• Huyện Mỹ Tú

Sản xuất lúa theo hướng hàng hóa - hướng đi hiệu quả của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Lập

22/10/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 22/10/2018 | 06:00

STO - Sản xuất lúa theo hướng hàng hóa là mục tiêu mà Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Lập, ở ấp Tân Hòa B, xã Long Hưng (Mỹ Tú) đang hướng tới nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, đảm bảo liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giúp bà con xã viên giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Tuy mới hoạt động hơn một năm nay, nhưng HTX Nông nghiệp Tân Lập đã từng bước khẳng định hiệu quả, sự gắn kết giữa HTX với các thành viên. Lúc mới thành lập, HTX này chỉ có 9 xã viên. Trong quá trình hoạt động, nhiều bà con thấy lợi ích thiết thực nên đã tự nguyện làm đơn đăng ký tham gia nên mới đây đã kết nạp thêm 7 xã viên, nâng tổng số thành viên lên 16 người, với tổng diện tích khoảng 20ha. Ngoài ra, HTX còn hợp đồng thêm với một số bà con lân cận trong vùng cánh đồng mẫu lớn khoảng 23ha.

HTX phối hợp với ngành chức năng tham quan ruộng đồng.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Lập Văn Công Phương cho biết: “Ngay sau khi đi vào hoạt động, hàng năm, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể cho từng lĩnh vực hoạt động sao cho phù hợp với tình hình của địa phương”.

Theo đó, khi tham gia vào HTX, các thành viên (nhất là nông dân sản xuất nhỏ lẻ) có thể liên kết lại với nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra sản phẩm lúa hàng hóa, mang lại lợi ích cho nông dân. Hàng tháng, HTX tổ chức họp định kỳ để triển khai phương án sản xuất, thống nhất mùa vụ, giống lúa, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như lịch bơm tưới vào từng thời điểm cho phù hợp. Khi đến mùa vụ, xã viên sẽ đồng loạt xuống giống nên hạn chế được tình hình sâu bệnh. Sau khi thu hoạch, xã viên được Công ty TNHH ADC ở Cần Thơ hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên giá cả ổn định.

Chia sẻ về những lợi ích khi tham gia vào HTX này, xã viên Thạch Như Hiền cho biết: “Gia đình tôi có 10 công lúa, lúc trước làm lúa chủ yếu theo kinh nghiệm, nhỏ lẻ nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, hay bị thương lái ép giá. Giống chủ yếu mua ở các nhà máy sấy nên năng suất và chất lượng thấp. Từ khi tham gia vào HTX, tôi thường xuyên được dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do HTX phối hợp ngành chức năng tổ chức. Hơn nữa, không lo đầu ra vì được HTX bao tiêu, giá cả lại ổn định, bán lúa giá cao hơn 300 đồng/kg so với bán cho thương lái”.

Phát huy lợi thế về giao thông, thủy lợi nội đồng vì có trạm bơm điện và bờ bao khép kín nên bà con trong HTX Nông nghiệp Tân Lập đã chủ động được khâu tưới tiêu và mùa vụ trong sản xuất. Một năm bà con có thể sản xuất được 2 vụ lúa chính là Đông - Xuân và Hè - Thu, chủ yếu với các giống lúa RVT, OM 5451… với năng suất và chất lượng tương đối cao.

“Trong quá trình canh tác, chúng tôi phối hợp với ngành chuyên môn và công ty đi thăm đồng thường xuyên để theo dõi quá trình phát triển của lúa rồi có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, hướng dẫn xã viên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tìm đầu ra và ký kết với các công ty để cung ứng đầy đủ phân, thuốc và giống cho bà con từ lúc đầu vụ cho đến lúc thu hoạch lúa để bà con yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả canh tác” - ông Phạm Văn Đang - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Lập cho hay.

Theo kế hoạch, vụ Đông - Xuân tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ hỗ trợ bà con xã viên 100% giống lúa đặc sản ST24. Ngoài ra, Trạm Bảo vệ thực vật sẽ hỗ trợ bà con sản xuất lúa theo hướng VietGAP để tạo ra lượng lúa hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cho xã viên.

“Để thực hiện được mục tiêu dần hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng tập trung, quy mô diện tích lớn, sản xuất lúa theo hướng hàng hóa và xây dựng thương hiệu lúa gạo tại địa phương, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của ngành chức năng về vốn, giống và khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, phát triển mở rộng các dịch vụ để tăng nguồn vốn hoạt động; đồng thời tìm kiếm công ty phân bón chất lượng để ký kết hợp đồng lấy phân, thuốc cung ứng trực tiếp cho bà con, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, trong đó chú trọng sản xuất lúa giống thuần chủng để cung ứng cho bà con tại địa phương. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất, khuyến khích bà con tham gia vào HTX để tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, sức cạnh tranh và ổn định đầu ra cho bà con” - ông Văn Công Phương phấn khởi cho biết thêm.

Dù còn gặp không ít khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của Ban Giám đốc và sự quan tâm của ngành chuyên môn, hy vọng rằng, HTX Nông nghiệp Tân Lập ngày càng thể hiện vai trò quan trọng là “Cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp”, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống, đặc biệt tạo niềm tin để xã viên yên tâm sản xuất.

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: