• Huyện Thạnh Trị

Hiệu quả từ mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản

06/07/2018 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 06/07/2018 | 13:00

STO - Toàn huyện Thạnh Trị có 23.524ha đất với trên 20.000 hộ nông dân trồng lúa và hiện đã có 31,5% diện tích được liên kết bao tiêu hàng năm.

Ở vụ Đông - Xuân năm 2017 - 2018 có 10.695ha liên kết bao tiêu, chiếm 45,46% so với diện tích canh tác; trong đó có 6.695ha được doanh nghiệp bao tiêu, diện tích còn lại bán cho thương lái. Ở vụ Xuân - Hè năm 2018 có 3.078ha liên kết bao tiêu, chiếm 36,2% so diện tích sản xuất. Riêng vụ Hè - Thu năm 2018, diện tích liên kết bao tiêu là 3.721ha, chiếm trên 30% diện tích sản xuất.

Với số liệu thống kê nêu trên cho thấy việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đang được các cấp chính quyền địa phương quan tâm đúng mức và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các hợp tác xã (HTX) và thành viên. Cụ thể như HTX Thạnh Trị ở xã Thạnh Trị là một trong những HTX nhạy bén trong liên kết bao tiêu với doanh nghiệp. Trong năm 2018, HTX Thạnh Trị đã ký liên kết bao tiêu 4 vụ lúa liên tiếp với Công ty Cổ phần Nông sản Vinacam. Hình thức là ký hợp đồng bao tiêu hỗ trợ một phần chi phí đầu tư và chốt giá đầu vụ. Việc hợp đồng chốt giá đầu vụ có lợi cho cả hai bên; nông dân hoạch toán được lợi nhuận khi chốt giá nên an tâm canh tác, không lo thị trường biến động vào cuối vụ; doanh nghiệp thì chuẩn bị tài chính, nhân sự phục vụ trước.

Ban Quản lý Dự án VnSAT-ST cùng đại diện HTX Thạnh Trị trao đổi về phương án kinh doanh sắp tới của HTX.

Anh Phạm Thanh Ca - Phó Giám đốc HTX Thạnh Trị phấn khởi cho biết: “Hiện tại, HTX có quy mô diện tích canh tác ít nên đã chủ động ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu với các tổ hợp tác liền kề để đủ số lượng lúa giao cho doanh nghiệp bao tiêu”.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị Nguyễn Chí Linh chia sẻ: “Trong 2 năm gần đây, tình hình liên kết bao tiêu giữa nông dân với doanh nghiệp của địa phương khá tốt, chưa có tranh chấp xảy ra. Chúng tôi đang tích cực hỗ trợ HTX Thạnh Trị củng cố, phát triển thành viên để tăng vốn góp, tăng diện tích canh tác để đạt tiêu chí 500ha nhằm đủ điều kiện đầu tư của dự án về cơ sở hạ tầng, hàng hóa thiết bị phục vụ kế hoạch kinh doanh hiệu quả”.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị Trần Trang Nhã cho biết thêm: “Diện tích liên kết bao tiêu của toàn huyện đạt kế hoạch năm (30%). Tuy nhiên, những hợp đồng liên kết bao tiêu trong nhiều năm giữa nông dân với doanh nghiệp chưa mang tính bền vững”. Với tình hình thực tế nêu trên, theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, huyện sẽ có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ nông dân trong khâu liên kết bao tiêu bằng việc mời gọi những công ty hay doanh nghiệp lớn liên kết bao tiêu lâu dài và ổn định. Cụ thể, sẽ tổ chức diễn đàn đối thoại doanh nghiệp nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với chính quyền địa phương, tổ chức nông dân/hợp tác xã (TCND/HTX); tăng cường tính pháp lý cho hợp đồng bao tiêu (có chứng thực của địa phương); giải quyết vấn đề tranh chấp, vi phạm hợp đồng; phân vùng diện tích bao tiêu cho các doanh nghiệp…”.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị, huyện có 11 TCND/HTX canh tác lúa; tuy nhiên phần lớn TCND/HTX còn yếu kém về năng lực quản lý, về vốn… nên việc đối ứng tiền cho các hạng mục đầu tư của các TCND/HTX gặp khó khăn. Trước sự yếu kém về vốn góp của HTX, huyện đã có kế hoạch củng cố, mở rộng diện tích, tăng thành viên HTX và chủ động mời gọi các công ty, doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh tạo mối liên kết bao tiêu bền vững cho nông sản địa phương. Nhờ vậy mà mới đây, Công ty Cổ phần Nông sản Vinacam (Cần Thơ) đã chủ động làm việc với địa phương về kế hoạch liên kết với HTX Thạnh Trị thu mua nông sản và về Khu sơ chế quy mô cấp vùng. Qua đó hai bên đã gặp gỡ, trình bày phương án, kế hoạch hợp tác lẫn nhau. Ông Lê Văn Liêm - Giám đốc HTX Thạnh Trị cho biết thêm: “Vinacam sẽ hỗ trợ tiền san lấp mặt bằng kho để đối ứng cho dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, huyện cũng rất ủng hộ và sẽ tạo điều kiện hỗ trợ về mặt pháp lý để đẩy nhanh tiến trình hợp tác của hai bên”.

Theo Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng (VnSAT-ST), trong tháng 7-2018 này, dự án sẽ phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn Sóc Trăng tổ chức hội thảo “Liên kết tiêu thụ nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp” nhằm tạo môi trường trao đổi bình đẳng, thẳng thắn giữa người sản xuất và người tiêu thụ; cùng nhau tháo gỡ khó khăn, khúc mắc để qua đó tìm ra hướng đi chung, bền vững trong khâu bao tiêu nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp, nhằm mục tiêu “đôi bên cùng có lợi”.

K.X

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: