Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

15/09/2017 06:43 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 15/09/2017 | 06:43

Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh, tuy nhiên hiện vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được triển khai nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Lê Hữu Bình - chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm từ gỗ ở xã Mỹ Tú (Mỹ Tú) bên cạnh một trong những chiếc máy được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công địa phương.

Hơn 1 tháng qua, ông Lê Hữu Bình - chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm từ gỗ ở xã Mỹ Tú (Mỹ Tú) đã phấn khởi hơn khi cơ sở được đầu tư thêm một số loại máy móc mới với sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Trao đổi với chúng tôi, ông Bình kể: “Nhà xưởng của tôi có diện tích 150m2, trung bình mỗi ngày sản xuất được một bộ sản phẩm từ gỗ, trong đó chủ yếu là các sản phẩm gia dụng, trang trí nội thất. Trước đây, tôi đã trang bị máy móc cơ bản nhưng qua thời gian, máy móc thiết bị đã cũ, lạc hậu nên năng suất và chất lượng không cao, chủ yếu là làm thủ công, tốn nhiều sức lao động nên rất cần được hỗ trợ. Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, tôi đã có thêm vốn để mua sắm thêm một số thiết bị mới, như: máy cưa lọng, máy liên hợp, máy tubi một trục”.

Cũng theo ông Bình, tổng kinh phí mua những loại máy móc trên là 53 triệu đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công địa phương đã hỗ trợ 15 triệu đồng, số tiền còn lại do cơ sở đối ứng. Sau khi đầu tư thêm máy móc đã giúp cho cơ sở mỗi ngày sản xuất từ 2 đến 3 bộ sản phẩm, giải quyết việc làm cho 3 lao động với thu nhập bình quân mỗi lao động là 3 triệu đồng/tháng. Việc hỗ trợ này không chỉ giúp cơ sở nâng cao năng suất lao động mà còn góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn ở địa phương.

Thực trạng chung hiện nay là phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, do đó việc sản xuất tại các cơ sở chủ yếu là thủ công với các máy móc, thiết bị lạc hậu nên hiệu quả không cao. Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thời gian qua, UBND tỉnh đã đề ra nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Qua đó, các đơn vị đã tập trung thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp, như: Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp... Đặc biệt, Ban Quản lý Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh đã trực tiếp và phối hợp với các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo kế hoạch hoạt động của dự án, như: khởi nghiệp và ươm tạo doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện sáng kiến…

Trong các hoạt động này, chương trình tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo đã thu hút sự quan tâm đăng ký tham gia của nhiều doanh nghiệp trong những năm gần đây. Theo đó, chương trình tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được chính thức triển khai từ năm 2014 và đến nay đã thu hút sự quan tâm, đăng ký tham gia của 36 doanh nghiệp, trong đó, Ban Quản lý Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chọn ra được 12 doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh sáng tạo, đáp ứng được tiêu chí của chương trình để tiến hành tài trợ với tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng. Trong năm 2017, chương trình tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo tiếp tục thực hiện với 2 nhóm chủ đề để doanh nghiệp lựa chọn, gồm: “Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ và vì một môi trường thân thiện hơn” và “Mở rộng, đa dạng hóa thị trường hướng tới phát triển bền vững”.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo sẽ áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng, có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần tiêu thụ, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh đặc trưng của tỉnh, như: lúa gạo, hành tím, thủy sản, bánh pía, lạp xưởng, cây ăn trái… hoặc là doanh nghiệp “đầu tàu” trong các lĩnh vực phổ biến của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng, như: cơ khí chế tạo, chế biến, tiểu thủ công nghiệp… Mỗi sáng kiến được chọn sẽ có mức hỗ trợ tối đa là 49% tổng kinh phí thực hiện. Doanh nghiệp được chọn phải có kinh phí đối ứng để thể hiện sự cam kết và quyết tâm của doanh nghiệp cùng với dự án thực hiện hoàn thành sáng kiến; mức tài trợ không hoàn lại tối đa là 500 triệu đồng/doanh nghiệp và tối đa 300 triệu đồng/hộ kinh doanh hoặc hợp tác xã; hình thức tài trợ theo hình thức hoàn tiền dựa trên khối lượng công việc mà doanh nghiệp đã thực hiện được cho sáng kiến đó.

Trong xu thế cạnh tranh và hội nhập kinh tế như hiện nay thì lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa không tránh khỏi những khó khăn. Thông qua các hoạt động hỗ trợ đã và đang triển khai thì lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để giải quyết các vấn đề khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Hải Hà

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: