• Huyện Long Phú

Trồng màu VietGAP - Hướng đi tất yếu theo nhu cầu thị trường

15/05/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 15/05/2019 | 06:00

STO - Trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Long Phú phát triển mạnh cây màu, đặc biệt là việc đưa cây màu xuống chân ruộng thay thế dần cây lúa vụ 3. Để cây màu phát triển bền vững, nhiều hộ nông dân đã gắn kết lại với nhau hình thành nên các tổ hợp tác hay hợp tác xã (HTX) nhằm sản xuất được số lượng rau màu lớn với cùng một quy trình kỹ thuật và hơn hết là cùng chất lượng.

Để tạo nên sản phẩm rau màu mang nét đặc trưng riêng của địa phương, HTX Nông nghiệp Phát Đạt, xã Châu Khánh đã áp dụng quy trình sản xuất màu theo tiêu chuẩn VietGAP và đã được cấp giấy chứng nhận. Đây được xem là một trong những bước tiến mới của HTX này trong việc đưa sản phẩm rau màu sạch ra thị trường phục vụ người tiêu dùng.

Như bao nông dân khác, ngày mới của ông Võ Hoàng Muôn, ấp Nhất, xã Châu Khánh là vác đôi thùng thiếc lên vai ra sau nhà tưới nước cho đám rau màu. Ông Muôn tâm tình: “Tôi có 3.000m2 đất chuyên canh cây lúa, nhưng nhiều năm qua, cây lúa cho thu nhập thấp nên tôi quyết định chuyển hẳn sang trồng màu đến nay khoảng 5 năm. Tôi thường chọn trồng các loại như: khổ qua, dưa leo, bí xanh… bình quân 1 năm có thể trồng luân phiên được 3 - 4 đợt, mỗi đợt thu về số tiền kha khá”.

Cái hay của trồng màu là vẫn có thể trồng theo hình thức xen canh, thu hoạch quanh năm. Về giá bán còn phụ thuộc phần lớn vào thị trường tùy từng thời điểm, nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận tốt, nhất là các loại dưa leo, khổ qua. “Khoảng 1 năm trở lại đây, tôi rất phấn khởi tham gia trồng màu theo tiêu chuẩn VietGAP, bởi vừa giảm chi phí đầu tư, nhẹ công chăm sóc vừa hạn chế tối đa việc dùng các loại phân bón thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là các loại phân bón hữu cơ, thuốc vi sinh đảm bảo sức khỏe người canh tác và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng” - ông Muôn cho biết thêm.

Trồng màu theo quy trình VietGAP mẫu mã bên ngoài của sản phẩm không đẹp nhưng về chất lượng rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tâm đắc với việc tất cả các thành viên đều sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Lâm Văn Hóa, ấp Nhất, xã Châu Khánh bộc bạch: “Nhờ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trên cây màu đã giúp tôi giảm đáng kể chi phí đầu tư (hơn 70%) nhưng năng suất rau màu vẫn ổn định. Đồng thời, việc dùng các loại phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, đất được cải tạo tơi xốp hơn. Nhờ vậy, rau màu cũng phát triển xanh tốt, ít bị các loại sâu hại tấn công. Tôi có 1ha trồng màu chuyên canh, chuyển từ đất trồng lúa cũng được 2 năm nay. Diện tích đất trên, tôi không trồng màu hết mà chỉ luân phiên trồng xen kẽ nhau nhằm đổi đất để màu phát triển tốt. Thường khi trồng 4 - 5 công dưa leo, ớt, kết hợp khổ qua, hết đợt sẽ chuyển sang phần đất còn lại. Tính ra, bình quân 1 năm trồng tầm 4 - 5 đợt rau màu, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận khá nhiều”.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Phát Đạt Lương Văn Lâm cho biết: “Từ ngày được hỗ trợ đầu tư mô hình VietGAP, thành viên HTX rất phấn khởi. Thứ nhất đảm bảo được sức khỏe bản thân do ít có sử dụng thuốc hóa học; thứ hai đảm bảo môi trường xung quanh diện tích canh tác được sạch và đặc biệt HTX được chính quyền quan tâm, đây được xem là vinh hạnh lớn của HTX. Khó khăn của HTX về đầu ra là làm theo VietGAP nếu chở đi chợ tiêu thụ người tiêu dùng không phân biệt được rau nào trồng VietGAP rau nào trồng theo tập quán cũ. Thêm vấn đề nữa là dưa trồng theo tiêu chuẩn VietGAP mẫu sản phẩm sẽ không đẹp. Ngành chức năng nên giúp tháo gỡ đầu ra cho cây màu an toàn vệ sinh thực phẩm…”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Ngọc Hạp thông tin: “Trên địa bàn tỉnh có một số sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, một số nơi đã được dán tem điện tử, một số chưa và các sản phẩm trên đầu ra gặp khó khăn một phần cũng do tâm lý khách hàng thích mẫu mã đẹp nhưng đối với mặt hàng VietGAP thì mẫu trung bình nhưng chất lượng rất tốt. Để sản phẩm VietGAP tiêu thụ tốt, trước hết người sản xuất phải luôn tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn VietGAP và tuyên truyền đến người tiêu dùng những lợi ích của việc dùng sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, có như vậy đầu ra sản phẩm VietGAP mới ổn định. Các đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ tìm doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản đạt chứng nhận VietGAP cho các HTX…”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: