• Huyện Mỹ Xuyên

Tham Đôn nỗ lực giảm nghèo

22/04/2020 15:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 22/04/2020 | 15:00

STO - Tham Đôn là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm tỷ lệ 73% so với dân số toàn xã. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông, một phần làm dịch vụ, mua bán nhỏ. Trong những năm qua, tuy kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng ủy xã Tham Đôn vẫn luôn quan tâm và ưu tiên cho công tác giảm nghèo.

Theo đồng chí Tăng Trung Bảo - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tham Đôn, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện về phát triển kinh tế - xã hội, về giảm nghèo, UBND xã đã ban hành kịp thời các quyết định, kế hoạch cụ thể để triển khai tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo. Các văn bản, chính sách hỗ trợ, trợ giúp người nghèo, người cận nghèo được thực hiện đúng pháp luật, đáp ứng được yêu cầu và phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn cụ thể, đáp ứng mục tiêu chung của chương trình quốc gia giảm nghèo.

Do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của nông dân. Thêm nữa, giá cả thị trường luôn biến động, phần nào ảnh hưởng đến thu nhập đối với người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo được xác định trên 2 tiêu chí: thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, cụ thể là 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Với chuẩn mới này, tất yếu tỷ lệ hộ nghèo sẽ có khả năng tăng cao so với con số về hộ nghèo tiêu chí cũ (giai đoạn 2010 - 2015), điều đó đòi hỏi phải thật sự tập trung chỉ đạo với quyết tâm hành động cao nhất của cả hệ thống chính trị.

Nhờ được hỗ trợ nuôi bò thịt, vợ chồng chị Danh Thị Bông ở xã Tham Đôn đã vươn lên khá giả. Ảnh: Chí Bảo

Xác định được những vấn đề thách thức, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, UBND xã, nhiều giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là đồng bào dân tộc có công ăn việc làm ổn định đã tác động giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống người dân được nâng lên. Cụ thể, đối với hộ nghèo có đất sản xuất thì xã hỗ trợ cây, con giống, giới thiệu vay vốn ngân hàng chính sách xã hội. Đối với hộ không có đất sản xuất thì đào tạo nghề lao động nông thôn, giới thiệu việc làm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,83%, giảm 13,12% so với năm 2016.

Đồng chí Tăng Thị Tuyết Duy, công chức văn hóa - xã hội xã Tham Đôn chia sẻ: “Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể cũng góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, nhất là được lồng ghép với các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho hộ nghèo”.

Gia đình anh Thạch Lâm ở ấp Bưng Chụm trước đây thuộc diện hộ nghèo, được vay 5 triệu đồng đầu tư trồng 3 công hẹ, rau thơm và nuôi heo. Nhờ chịu khó làm ăn, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo, có điều kiện sửa chữa lại căn nhà, sắm được xe gắn máy đi lại.

Còn gia đình anh Lâm Sa ở ấp Trà Mẹt, năm 2016 được ngân hàng chính sách xã hội cho vay 10 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Vợ chồng anh sử dụng nguồn vốn này đầu tư nuôi heo, kết hợp nấu rượu lấy hèm nuôi heo. Cùng với số vốn tích lũy, anh chị tiếp tục đầu tư nuôi heo thịt, heo nái rồi mở tiệm bán tạp hóa, trồng lúa, rau màu… cuối năm thu lãi gần 40 triệu đồng. Giờ đây, gia đình anh Sa đã thoát nghèo và trở thành một trong những hộ Khmer khá trong ấp.

Riêng vợ chồng chị Danh Thị Bông ở ấp Phônôcambôth, năm 2007 được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò giống từ Chương trình 135. Qua hơn 10 năm, đàn bò nhà chị phát triển được 16 con, vợ chồng chị bán 5 con cất nhà mới, cho đứa con gái 1 con bò giống, nay cũng đã phát triển được 6 con. Nhờ nuôi bò thịt mà gia đình chị đã thoát nghèo, có tiền chuộc 4 công đất và mua thêm được 4 công đất làm ruộng, trồng cỏ nuôi bò.

Đồng chí Tăng Trung Bảo cho biết: “Thời gian tới, để đảm bảo tính hiệu quả của chương trình giảm nghèo, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung hỗ trợ, chăm lo để từng bước cải thiện và nâng dần điều kiện sống, mức sống và chất lượng cuộc sống của các hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, tăng cường giải pháp chống tái nghèo; chú trọng nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nghề và giải quyết việc làm ổn định, nâng cao năng suất lao động để từ đó góp phần tăng thu nhập. Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành chương trình giảm nghèo, xây dựng kế hoạch phân công trách nhiệm rõ ràng cho các ngành, các đoàn thể, các ấp, đồng thời tăng cường vai trò tham gia của các hội, đoàn thể xã, ấp; rà soát, đánh giá, phân loại các nhóm đối tượng để có chính sách cụ thể…”.

Chí Bảo

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: