịp thời. Việc bình xét các đối tượng thụ hưởng để vay dân chủ, công khai, đúng quy định và đối tượng thụ hưởng của từng chương trình. Từ đó, nguồn vốn đã phát huy hiệu quả, giúp cuộc sống người dân ngày càng cải thiện”.

Nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã giúp bà con có điều kiện phát triển mô hình chăn nuôi hiệu quả.

Trong quá trình hoạt động, các tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp Khoan Tang thường xuyên được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Long Phú tập huấn nghiệp vụ, từ đó, Ban quản lý tổ đã thực hiện nghiêm túc các quy định của NHCSXH; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, nhất là quan tâm sâu sát việc thực hiện kiểm tra, việc sử dụng vốn vay của các hộ vay vốn. Từ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách là chỗ dựa đáng tin cậy, giúp bà con giải quyết những khó khăn về vốn, hạn chế tình trạng bà con đi vay nóng ở bên ngoài với mức lãi suất cao. Sau khi vay vốn, bà con đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đầu tư vào các mô hình chăn nuôi bền vững hiệu quả, như: chăn nuôi gà, heo, bò thịt…

Tuy nhiên, đa số các tổ viên vay vốn sử dụng vào mục đích nuôi heo nhưng do những năm vừa qua giá heo liên tục rớt giá, tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra dẫn đến thua lỗ. Hầu hết các hộ vay đều không có đất sản xuất, chủ yếu đi làm thuê. Các mô hình làm ăn hiệu quả ở địa phương còn hạn chế, chủ yếu nuôi bò, heo, vịt, giá cả bấp bênh nên người dân không dám tái đầu tư. Từ đó, người dân lựa chọn con đường đi làm ăn xa. Một số hộ dân coi vốn NHCSXH là việc trợ cấp của Nhà nước nên không có ý thức trong việc trả nợ. Từ đó, dẫn đến tỷ lệ nợ quá hạn của ấp còn cao (trên 1,2 tỉ đồng), chiếm tỷ lệ trên 20%.

Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Long Phú Nguyễn Văn Quỳnh Anh cho rằng: “Ấp Khoan Tang có hộ đi làm ăn xa nhiều, nợ quá hạn và nợ khoanh chủ yếu tập trung ở Chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32-2007-QĐ-TTg, ngày 5-3-2007 và Chương trình cho vay theo Quyết định số 74-2008-QĐ-TTg, ngày 9-6-2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Hiện nhiều bà con ở ấp không có khả năng trả nợ do bị rủi ro bởi nguyên nhân khách quan. Vì vậy, để giảm tỷ lệ nợ quá hạn, chúng tôi phối hợp với UBND thị trấn Long Phú chỉ đạo tổ thu nợ khó đòi làm việc với từng hộ và tiến hành làm cam kết trả dần, phân tích khả năng từng hộ để có giải pháp xử lý”.

Theo đồng chí Sơn Huyên, nguyên nhân lớn dẫn đến những tồn tại, khó khăn là do ý thức của người dân. Vì vậy, Ban nhân dân ấp đang phối hợp với ngành chức năng và các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ những quy định khi vay vốn ngân hàng; đồng thời duy trì sinh hoạt các tổ hàng tháng. Trong công tác xét cho hộ vay mới phải lựa chọn hộ đủ điều kiện vay, có uy tín tại địa phương, chí thú làm ăn và có phương án làm ăn hiệu quả, có khả năng đóng tiền lãi và gửi tiết kiệm tích lũy trả nợ theo đúng quy định. Nắm thông tin, địa chỉ, số điện thoại của những hộ đi làm ăn xa phải đôn đốc họ gửi tiền về để trả nợ hàng tháng. Đối với những hộ không có điều kiện gửi về ngân hàng hàng tháng thì hướng dẫn họ đến NHCSXH gần nơi họ làm việc để chuyển tiền trả nợ.

Thời gian qua, chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn ấp Khoan Tang từng bước được triển khai có hiệu quả, giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, để giảm tỷ lệ nợ quá hạn trên địa bàn ấp thì cần có sự chung tay hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, các hội, đoàn thể và nỗ lực vươn lên của chính người dân trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi.

K. Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: