• Huyện Mỹ Xuyên

Nông nghiệp Mỹ Xuyên trước thềm công nhận huyện nông thôn mới

30/04/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 30/04/2020 | 06:00

STO - Giống như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, đời sống của người dân huyện Mỹ Xuyên chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với 2 loại hình cho thu nhập chính là con tôm, cây lúa. Để tăng giá trị hạt lúa, con tôm, huyện đã triển khai thực hiện mô hình tôm - lúa rất hiệu quả, tạo chuỗi liên kết đầu vào, đầu ra cho sản phẩm lúa - tôm, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Những điểm sáng trong sản xuất…

Khi nhắc đến tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhớ ngay đến mô hình tôm - lúa và ông đánh giá rất cao mô hình này bởi nó mang tính bền vững. Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích lúa gieo trồng hàng năm trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên là 24.450ha, trong đó diện tích lúa đặc sản gần 16.000ha, lúa nền tôm 8.116ha và triển khai mô hình cánh đồng lớn với quy mô 500ha - 656ha tại các xã: Tham Đôn, Thạnh Phú, Thạnh Quới. Tổng sản lượng lúa ước 143.699 tấn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu trong chuyến đến thăm mô hình tôm - lúa tại huyện Mỹ Xuyên. 

Để thuận lợi cho việc thu hoạch lúa, huyện đã đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và có gần 100% diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Bên cạnh đó, huyện còn triển khai các đề án, dự án, mô hình trong sản xuất lúa đem lại các kết quả, như: Dự án tôm - lúa tại xã Gia Hòa 2, quy mô 20ha/17 hộ, giống lúa ST24, thu hoạch năng suất tôm sú được 1 tấn/ha, năng suất lúa được 5,6 tấn/ha; dự án VnSAT về tập huấn quy trình kỹ thuật canh tác lúa 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm; mô hình “Sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa đặc sản” tại Hợp tác xã Đại Thắng, xã Đại Tâm, quy mô 50ha; mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, vụ Đông - Xuân (2019 - 2020)...

Riêng về thủy sản, diện tích thả nuôi hơn 20.225ha, trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ hơn 18.991ha (tôm sú 7.060ha, tôm thẻ 11.931ha), tổng sản lượng ước 40.681 tấn, lợi nhuận thu về cho nông dân nuôi tôm thẻ là 88 triệu đồng/ha, tôm sú bán thâm canh 74 triệu đồng/ha, tôm sú quảng canh cải tiến 45 triệu đồng/ha. Ngoài đối tượng nuôi truyền thống là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, huyện còn phát triển nhanh các đối tượng thủy sản khác, như: tôm càng xanh toàn đực, cá chẽm và cá dứa, kể cả hình thành các mô hình nuôi tôm, cá hiệu quả là: mô hình luân canh tôm sú - lúa; mô hình xen canh tôm càng xanh - lúa; mô hình nuôi tôm sú kết hợp với cá các loại…

Khi nói đến huyện Mỹ Xuyên, ngoài con tôm, cây lúa thì con bò cũng được xem là một trong những vật nuôi đem lại nguồn thu ổn định tại hộ, đặc biệt con bò sữa góp phần giúp cho hộ dân thoát nghèo bền vững. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện đàn bò của huyện là 12.083 con, trong đó bò sữa là 2.068 con, đặc biệt con bò sữa được nuôi theo hình thức trang trại (tại huyện có một trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô hàng trăm con đã đạt chứng nhận GlobalGAP), gia trại. Để đảm bảo môi trường trong chăn nuôi gia súc, huyện đã lắp đặt hơn 152 công trình khí sinh học (biogas) cho các hộ chăn nuôi tại các xã trên địa bàn huyện nhằm tận dụng làm chất đốt, giảm phí tại hộ thông qua chăn nuôi...

Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp

Nhằm tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi cũng như giữ vững, nâng chất các tiêu chí đã đạt trong Bộ tiêu chí quốc gia chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Mỹ Xuyên sẽ phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chủ động xây dựng lịch mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương; đẩy mạnh khâu cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản, khống chế không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, góp phần để nông dân sản xuất có hiệu quả, an toàn, bền vững, giảm chi phí, hạn chế rủi ro trong sản xuất; duy trì và giữ vững mô hình 1 vụ tôm - 1 vụ lúa bền vững; tổ chức thực hiện tốt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Đẩy mạnh công tác giống, công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, đa dạng hóa giống cây trồng, vật nuôi; duy trì và nhân rộng mô hình cách đồng lớn, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, mô hình chăn nuôi có hiệu quả nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích; quản lý, vận hành và khai thác tốt các công trình thủy lợi đã được đầu tư trên địa bàn huyện để phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp - thủy sản.

Phát triển kinh tế hợp tác, hướng dẫn hình thức phù hợp trong sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa, mô hình sản xuất lúa tập trung. Triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, đề án, như: Đề án “lúa thơm - tôm sạch”, đề án phát triển lúa đặc sản, dự án phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt; xây dựng vùng sản xuất rau an toàn; mô hình cánh đồng lớn, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT; tăng cường công tác dự đoán, dự báo tình hình, thông tin thị trường để người dân nắm bắt kịp thời, chủ động trong sản xuất; hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường đầu tư và khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tham quan, học tập các mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài tỉnh.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng những ngành hàng, lĩnh vực có giá trị, có thị trường tiêu thụ như lúa đặc sản, tôm nước lợ, bò sữa; phát triển mô hình cánh đồng lớn, liên kết theo chuỗi ngành hàng... nhằm tăng quy mô sản xuất nông nghiệp; hình thành một số cụm công nghiệp - dịch vụ gắn với vùng sản xuất tập trung chuyên canh ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp; áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản hàng hóa nói chung, nhất là các mặt hàng nông sản xuất khẩu như gạo, tôm đông; tạo ra sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi thu về là 170 triệu đồng/1ha.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: