• Huyện Thạnh Trị

Nguồn vốn hỗ trợ - “Đòn bẩy” giúp nông dân phát triển kinh tế

21/12/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 21/12/2017 | 06:00

STO - Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Thạnh Trị luôn chủ động, tích cực phối hợp đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, tư vấn cho hội viên nông dân. Các hoạt động này đã giúp hội viên, nông dân có điều kiện để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, góp phần phần củng cố, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạnh Trị Tạ Văn Trưởng cho biết: “Hội có tổng số 14.885 hội viên, trong đó số hội viên khá giàu gần 80%. Để nâng số lượng hội viên khá giàu hàng năm lên nhiều hơn nữa, hội thường tổ chức phát động các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng đến các chi hội và hội viên. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên của địa phương và các chính sách hỗ trợ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao”.

Ông Nguyễn Văn Nam ở ấp Thạnh Điền, thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị) khoe đàn trâu, bò của gia đình đang phát triển tốt.

Cũng theo đồng chí Trưởng, trong quá trình hoạt động, hội đặc biệt chú trọng triển khai nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương để giúp hội viên làm mô hình kinh tế. Và để việc trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả tốt nhất thì hội còn phối hợp với các đơn vị liên quan mở lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật cho hội viên, nông dân. Qua đó góp phần giúp hội viên, nông dân nắm bắt được các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập. Ngoài ra, hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các quy định mới về nâng mức vốn vay... nhằm giúp hội viên, người dân địa phương nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và nghiêm túc chấp hành, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự ở địa phương. Đồng thời, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của Hội Nông dân tỉnh và ngân sách huyện, hội đã xây dựng mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê, triển khai đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.

Để minh chứng cho thành quả thông qua việc sử dụng nguồn vốn được hỗ trợ, đồng chí Tạ Văn Trưởng đưa chúng tôi đến tham quan mô hình chăn nuôi trâu kết hợp bò của hội viên Nguyễn Văn Nam ở ấp Thạnh Điền, thị trấn Phú Lộc.

Biết khách tới tham quan mô hình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách do huyện hỗ trợ, ông Nam nhanh chân dẫn chúng tôi ra phía sau nhà. Đưa đôi bàn tay rám nắng vỗ vào lưng con trâu to lớn, ông Nam bộc bạch: “Trước giờ, thu nhập chính của gia đình tôi chỉ trông chờ vào việc nuôi heo và làm ruộng, mặc dù nguồn thu không nhiều nên muốn chi xài số tiền lớn phải cân nhắc, đong đếm từng chút một nên cảm thấy túng thiếu. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa thì số tiền vẫn ổn. Mấy năm nay nuôi heo lỗ nặng do giá cả thị trường nên đành treo chuồng bỏ trống. Tôi suy nghĩ tìm cách phát triển chăn nuôi con vật phù hợp vì gia đình đã có sẵn chuồng heo. Đang đau đầu tìm cách xoay xở vốn thì nhận được nguồn vốn hỗ trợ của Hội Nông dân huyện với mô hình chăn nuôi trâu, tôi nhanh chóng xúc tiến ngay việc mua con trâu cái sinh sản”.

Cũng theo ông Nam, trâu mua về sau vài tháng sinh được con nghé, nếu giờ bán con nghé thì thu hồi được tiền vốn. Hiện tại, trâu mẹ đang giai đoạn mang thai, dự kiến gần tết sẽ có thêm con nghé. Như vậy, chỉ 2 năm nuôi trâu, ông Nam đã lợi nhuận hơn 40 triệu đồng. Thấy hiệu quả thực tế từ con trâu, nên ông Nam đã mua thêm 2 con bò cái sinh sản nhằm tăng số lượng đàn trâu, bò lên. Riêng nguồn thức ăn cho trâu, bò, ông tận dụng bờ kênh và khu vực gần nhà trồng hơn 3 công cỏ nên luôn đảm bảo đủ thức ăn để chúng phát triển tốt. Hướng tới, ông Nam sẽ phát triển đàn trâu, bò lên 10 con sinh sản nhằm tăng thu nhập.

Nhận thấy mô hình nuôi trâu mang lại giá trị kinh tế cao, ông Tô Văn Cáng cũng ở ấp Thạnh Điền, thị trấn Phú Lộc sau khi nhận tiền hỗ trợ đã mua ngay con trâu sinh sản trị giá 18 triệu đồng, 2 triệu đồng còn lại ông làm chuồng nuôi nhốt trâu. Qua 2 năm nuôi, trâu đẻ được 2 con nghé đực, ông đã bán thu về gần 40 triệu đồng. Ông Cáng chia sẻ: “Tôi dự tính sẽ phát triển đàn trâu sinh sản vì chúng dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, không tốn chi phí thức ăn, chỉ cần tận dụng bờ bao quanh ruộng trồng cỏ là yên tâm có đủ nguồn cỏ cho trâu ăn mỗi ngày. Tới đây, tôi tăng đàn lên 5 con trâu cái sinh sản, nếu trâu đẻ nghé đực, vỗ béo sau một năm bán trâu hơi, còn con cái giữ lại duy trì đàn, vì theo tính toán số lượng trâu càng tăng lợi nhuận càng cao. Riêng nguồn thức ăn, nếu đàn trâu số lượng lớn thì chuyển đổi đất làm lúa sang trồng cỏ, vừa lấy cỏ trâu ăn vừa bán cho những hộ chăn nuôi khác.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạnh Trị Tạ Văn Trưởng thông tin thêm: “Ngoài ra, từ nguồn quỹ hỗ trợ của Trung ương, hội cấp trên và địa phương, hội còn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho hơn 3.300 hội viên vay vốn, với tổng số tiền trên 74 tỉ đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, hội còn phát động phong trào tương trợ lẫn nhau giữa hội viên tại chi hội, với số tiền hàng trăm triệu đồng, phát triển nhiều mô hình chăn nuôi và trồng màu. Nhờ vậy, những hội viên hoàn cảnh khó khăn có thêm vốn để mở rộng chăn nuôi, xây dựng mô hình làm ăn phù hợp, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Trong năm 2018, Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, tổ chức phát động hội viên, nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; đồng thời triển khai thực hiện Đề án “Giúp nông dân hội nhập quốc tế” và Đề án “Xây dựng đối tác chiến lược của Hội Nông dân Việt Nam”, đẩy mạnh công tác phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụm trạm, các ngành chức năng, đoàn thể tổ chức mở các lớp chuyển giao khoa học, công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, thông qua công tác khuyến nông, khuyến ngư, dịch vụ vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, các dự án quốc gia hỗ trợ việc làm, chương trình liên kết 4 nhà để tạo điều kiện giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: