• Huyện Thạnh Trị

Xây dựng văn minh đô thị ở thị trấn Phú Lộc còn nhiều khó khăn

03/04/2017 08:35 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 03/04/2017 | 08:35

STO - Thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị) có giai đoạn chuẩn bị từ rất sớm cho quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhưng đến cuối năm 2014, thị trấn Phú Lộc xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang mô hình xây dựng văn minh đô thị và bắt đầu triển khai từ đầu năm 2015. Đến nay, thị trấn đã hoàn thành được 18/24 tiêu chí của 5 tiêu chuẩn xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Đạt được kết quả trên, trước hết là do sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ huyện đến thị trấn.

Trong 6 tiêu chí thị trấn chưa đạt được, đa phần là các tiêu chí “mềm”, như: quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình công cộng trên địa bàn, phục vụ lợi ích công cộng, không lấn chiếm, sử dụng diện tích đất công và công trình công cộng vào mục đích thương mại, nhà ở; có 100% tổ dân phố vận động được người dân tham gia bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị và đảm bảo vệ sinh môi trường; có 80% trở lên gia đình thực hiện tốt các quy định hiện hành về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và nếp sống văn minh đô thị; không lấn chiếm lòng đường, hè phố gây cản trở giao thông, không cơi nới, làm mái che, mái vẩy, đặt biển quảng cáo sai quy định, gây mất mỹ quan đô thị…

Người dân buôn bán trên cầu thu dọn hàng hóa khi lực lượng chức năng đến.

Đồng chí Quách Ngọc Tứ Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND  thị trấn Phú Lộc cho biết: “Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể tại thị trấn đã ra sức tuyên truyền, nhưng thực tế ý thức người dân còn chưa tốt. Một bộ phận lớn người dân còn thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội theo tập quán địa phương trước nay như: quàn lâu ngày khi có tang; chơi nhạc ồn ào tại đám tang, đám cưới và lễ hội… Hay như vấn đề giải tỏa vỉa hè, lòng đường, khi có đoàn đến thì người dân dọn vào, sau đó lại dọn trở ra…”. 

Chúng tôi cùng Tổ giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ thị trấn Phú Lộc phối hợp với các đơn vị chức năng cấp huyện, thực hiện công tác giải tỏa tại chợ trung tâm thị trấn và các địa điểm người dân tự nhóm chợ dọc tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa bàn. Địa điểm đầu tiên là một chiếc cầu trên Quốc lộ 1A gần trụ sở UBND thị trấn Phú Lộc. Người dân bày hàng hóa tràn cả ra hành lang cầu trong khi đây lại là cầu được thiết kế không có vỉa hè dành cho người đi bộ, một số hộ ngồi hẳn trên lòng cầu để tiện việc mua bán. Khi đoàn giải tỏa đến, một số hộ dân dời hàng hóa của mình trở vào trong hành lang cầu, số khác lực lượng chức năng phải đến “dời hộ”. Sau khi đã di dời, đồng chí Hải tuyên truyền và cảnh cáo cho bà con hiểu rằng buôn bán trên cầu như vậy gây ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông và nếu tái phạm sẽ bị tịch thu hàng hóa. 

Rời khỏi đó, chúng tôi đến một đoạn đường khác trên Quốc lộ 1A, tại đây, bà con bày hàng hóa ra đến tận phần đường dành cho xe máy, những miệng cống thoát nước tại đoạn đường này bị lấp đầy rác. Chắc chắn khi có mưa những miệng cống này sẽ không thể hoạt động được. Công tác di dời phối hợp tuyên truyền cũng được thực hiện tại đây. Có điều là khi đoàn đến bà con đều rất vui vẻ và sẵn lòng dọn hàng hóa vào trong. Điều này chứng tỏ họ hiểu rất rõ hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là vi phạm pháp luật. Đoàn cũng tiếp tục nhắc nhở và di dời nhiều bảng quảng cáo tại các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng ăn uống. Đa phần bà con đều chấp hành. Có hộ kinh doanh bị lập biên bản và tịch thu bảng quảng cáo do đã được nhắc nhở rất nhiều lần, nhưng họ chỉ nài nỉ vài câu qua loa.

Chị Nguyễn Thị Hồng Xuân - một hộ kinh doanh tại Ấp 3 bộc bạch: “Mình cũng biết bày hàng hóa ra ngoài là không đúng, nhưng có bày ra ngoài như vậy khách hàng mới thấy mà ghé vào. Gia đình tôi bày hàng như vậy cũng đã là hạn chế lắm rồi, chỉ bày một ít trên vỉa hè chứ không bày ra lòng đường như những hộ xung quanh”. Còn bà Danh Thị Ngọc Hòa - kinh doanh gần đó phân trần: “Có bày hàng ra ngoài như vậy thì mới bán được, mỹ quan mà không buôn bán được thì để làm gì?”. Chúng tôi hỏi bà Hòa có nghĩ như vậy là gây mất an toàn giao thông không, bà cho rằng đường nhỏ nên đa phần các xe cũng đi chậm. Về vấn đề kẹt xe, bà Hòa cho rằng, cứ giờ tan trường phải kẹt thôi, có chăng chỉ là hộ kinh doanh của bà gây ảnh hưởng tí xíu. Bà Hòa cũng cho biết: “Ngày 1, ngày 2 mình không bày hàng hóa như vậy được, chứ một vài năm thì không dám hứa, người ta bày ra thì mình cũng phải bày ra, ai sao thì mình vậy thôi”.

Từ thực tế tham gia cùng Tổ giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ thị trấn, chúng tôi ghi nhận: Đa phần người dân hiểu rất rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhưng có vẻ họ cho rằng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường chỉ đơn giản gây mất mỹ quan chứ không gây ra tai nạn giao thông, ảnh hưởng lớn về người và của; đa phần người dân có tâm lý đối phó, khi có đoàn giải tỏa thì dọn hàng vào, đoàn đi thì lại bày ra tiếp. Từ thực tế này cho thấy, các ngành chức năng cần có biện pháp chế tài, xử phạt nhưng phải đảm bảo tính công bằng thì mới nhận được sự đồng thuận của nhân dân và thị trấn mới có thể có được bộ mặt văn minh đô thị bền vững.

Anh Thụy

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: