Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn

Bảo đảm an toàn công trình cấp nước sinh hoạt trong mùa mưa

20/09/2017 06:00 GMT +7
  • Thứ Tư, 20/09/2017 | 06:00

STO - Thời gian qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) Sóc Trăng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt cho người dân ở khu vực nông thôn, góp phần giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay đang vào mùa mưa, công tác quản lý, bảo vệ, vận hành công trình gặp nhiều khó khăn hơn; do đó, Trung tâm NS-VSMTNT đã có những giải pháp đảm bảo an toàn công trình cấp nước cũng như đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong mùa mưa lũ. Phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Đình Cung - Phó Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT Sóc Trăng về vấn đề này.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết thực trạng của việc cấp nước sinh hoạt ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào? 

Đồng chí Trần Đình Cung: Hiện nay, trung tâm đang quản lý vận hành 145 công trình cấp nước ở nông thôn, trong đó có 82 trạm cấp nước tập trung, với công suất từ 480 đến 960m3/ngày đêm; 63 hệ cấp nước tập trung có công suất 168m3/ngày đêm, trong đó có 24 hệ cấp nước nhỏ đã được hòa mạng tuyến ống với các trạm cấp nước có công suất lớn. Các công trình cấp nước tập trung do Trung tâm NS-VSMTNT quản lý đều khai thác nguồn nước dưới đất, chất lượng nước cấp đạt theo QCVN 02:2009 của Bộ Y tế.

Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 97%, trong đó, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt QCVN 02:2009 là 48%. Hiện toàn tỉnh có 83/92 xã, thị trấn có công trình cấp nước sạch tập trung, đạt 90,2%. Tổng số đồng hồ nước do trung tâm đang quản lý là 89.547 cái, sản lượng nước tiêu thụ bình quân 10m3/đồng hồ/tháng. Mặc dù cơ bản ở các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, tuy nhiên vẫn còn một số vùng nông thôn hệ thống cấp nước chưa tới được, như vùng ven xã, vùng giáp ranh các xã, vùng dân cư sống phân tán, biệt lập…

Phóng viên: Với tình hình trên, việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt đến vùng nông thôn từ đầu năm đến nay có chuyển động gì lớn không?

Đồng chí Trần Đình Cung: Từ đầu năm 2017, trung tâm đã tranh thủ nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án, các tổ chức quốc tế, ngân hàng thế giới... đầu tư xây dựng mới thêm 3 trạm cấp nước tập trung, mở rộng tuyến ống 18 trạm cấp nước hiện có với chiều dài gần 164km, dự kiến phục vụ cho hơn 6.300 hộ. Cụ thể, từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung và đối ứng ngân sách tỉnh đã đầu tư Trạm cấp nước ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú với chiều dài tuyến ống 7.370m, phục vụ 413 hộ; từ nguồn vốn dự án Hợp phần cung cấp nước và vệ sinh nông thôn thuộc dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long (WB6) giai đoạn 3 để đầu tư xây dựng Trạm cấp nước Xuân Hòa - An Lạc Tây (Kế Sách). Đây là những công trình xử lý nước mặt với công suất là 30m3/h, chiều dài tuyến ống là 27.870m, phục vụ 1.532 hộ. Hay từ nguồn vốn khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn năm 2017, trung tâm đã thực hiện mở rộng tuyến ống các công trình cấp nước thuộc 2 huyện Long Phú và Trần Đề, với tổng chiều dài là 96.182m, phục vụ 3.271 hộ; xây dựng mới Trạm cấp nước xã An Thạnh 2 với công suất 40m3/h, chiều dài tuyến ống 13.627m, phục vụ 577 hộ. Bên cạnh đó đã nâng cấp, mở rộng Trạm cấp nước xã Hòa Tú, nâng công suất từ 20m3/h lên 40m3/h, chiều dài tuyến ống 18.690m, phục vụ 547 hộ.

Phóng viên: Thưa đồng chí, việc quản lý, vận hành các trạm cấp nước tập trung do trung tâm quản lý như thế nào?

Đồng chí Trần Đình Cung: Các trạm cấp nước tập trung sau khi đầu tư được UBND tỉnh giao Trung tâm NS-VSMTNT làm đầu mối quản lý, khai thác vận hành, nhằm quản lý tốt về sản lượng và chất lượng nước; đồng thời, cân đối được kinh phí thu tiền nước và duy tu bảo dưỡng công trình sử dụng lâu dài. Hình thành được hệ thống quản lý cấp nước tập trung từ tỉnh đến huyện, xã sẽ giúp cho chương trình hoạt động có hiệu quả và bền vững.

Theo đó, ở mỗi huyện, thị xã, trung tâm thành lập một chi nhánh cấp nước trực thuộc, mỗi chi nhánh cấp nước sẽ quản lý điều hành các công trình cấp nước thuộc địa bàn mình. Tại mỗi trạm cấp nước hiện nay có từ 1 đến 3 nhân viên phụ trách quản lý vận hành trực thuộc chi nhánh cấp nước. Các chi nhánh cấp nước huyện, thị xã và các trạm cấp nước chịu sự quản lý của các phòng chức năng thuộc trung tâm, như: phòng quản lý cấp nước, phòng kỹ thuật, phòng kế hoạch - truyền thông. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, công nhân vận hành công trình được tuyển dụng theo nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật phù hợp, được đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên. Bên cạnh đó, mô hình Trung tâm NS-VSMTNT quản lý được xem là mô hình có hiệu quả và bền vững vì có hệ thống tương đối đồng bộ, phát triển theo quy hoạch, không chồng chéo. Có thể kết nối một cách đồng bộ với các trạm xây dựng mới hoặc nâng công suất; quản lý hiệu quả các công trình cấp nước tập trung, nâng cao được chất lượng và cả kỹ thuật quản lý, chất lượng nước ngày càng tốt hơn, được người dân tin tưởng. Việc thu tiền nước, kiểm soát chất lượng nước được quản lý tốt, tỷ lệ tổn thất nước được hạn chế nhiều.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết thêm giải pháp quản lý và bảo vệ các công trình cấp nước để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong mùa mưa?

Đồng chí Trần Đình Cung: Để thực hiện tốt việc cung cấp nước sạch cũng như việc quản lý và bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt trong mùa mưa, trung tâm đang triển khai một số giải pháp, như: rà soát, nâng cấp sửa chữa nhà quản lý các trạm cấp nước, kiểm tra thiết bị bảo vệ hệ thống điện toàn trạm; tăng cường công tác kiểm tra hệ thống mạng lưới tuyến ống, kịp thời khắc phục các sự cố xì, bể ống trước và trong mùa mưa; rà soát, bổ sung dự trữ vật tư dự phòng, hóa chất xử lý nước cho các trạm cấp nước, chỉ đạo nhân viên quản lý các trạm đảm bảo trực 24/7 để xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật trong mùa mưa.

Phóng viên: Xin cám ơn đồng chí!

Tuyết Xuân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: