• Huyện Mỹ Tú

Nhờ "chia sẻ" mà thoát nghèo

26/02/2018 08:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 26/02/2018 | 08:00

STO - Trong những ngày đầu năm, chúng tôi có dịp gặp gỡ các chị em trong Câu lạc bộ (CLB) Chia sẻ của phụ nữ ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) và rất ấn tượng bởi tất cả thành viên khi mới “gia nhập” đều nghèo, giờ đã thoát nghèo 100%.

Lần đầu tiên gặp gỡ chúng tôi, chị Tiết Châu Da - Chủ nhiệm CLB Chia sẻ khá lúng túng, thật thà bộc bạch: “Tôi nói tiếng Việt không mấy gì rành cho lắm nên chắc sẽ không trả lời được nhiều câu hỏi của nhà báo”. Được sự động viên của cán bộ Hội LHPN xã Phú Mỹ nên chị Da có vẻ yên tâm hơn và nói thêm rằng: “Có gì nhờ cán bộ phụ nữ dịch giùm ý”. Chỉ một lúc trò chuyện, chị Da đã cởi mở hơn và trả lời trơn tru những điều chúng tôi muốn biết, nhất là khi nói về CLB Chia sẻ, chị Da trở nên hào hứng và thông tin nhanh nhẹn.

Chị Lý Thị Hạnh và chị Lý Thị Sà Vương thoát nghèo nhờ nuôi bò sữa. Ảnh: Thúy Liễu

Theo thông tin từ chị Da, CLB Chia sẻ thành lập đến nay được 6 năm và hiện có 23 thành viên tham gia. Đời sống chủ yếu của các chị là chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm ruộng và một số ít hộ trồng màu. “Khi CLB mới đi vào hoạt động thì có đến 100% thành viên đều nghèo, ít đất sản xuất, thậm chí có người không đất. May mắn là CLB được sự giúp đỡ của các cấp hội phụ nữ hỗ trợ vốn xoay vòng trong thành viên để họ đầu tư mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, con giống, cây trồng, vật nuôi để sản xuất và có thêm thu nhập. Đối với thành viên không đất sản xuất, từ số tiền quỹ đầu tư buôn bán nhỏ cũng thu lợi nhuận khá” - chị Da thông tin.

Ngoài số tiền do hội phụ nữ các cấp hỗ trợ thì CLB còn được Dự án Heifer, vốn ủy thác từ ngân hàng chính sách xã hội… hỗ trợ, tạo điều kiện cho thành viên mở rộng sản xuất khi có nguồn vốn vay với lãi suất thấp. Chị Da cho rằng: “Hầu hết chị em trong CLB đều chí thú làm ăn, minh chứng là 6 năm qua có hơn 40% thành viên khá giàu, số còn lại có cuộc sống trên mức trung bình. Ngay cả bản thân tôi cũng là một trong nhiều chị thuộc diện nghèo, giờ đã có của ăn của để”.

Chia sẻ về quá trình “vượt khó”, chị Da bộc bạch: “Ngày trước, tôi cũng có vài chục công đất làm lúa nhưng do hoàn cảnh gia đình, phải bán hết số ruộng đất. Để có tiền trang trải, hàng ngày tôi phải đi làm thuê. Lúc bấy giờ, các con còn nhỏ nên làm bao nhiêu tiền đều lo cho chúng nó ăn học, cuộc sống vất vả trăm bề. Lúc đó, Hội LHPN xã vận động thành lập CLB, tôi đăng ký tham gia và được bầu làm chủ nhiệm. Với vai trò người dẫn dắt thành viên, tôi nghĩ mình phải làm gương để các chị noi theo. Nhờ số tiền hỗ trợ của phụ nữ, tôi đầu tư mua bán nhỏ và trong thời gian 4 năm đã tích lũy mua được 4 công đất ruộng, mở thêm dịch vụ buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Giờ đây, số ruộng của gia đình tăng lên 15 công và tôi đã xây dựng được căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Bên cạnh đó, việc buôn bán phân bón tại nhà cũng có nhiều thuận lợi hơn do đường sá thông thương, bình quân mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng (đã trừ chi phí). Giờ gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững cũng nhờ vào CLB Chia sẻ”.

Cũng là thành viên trong CLB Chia sẻ thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sữa, chị Lý Thị Sà Vương kể lại con đường vượt lên chính mình: “Bản thân tôi ít chữ nghĩa, quanh năm chỉ làm ruộng, rồi chăn nuôi gà, vịt nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Với lại mình làm lúa theo tập quán và theo kinh nghiệm bản thân nên năng suất không cao, kèm theo đó là chọn các giống lúa chất lượng thấp, bán ít khi được giá. Nghe chị em trong xóm tham gia CLB được hỗ trợ tiền mở rộng sản xuất, tôi tự nguyện xin gia nhập. Khi vào CLB, chị em tâm sự, chia sẻ nhau về phương thức làm ăn cũng như được ngành chuyên môn tập huấn trồng trọt, chăn nuôi nên mình hiểu hơn về cách trồng lúa để tăng năng suất và cách chọn vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương để dễ tiêu thụ. Đặc biệt là nhờ vào CLB, tôi được Dự án Heifer hỗ trợ bò sữa; chỉ 1 con ban đầu, giờ đàn bò đã tăng lên 5 con, trong đó có 1 con đang cho sữa và 4 con bò hậu bị. Dự kiến tới, tôi sẽ tăng đàn bò lên càng nhiều càng tốt nhằm tăng thu nhập gia đình”.

Chị Lý Thị Hạnh ngụ cùng ấp với chị Vương góp lời: “Nếu như không tham gia vào CLB, giờ chưa chắc gì tôi đã thoát nghèo. Bởi làm có mấy công ruộng, chẳng biết phải chăn nuôi con gì tăng nguồn thu. Nuôi heo có rất nhiều rủi ro, nuôi gà, vịt cũng không đảm bảo vì mình thiếu kinh nghiệm. Tham gia CLB Chia sẻ thì suy nghĩ của mình mạnh dạn hơn trong đầu tư mở rộng sản xuất vì có cán bộ chuyển giao kỹ thuật, các chị trong CLB động viên nhau và có cả nguồn vốn hỗ trợ. Nhờ được hỗ trợ 1 con bò sữa ban đầu, giờ tôi phát triển đàn lên 3 con đang cho sữa và 2 con bê, bình quân lượng sữa thu về 35kg/ngày, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận gần 200.000 đồng/ngày. Thấy nuôi bò có hiệu quả, tôi đã chuyển đổi 1,5 công đất lúa sang trồng cỏ nuôi bò, chỉ để lại 4 công đất lúa. Thời gian tới, đàn bò tăng sẽ chuyển hết số đất trồng lúa sang trồng cỏ nuôi bò, vì tăng đàn bò đồng nghĩa việc tăng thu nhập thông qua việc bán sữa bò”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Mỹ Phạm Thị Thanh Thủy cho biết: “Số hội viên phụ nữ toàn xã là 582 người và 100% hội viên có đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống gặp nhiều khó khăn, hiện có khoảng 40% hội viên vẫn còn thuộc diện hộ nghèo. Để phát triển đời sống cho các hội viên, phía hội đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án để triển khai đến các chị và thành lập các CLB, tổ, nhóm để các chị cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau làm giàu. Qua việc thành lập thì CLB Chia sẻ là một trong nhiều CLB làm ăn hiệu quả nhất, bởi 100% thành viên đều thoát nghèo vươn lên khá, giàu. Hướng tới, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình CLB Chia sẻ tại các ấp nhằm hỗ trợ phụ nữ nghèo có thêm động lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: