• Huyện Mỹ Tú

Nông dân vùng trũng phất lên nhờ nuôi cá

04/01/2018 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: K.Thoa
  • Thứ Năm, 04/01/2018 | 09:00

STO - Nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa nước nổi thay vụ lúa Thu - Đông kém hiệu quả hiện đang là lựa chọn phù hợp của nhiều nông dân vùng trũng huyện Mỹ Tú vì mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú Võ Minh Quân cho biết: “Hiện nay, diện tích thủy sản toàn huyện là 3.050ha, trong đó, diện tích nuôi cá các loại chiếm 2.845ha. Mô hình nuôi cá trên ruộng lúa vụ Thu - Đông hiện nay đang phát triển mạnh và được tập trung nhiều ở các xã: Mỹ Phước, Mỹ Tú, Long Hưng và một số vùng đất trũng trên địa bàn huyện. Điều này cho thấy, nhận thức của người dân cơ bản đã thay đổi từ sản xuất độc canh cây lúa 3 vụ/năm dần chuyển sang hình thức luân canh cá - lúa, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao trong những tháng mùa nước nổi đổ về”.

Vụ Thu - Đông trồng lúa kém hiệu quả nên nhiều hộ dân chuyển sang nuôi cá và vịt trời cho thu nhập cao. 

Qua giới thiệu của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, chúng tôi tìm về Mỹ Phước - đây là một trong số các xã của huyện phát triển mạnh mô hình nuôi cá vụ Thu - Đông. Từ khi chuyển sang nuôi cá, nhiều nông dân ở xã Mỹ Phước có thêm nguồn thu nhập vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/vụ.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước Lê Vũ Phương cho biết: “Mỹ Phước có 5.400ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó, diện tích đất vùng trũng chiếm 2.000ha. Vụ Thu - Đông năm nay, toàn xã thả nuôi 920ha cá ở vùng trũng, với các loại như: cá trê, lóc, sặc rằn, rô phi... Với mô hình này, người dân chỉ cần bỏ vốn mua con giống và tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên nên hiệu quả kinh tế thu được gấp từ 3 lần đến 4 lần so với trồng lúa”.

Vụ Thu - Đông năm nay, gia đình chú Nguyễn Văn Vũ ở ấp Phước Ninh cũng như nhiều bà con trong xã Mỹ Phước đã chuyển hết diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang thả cá. Trò chuyện với chúng tôi, chú Vũ chân tình chia sẻ: “Gia đình có trên 40 công ruộng, trước đây trồng lúa 3 vụ/năm, nhưng thường ở vụ Thu - Đông do ngập nước nên làm lúa không có hiệu quả, chỉ lỗ hoặc huề vốn và nhiều năm bỏ không vụ này. Sau này, thấy nhiều bà con nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế nên gia đình tôi cũng chuyển sang nuôi cá vụ Thu - Đông. Qua 2 năm nuôi, tôi thấy hiệu quả kinh tế nuôi cá hơn nhiều so với trồng lúa”.

Cũng theo chú Vũ, nuôi cá vụ Thu - Đông không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp cải tạo ruộng lúa cho vụ sau. Cá chủ yếu ăn những sinh vật phù du trôi về theo lũ hoặc ăn cỏ, gốc rạ nên cá rất mau lớn, chỉ khoảng 4 tháng là cho thu hoạch. Theo dự tính của chú Vũ, năm nay, nước lớn hơn năm ngoái nên ngoài lượng phù sa được bồi đắp thì lượng cá thiên nhiên cũng vào rất nhiều. Vì vậy, ngoài thả các loại cá đồng thì gia đình chú còn tận dụng con nước lũ để cá thiên nhiên vào. Với cách làm như vậy, 2 vụ trước, gia đình chú Vũ cũng thu về từ 15 triệu đồng đến 17 triệu đồng/ha. Ngoài nuôi cá, gia đình chú còn tận dụng mặt nước nuôi vịt trời. Với sự kết hợp hiệu quả 2 mô hình trên đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ cho gia đình chú Vũ.

Nhận thấy nhiều người làm hiệu quả, năm 2015, gia đình chú Nguyễn Văn Quân ở ấp Phước Ninh cũng quyết định không làm lúa vụ Thu - Đông mà chuyển sang nuôi cá đồng. Theo chú Quân, nuôi cá ở vụ này chỉ cần đầu tư con giống ban đầu, về sau không phải tốn nhiều công chăm sóc hay tiền thức ăn mà cá vẫn lớn. Hơn nữa, sau khi thu hoạch cá xong, mặt ruộng lại có một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng giúp cho vụ lúa kế tiếp giảm được chi phí về tiền phân bón, hạn chế được sâu bệnh và làm tăng năng suất hơn. Theo chú Quân, việc nuôi các loại cá đồng bán được giá, thương lái đến tận nhà mua với giá khoảng 50.000 đồng/kg đến 100.000 đồng/kg (tùy theo loại). Tuy diện tích nuôi chưa hết nhưng gia đình chú cũng thu về mấy chục triệu đồng/vụ.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước Lê Vũ Phương cho biết thêm: “Xác định việc phát triển nuôi cá vụ Thu - Đông là một trong những thế mạnh của địa phương nên trong thời gian tới, chúng tôi khuyến khích bà con chỉ làm 2 vụ lúa chính, còn vụ Thu - Đông thì tận dụng mùa nước nổi chuyển đổi hết những diện tích đất trũng sang nuôi cá. Mô hình này đang được bà con phát triển mạnh mấy năm nay và diện tích nuôi ngày càng mở rộng. Qua đó, cho thấy ý thức của bà con đã thay đổi nhiều nhằm phá vỡ thế độc canh cây lúa, phát huy mô hình phù hợp với điều kiện địa phương để tăng thu nhập, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: