• Huyện Mỹ Tú

Lời cao nhờ kinh doanh tràm giống

25/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 25/09/2017 | 06:00

Ở Mỹ Tú, ngoài cây mía thì cây tràm được người dân trồng chuyên canh lâu đời. Và cây tràm đã đem lại cuộc sống sung túc cho nhiều gia đình. Nhưng do giá cả thị trường bấp bênh nên một số diện tích tràm đã được chuyển đổi sang loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay, cây tràm vẫn là loại cây trồng chính của nhiều hộ. Để tăng thêm thu nhập, người dân đã tận dụng tuyến Quản lộ Phụng Hiệp để mở “dịch vụ” bán cây tràm giống.

Theo quan sát của chúng tôi, đoạn đường chưa tới 500m nhưng có hơn 20 hộ bán tràm giống. Nhanh tay quăng những bó tràm con vừa mới nhổ về chuẩn bị giao cho khách hàng, chị Hồng Trúc Loan ở ấp Phương Thạnh 1, xã Hưng Phú phấn khởi cho biết: “Trồng tràm giống cực hơn trồng tràm bán gỗ nhưng bù lại có thu nhập khá. Tôi chọn cây tràm rừng để trồng vì đây là loại tràm truyền thống được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ngoài việc bán cây tràm cho khách vãng lai, số tràm còn lại tôi bán theo đơn đặt hàng”.

Cũng theo chị Trúc Loan, cây tràm khá dễ trồng nhưng đòi hỏi chăm sóc cẩn thận nhằm đảm bảo cây giống tốt, không bị hư hỏng. Tràm được trồng bằng hạt, vì vậy phải chọn cây giống lấy hạt “đạt chuẩn”. Thời gian gieo sạ tới lúc nhổ cây tràm giống là 7 tháng và việc nhổ bán cây con kéo dài trong vài tháng. Một công tràm giống cho thu nhập khoảng 45 triệu đồng khi đã trừ hết chi phí.

Tính đến nay, chị Loan đã gắn bó cùng cây tràm giống được 5 năm, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình chị ổn định. Thuận lợi nhất của nghề kinh doanh tràm giống là nhờ có tuyến Quản lộ Phụng Hiệp mà xe ôtô tới tận nơi để chở cây giống, còn trước đây, chủ yếu chở bằng ghe xuồng rất vất vả, lợi nhuận không đáng kể do chi phí vận chuyển xa.

Chị Loan nhổ tràm giống chuẩn bị giao cho khách hàng ở Cà Mau.

Chia tay chị Loan, chúng tôi ghé sang “quầy hàng” tràm giống của chị Nguyễn Thị Phương, cũng ở ấp Phương Thạnh 1, xã Hưng Phú. Chị Phương vui vẻ bộc bạch: “Trước đây, tôi chỉ trồng cây tràm bán gỗ nhưng thấy bà con trong xóm trồng tràm con bán thu nhập khá, tôi đã chuyển đổi 2 công đất trồng tràm bán gỗ sang cây giống. Tôi chọn giống tràm Úc để trồng do nhu cầu của người trồng tràm gỗ cao và do cây tràm Úc có thời gian thu hoạch bán gỗ ngắn, khoảng 3 - 4 năm tuổi là đã bán được cây gỗ và giá tràm giống khá cao. Để cây giống đảm bảo chất lượng, tôi đi tuyển chọn hạt giống tại những vườn tràm Úc phát triển tốt, lấy hạt về lựa chọn thật kỹ đem phơi khô và làm đất bằng phẳng để gieo sạ. Sau khoảng 7 tháng xuống giống là có thể nhổ bán cây giống. Cây tràm Úc lớn khá nhanh nên khách mua nhiều. Mỗi ngày, tôi bán tầm 20 - 30 bó tràm con, thu về số tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng”.

Chị Phương thông tin thêm, ngoài bán tràm giống trực tiếp cho khách đi đường và bỏ mối, chị còn nhận trồng tràm theo hình thức bao trọn gói bằng cách ai thuê trồng tràm thì người thuê chỉ việc giao đất, chị sẽ lo toàn bộ khâu làm đất, trồng cây tràm và “bảo hành” cây trong suốt 1 tháng đầu để cây tràm bén rễ, đảm bảo tràm sống tốt mới nhận tiền từ người thuê, 1 công nhận khoán 2,5 triệu đồng. Theo chị Phương, năm nay, việc bán cây tràm giống có phần giảm hơn mấy năm trước, do nhiều người chuyển đổi đất trồng tràm sang loại cây trồng mới, một phần do cây tràm bị sâu hại tấn công nên nhiều hộ dân địa phương ngưng trồng. Do vậy, số tràm giống chị bán chủ yếu cho đầu mối ở Cà Mau, Đồng Tháp… Chị Phương thật thà chia sẻ: “Trồng tràm giống lợi nhuận gấp đôi so với tràm bán gỗ, còn so với cây lúa thì lợi nhuận gấp nhiều lần. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục duy trì việc làm tràm giống để bán”.

Chủ tịch UBND xã Hưng Phú Phan Thanh Trí cho biết: “Nghề trồng tràm đã gắn bó lâu đời đối với bà con nông dân trên địa bàn xã và nghề làm tràm giống phát triển hơn 10 năm nay. Hầu hết người dân làm tràm giống với tập quán sản xuất là đáp ứng nhu cầu cây giống tại gia đình và bán cho các hộ dân lân cận. Việc bán buôn phát triển mạnh khoảng 5 năm trở lại đây khi trên địa bàn xã có tuyến Quản lộ Phụng Hiệp đi ngang qua, người dân đem tràm giống bán cặp theo con đường nên cứ thế số hộ bán tăng dần. Theo thống kê, toàn xã có 48 hộ bán buôn tràm giống với diện tích trồng 50ha. Nhờ kinh doanh cây tràm giống mà đời sống người dân địa phương ngày càng khởi sắc”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: