• Huyện Thạnh Trị

Thành quả nông nghiệp Thạnh Trị qua một nhiệm kỳ

05/08/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 05/08/2020 | 06:00

STO - Huyện Thạnh Trị có thế mạnh sản xuất về nông nghiệp, trong đó trọng tâm là phát triển cây lúa. Để nâng cao giá trị hạt lúa sau thu hoạch, huyện đã triển khai xây dựng các mô hình sản xuất lúa tập trung quy mô lớn, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, đặc biệt là khi hạt gạo Tài nguyên Thạnh Trị được cấp nhãn hiệu và đạt 4 sao OCOP đã góp phần quảng bá hình ảnh hạt gạo Thạnh Trị ngày càng tốt hơn. Để đạt được thành quả trên, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện đã chú trọng công tác tái cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới...

* Thành quả trong sản xuất nông nghiệp

Trong 5 năm qua (2015 - 2020), kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Thạnh Trị đã chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi... là nhờ vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện. Qua đó, nhiều mô hình ứng dụng sản xuất, định hướng sản phẩm theo nhu cầu thị trường và các mô hình liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị thực hiện có hiệu quả, góp phần tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 150 triệu đồng (tăng bình quân 4,46% trong giai đoạn 2016 - 2020) và đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết, việc quy hoạch, phân vùng sản xuất lúa đặc sản chiếm 80%, tổng sản lượng lúa ước đạt 375.186 tấn/54.932ha diện tích toàn huyện, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết.

Anh Lý Sơn Sáng, xã Lâm Tân (Thạnh Trị) bên cánh đồng lúa tham gia cánh đồng mẫu.Ảnh: THÚY LIỄU

Là người nông dân gắn bó lâu đời cùng cây lúa, anh Lý Sơn Sáng, ấp Kiết Lập B, xã Lâm Tân (Thạnh Trị) bộc bạch: "Nhờ mô hình liên kết sản xuất bằng việc tham gia hợp tác xã do địa phương triển khai thực hiện đã làm thay đổi tập quán canh tác lúa của bà con, bởi nông dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chăm sóc lúa bằng cách áp dụng các quy trình sản xuất "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", đã giảm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu mà năng suất lúa tăng từ 20% - 30% so tập quán cũ, lúa sau thu hoạch đạt chất lượng tốt, đầu ra đã có doanh nghiệp bao tiêu. Tôi có 5ha lúa, sản xuất 3 vụ/năm tham gia vào cánh đồng mẫu được bao tiêu đầu ra, giá bán cao hơn bên ngoài từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/kg. Nhờ vậy, lợi nhuận tăng cao hơn so sản xuất bên ngoài cánh đồng mẫu. Với 5ha lúa, tôi bỏ túi hơn 300 triệu đồng/năm".

Để nâng giá trị sản phẩm lúa gạo, huyện đã và đang tạo chuỗi giá trị sản xuất lúa, gạo tài nguyên và khai thác nhãn hiệu chứng nhận "Gạo Tài nguyên Thạnh Trị". Điểm nhấn trong nhiệm kỳ là huyện có gạo Tài nguyên Thạnh Trị đạt chứng nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh và một sản phẩm nữa đó là khô trâu Sáu Sành đạt chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh, đạt được thành quả trên không chỉ là niềm vui, niềm vinh hạnh cho cá nhân, cơ sở sản xuất mà còn của đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và toàn thể người dân trên địa bàn huyện. Khi có sản phẩm gạo mang tên quê hương Thạnh Trị đạt chứng nhận sao OCOP sẽ góp phần đưa hình ảnh hạt gạo đi xa hơn nữa tại các thị trường trong và ngoài nước.

Là doanh nghiệp được huyện chuyển giao khai thác nhãn hiệu chứng nhận "Gạo Tài nguyên Thạnh Trị", ông Lý Khoa - doanh nghiệp tư nhân Châu Hưng, thị trấn Hưng Lợi (Thạnh Trị) chia sẻ: “Tôi kinh doanh mặt hàng gạo đã nhiều năm qua, có thể xem là cha truyền con nối. Gạo Tài nguyên Thạnh Trị không hề xa lạ với người dân vùng đất này, bởi giống lúa có từ thời xa xưa. Bà con nông dân đã quen ăn loại gạo này vì nó ngon cơm và điều lạ là giống lúa tài nguyên sẽ “tạo ra hạt gạo” ngon nhất chỉ có thể sản xuất tại một số địa phương trên địa bàn huyện. Tính vượt trội của lúa tài nguyên là năng suất cao, bình quân ước đạt 7 tấn/ha kèm với đó là khi hạt gạo nấu chín rất ngon cơm nên được người dùng ưa chuộng...”.

Cùng với cây lúa, Thạnh Trị có diện tích cây màu tương đối lớn với diện tích 10.800ha. Để tạo ra các sản phẩm rau an toàn vệ sinh thực phẩm, huyện đã xây dựng 14 nhà lưới và 1 nhà màng chuyên sản xuất rau củ quả theo hướng hữu cơ, cung ứng cho các địa phương trên địa bàn huyện. Ngoài ra, huyện còn nhận được sự hỗ trợ từ chương trình, dự án do tỉnh đầu tư nhằm phục vụ tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp (hệ thống giao thông, thủy lợi kết hợp hệ thống cống và các trạm bơm, điện), hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, trang thiết bị, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư các mô hình mới, hiệu quả… qua đó đã thành lập 17 hợp tác xã và 310 tổ hợp tác. Riêng về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm, huyện có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt trên 83%, các xã còn lại đạt từ 16 tiêu chí trở lên.

* Mục tiêu phát triển trong nhiệm kỳ mới

Mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện trong thời gian tới sẽ tiếp tục xác định kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, trọng tâm là thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả Đề án Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030. Quy hoạch, phát triển 3 vùng sản xuất, cơ cấu, diện tích sản xuất các cây trồng, vật nuôi chủ yếu gắn với định hướng đầu ra sản phẩm; từng bước ứng dụng, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuẩn VietGAP, có tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; phát triển các cánh đồng mẫu lớn, các vùng chuyên canh lúa đặc sản, cao sản; vùng sản xuất màu an toàn; vùng chuyên canh màu kết hợp chăn nuôi gia súc, thủy sản nước ngọt.

Trong công tác xây dựng nông thôn mới sẽ đẩy mạnh phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động và phát huy vai trò chủ thể của người dân theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng chất các xã đã đạt 19 tiêu chí, hướng đến đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…

THÚY LIỄU

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: