• Huyện Thạnh Trị

Đổi thay ở một thị trấn vùng quê

13/03/2017 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 13/03/2017 | 09:00

STO - Về thị trấn Hưng Lợi (Thạnh Trị) hôm nay, chúng tôi cảm nhận được nhiều sự đổi thay. Hệ thống cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đường làng, ngõ xóm khang trang sạch đẹp. Vùng quê xa xôi, cách trở ngày nào giờ đã hồi sinh và đang có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Men theo con lộ bêtông vừa mới đưa vào sử dụng, chúng tôi gặp những đứa trẻ trong ấp Xóm Tro 1, thị trấn Hưng Lợi háo hức chạy nhảy tung tăng, người lớn tranh thủ lúc trời nắng đem phơi từng bao lúa. Con đường quê yên ắng ngày nào giờ đã trở nên đông vui.

Nở nụ cười chân chất, anh Danh Khol, ngụ ấp Xóm Tro 1 tâm tình: “Khoảng 10 năm trở lại đây, bà con nông dân ở đây có đời sống rất sung túc, giờ ai nấy đều xây nhà mới khang trang”. Cũng theo anh Khol, cuộc sống của người dân thật sự đổi mới từ khoảng năm 2006 trở lại đây. Từ nguồn vốn của Nhà nước mà địa phương đã được đầu tư nhiều kênh thủy lợi, có cả trạm bơm điện và đặc biệt là việc quy hoạch làm mô hình cánh đồng mẫu tập trung, người dân được hưởng các chính sách ưu đãi về việc hỗ trợ cây, con giống nên việc trồng trọt, chăn nuôi thuận lợi hơn trước về mọi mặt. Từ đó, thu nhập của nông dân tăng dần theo từng năm và năm sau cao hơn năm trước.

Ông Danh Khol cho rằng nhờ có con kênh tạo nguồn mà việc sản xuất của người dân ấp Xóm Tro 1 khởi sắc

Anh Thạch Dương, cũng ngụ ấp Xóm Tro 1 thố lộ, chính mô hình cánh đồng mẫu sản xuất tập trung đã giúp hộ dân thoát nghèo bền vững, góp phần giảm bớt sức lao động, hạ chi phí đầu tư. Cũng nhờ mô hình cánh đồng mẫu sản xuất tập trung mà tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt hơn nhờ tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác. Cũng theo anh Dương, ngoài nguồn thu từ canh tác lúa, anh còn mua lúa Tài nguyên của bà con trong cánh đồng mẫu, sau đó đem phơi khô và trữ lại chờ đến những tháng mùa khô sẽ xuất bán để kiếm thêm đồng lời, với mức 50 đến 80 triệu đồng/năm.

Đưa tay chỉ về phía ngôi nhà tường khang trang, anh Dương phấn khởi khoe: “Căn nhà đó của tôi và được xây dựng gần 3 năm, với mức đầu tư tầm 400 triệu đồng. Giờ đường sá đi lại thuận lợi, việc làm ăn dễ dàng hơn, nhà cửa tạm ổn. Vui hơn hết là vụ lúa vừa mới thu hoạch đạt năng suất khá nên dự định Chôl Chnăm Thmây tới sẽ tổ chức thật rộn ràng”.

Anh Dương khoe số lúa Tài nguyên mua tạm trữ chờ “tháng hạn” xuất bán thu lợi nhuận

Còn đối với ông Kim Sà Ram Pa, cũng ngụ ấp Xóm Tro 1, việc thoát nghèo bền vững nhờ vào chương trình hỗ trợ giống vật nuôi. Cụ thể, gia đình ông được hỗ trợ 1 con bò lai sind và từ 1 con bò ban đầu, sau gần 10 năm đã có thêm 8 con bê, với giá trị hơn 100 triệu đồng. Sau nhiều năm chí thú làm ăn, hiện ông Pa có 26 công đất và 2 con bò sinh sản. “Giờ gia đình tôi không còn lo cảnh chạy gạo từng bữa, chỉ suy nghĩ cách làm nhằm tăng năng suất lúa và tìm nơi bán số bê con sau sinh sản có giá cao hơn. Chôl Chnăm Thmây năm nay chắc phải mở tiệc mời họ hàng đến chung vui, mừng vụ mùa bội thu”, ông Pa vui vẻ cho biết.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hưng Lợi Phạm Văn Khang cho biết: “Bà con Khmer sinh sống tại thị trấn Hưng Lợi chiếm gần 60%, tập trung tại 3 ấp: Số 8, Số 9, Xóm Tro 1 và họ đã có cuộc sống tương đối ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Để kéo giảm số hộ nghèo, địa phương đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, ngoài số vốn cùng cây con giống, địa phương còn trực tiếp theo sát quá trình trồng trọt, chăn nuôi của người dân, kịp thời hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất, tránh mọi rủi ro gây ảnh hưởng xấu đến năng suất, chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Riêng ấp Xóm Tro 1 được xem là ấp khó khăn nhất trong 3 ấp có tỷ lệ hộ Khmer cao nhưng giờ đây, ấp Xóm Tro 1 đã phát triển vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm”.

Trao đổi với chúng tôi về định hướng nhằm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hưng Lợi Phạm Văn Khang cho biết thêm: “Tới đây, để kéo số hộ nghèo xuống mức thấp nhất, địa phương tiếp tục thực hiện việc triển khai các nguồn vốn do các ban ngành các cấp đầu tư, xây dựng mô hình sản xuất phù hợp đưa xuống hộ dân. Đồng thời, tạo mọi điều kiện cần và đủ nhằm giúp hộ Khmer nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay sản xuất cũng như phối hợp đơn vị liên quan mở các lớp đào tạo nghề, để người dân học nghề, làm nghề, tăng thu nhập thoát nghèo bền vững”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: