Biến đổi khí hậu và những tác động đến sinh kế địa phương

21/10/2019 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 21/10/2019 | 13:30

STO - Theo kết quả nghiên cứu tại tỉnh Sóc Trăng và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, tốc độ lún trung bình lớn hơn 10cm/10 năm và chưa có xu hướng giảm. Sự sụt lún khi diễn ra trên diện rộng, với tốc độ trên 1cm/năm đã gây ra tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn và ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đô thị như: hệ thống giao thông, thoát nước và các hoạt động khác liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi mực nước biển dâng cao 1m vào năm 2100, Sóc Trăng sẽ bị ngập 45,5% diện tích tự nhiên của tỉnh ứng với mức triều thấp và sẽ ngập 72,85% ứng với mức triều cao. Phần lớn diện tích đất tự nhiên của tỉnh đều có cao trình tương đối thấp, do đó với mực nước biển dâng 1m (ứng với mức triều cao nhất) thì hầu hết diện tích các địa phương vùng trũng như TX. Ngã Năm và các huyện: Mỹ Tú, Thạnh Trị, một phần huyện Châu Thành và huyện Cù Lao Dung bị ngập hầu như hoàn toàn. Cũng theo kịch bản, nếu ứng với mức triều cao, hệ thống ngăn mặn của tỉnh khi đó hầu như không phát huy tác dụng ngăn mặn và ngăn triều. Đây sẽ là ảnh hưởng vô cùng lớn đến sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế.

Sản xuất nông nghiệp bị tác động nhiều trong điều kiện BĐKH. Ảnh: HẢI HÀ

Thời gian qua, việc nâng cao nhận thức về BĐKH cho cộng đồng dân cư và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được UBND tỉnh và các ngành chức năng chú trọng thực hiện. Nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và truyền thông về phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH được triển khai. Qua đó, nhận thức của người dân đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, nhận thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp về tác động nguy hiểm của thiên tai còn chưa cao, trong quá trình sản xuất, sinh hoạt dẫn đến chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó với thiên tai. Ngoài ra, tập quán sinh sống, sản xuất còn tập trung ở các vùng ven sông, ven biển nên làm gia tăng rủi ro do thiên tai gây ra.

Để ứng phó với BĐKH, thời gian qua, tỉnh đã chủ động lồng ghép nội dung BĐKH và phòng chống thiên tai vào kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và hàng năm của tỉnh. UBND tỉnh còn tranh thủ vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH và tăng trưởng xanh; vốn ODA, vốn tài trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế để triển khai đầu tư xây dựng công trình chống ngập ở đô thị, chống xâm nhập mặn, nâng cấp đê biển, đê sông; trồng rừng ngập mặn ven biển. Trong lĩnh vực nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh cũng có một số giống lúa thích nghi với vùng đất nhiễm mặn như: ST5, ST10… góp phần lớn vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ngoài ra, mô hình sản xuất luân canh lúa - tôm cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thêm thu nhập cho nông hộ.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, BĐKH là thách thức to lớn, có nguy cơ gây ra sự thay đổi cho sự sống con người, sinh vật và tài nguyên thiên nhiên. Hậu quả của BĐKH rất nghiêm trọng và là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu giảm nghèo và sự phát triển bền vững của địa phương. Để công tác ứng phó với BĐKH hiệu quả hơn, UBND tỉnh đã đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường đầu tư cho công tác dự báo, cảnh báo về tình hình diễn biến thời tiết, BĐKH nhằm giúp cho các cơ quan chuyên môn, địa phương và người dân kịp thời các thông tin để chủ động phòng tránh các rủi ro do thiên tai.

UBND tỉnh cũng kiến nghị Trung ương cần tăng cường nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án về phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH. Ban hành cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp vào hoạt động nghiên cứ, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ về ứng phó với BĐKH. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan nghiên cứu cần hỗ trợ địa phương các giải pháp, các mô hình đầu tư có hiệu quả trong việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước ngầm, thực hiện các biện pháp phòng chống ô nhiễm nguồn nước ngầm trong điều kiện BĐKH.

Hải Hà

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: