• Huyện Thạnh Trị

Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạnh Trị:

Khởi sắc nông nghiệp, nông thôn

01/07/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 01/07/2018 | 06:00

STO - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạnh Trị, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định mục tiêu trọng tâm là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hoàng Lộc - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thạnh Trị về kết quả qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạnh Trị?

Đồng chí Nguyễn Hoàng Lộc: Ngay sau đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ bằng các chương trình, kế hoạch; đồng thời ban hành 3 nghị quyết chuyên đề về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở cơ sở giai đoạn 2015 - 2020; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm - giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020. Với sự đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, Đảng bộ và nhân dân huyện đã vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung lãnh đạo thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt được nhiều kết quả khả quan, có 3 chỉ tiêu hoàn thành sớm, 10 chỉ tiêu đạt từ hơn 50% đến trên 80%; 2 chỉ tiêu đạt dưới 50% (tỷ trọng chăn nuôi, giá trị sản xuất công nghiệp).

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm 2,84%, tỷ lệ giảm hộ nghèo trong hộ đồng bào Khmer trên 3%/năm. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện Thạnh Trị còn 16,04%, hộ cận nghèo còn 14,17%. Thạnh Trị đã thực hiện kịp thời, đúng quy định đối với các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công. Đến nay, đã triển khai hỗ trợ 228 căn nhà cho hộ nghèo, 458 căn nhà cho người có công theo Quyết định số 33, Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí gần 21 tỉ đồng; ngoài ra vận động doanh nghiệp hỗ trợ 11 căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách.

Phóng viên: Thạnh Trị là huyện nông nghiệp, đồng chí cho biết thêm về phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện đạt được những kết quả như thế nào?

Đồng chí Võ Hoàng Lộc: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kinh tế của huyện Thạnh Trị phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 38,37 triệu đồng - đạt 59% chỉ tiêu nhiệm kỳ. Nhằm phát huy tiềm năng kinh tế nông nghiệp, Đảng bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp khá đồng bộ, từng bước đáp ứng các tiêu chí có liên quan phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là quy hoạch vùng sản xuất, thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất; điện, giao thông, thủy lợi. Bố trí các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, đề án phát triển lúa đặc sản, phát triển cây màu trên nền đất trồng lúa, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thạnh Trị đã tiếp tục nỗ lực đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín được 7.500ha của 63 khu vực sản xuất; triển khai đầu tư 34 trạm bơm phục vụ gần 2.500ha. Xây dựng, củng cố được 359 tổ kinh tế hợp tác, hoàn thành việc chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đối với 14 hợp tác xã; 26 mô hình kinh tế trang trại hoạt động khá hiệu quả. Xây dựng 3 cánh đồng mẫu lớn với quy mô bình quân 300ha/cánh đồng ở xã Vĩnh Lợi, xã Lâm Tân và thị trấn Hưng Lợi; triển khai 8 mô hình ứng dụng sản xuất, thu hút 2.500 hộ tham gia; tổ chức sản xuất các vùng canh tác lúa tài nguyên trên 7.500ha và đã công bố nhãn hiệu gạo Tài nguyên Thạnh Trị.

Đến nay, kinh tế nông nghiệp của huyện đã chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Cụ thể giữa nhiệm kỳ là 1.970 tỉ đồng, đạt 78,3% nghị quyết nhiệm kỳ XI và bằng 82% của nhiệm kỳ X; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp và thủy sản là 82,24 triệu đồng/ha, đạt 54,82% nghị quyết.

Diện tích gieo trồng lúa đạt 55.550ha, trong đó lúa đặc sản 38.850ha, chiếm trên 70% diện tích, tỷ lệ sử dụng giống lúa khuyến cáo đạt 95% diện tích. Năng suất bình quân 6,58 tấn/ha, tổng sản lượng lúa 226.019 tấn đạt 60,02%, có 75,16% diện tích liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. 

Trồng màu bên chân ruộng ở xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị. Ảnh: Q.K

Phóng viên: Thưa đồng chí, còn đối với việc xây dựng nông thôn mới ở Thạnh Trị thực hiện đạt kết quả như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Hoàng Lộc: Các cấp ủy, chính quyền trong huyện đã tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức nhân dân về trách nhiệm tham gia xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện 11 nội dung do Ban Dân vận Tỉnh ủy phát động. Kết quả huy động trên 824 tỉ đồng (gần 40% do nhân dân đóng góp) để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Đến nay, 2 xã điểm chỉ đạo của tỉnh là xã Thạnh Trị đạt 15/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 14 đến 15 tiêu chí; thị trấn Phú Lộc và thị trấn Hưng Lợi đạt 19/24 tiêu chí thị trấn văn minh đô thị. 

Phóng viên: Thưa đồng chí, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Hoàng Lộc: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác xây dựng Đảng. Cấp ủy các cấp thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Huyện ủy đã chỉ đạo đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa nội dung các chủ đề vào sinh hoạt chi bộ hàng tháng, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.

Cấp ủy các cấp đã chỉ đạo đổi mới nội dung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Bình quân hàng năm tỷ lệ tổ chức đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh chiếm 51%; tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 87,1%. Huyện ủy Thạnh Trị tập trung làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, nhất là kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và việc sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Phóng viên: Bên cạnh những mặt đạt được, trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện còn những mặt hạn chế nào?

Đồng chí Nguyễn Hoàng Lộc: Kết quả tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn hạn chế; thiếu mô hình hợp tác mang tính đột phá; các mô hình kinh tế trang trại chưa thật sự nổi bật để thu hút đầu tư, thu hút sự quan tâm của nhân dân; giá nông sản chưa ổn định; liên kết với doanh nghiệp bao tiêu nông sản còn bấp bênh. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa đạt hiệu quả cao. Hoạt động, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thiếu đột phá; sản xuất quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm chưa đa dạng, thiếu khả năng cạnh tranh trên thị trường; một số ngành nghề truyền thống chưa phát triển.

Một số thiết chế văn hóa, thể thao khai thác chưa hiệu quả. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt khá nhưng nhu cầu đầu tư còn lớn do cơ sở vật chất, trang thiết bị nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh và bác sĩ phục vụ ở một số trạm y tế chưa đảm bảo. Công tác giảm nghèo chưa bền vững, khả năng tái nghèo còn cao, nhất là trong đồng bào Khmer. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội chưa giảm, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, nhất là trộm cắp tài sản.

Cấp ủy một số nơi chưa chú trọng và thường xuyên thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng; chưa kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt được kết quả bước đầu nhưng việc nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình còn chậm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở một số chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở còn hạn chế; chất lượng sinh hoạt đảng chưa cao. Một số cán bộ, đảng viên chưa mạnh dạn nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc khắc phục sửa chữa khuyết điểm, hạn chế sau tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ở một số nơi còn chậm.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra nhiệm vụ, giải pháp gì để thực hiện hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015 - 2020?

Đồng chí Nguyễn Hoàng Lộc: Trên cơ sở kiểm điểm những việc làm được và chưa được trong nửa nhiệm kỳ qua, từ nay đến hết nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện thắng lợi tất cả các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong đó, phải quyết tâm cao thực hiện các chỉ tiêu còn thấp là thu nhập bình quân đầu người, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giá trị sản xuất công nghiệp và nâng tỷ trọng chăn nuôi. Thực hiện tốt các mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Q.K (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: