Để không còn ô nhiễm môi trường ở khu vực Cảng cá Trần Đề

13/04/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 13/04/2018 | 06:00

STO - Cảng cá Trần Đề là nơi tiếp nhận, phân phối, tiêu thụ sơ chế và chế biến hải sản để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ bảo vệ môi trường trong khu vực cảng hiện chưa đáp ứng yêu cầu so với tốc độ phát triển nghề cá tại đây.

Cảng cá Trần Đề nằm trên địa bàn huyện Trần Đề, ở giai đoạn 1 chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2003, là nơi thu mua, trung chuyển hải sản có quy mô lớn của tỉnh với diện tích 15,6ha. Đây cũng là nơi mưu sinh của nhiều người với các công việc khác nhau. Cảng được phân thành 3 khu chức năng gồm: khu chế biến đông lạnh thủy sản, khu cơ khí đóng sửa chữa tàu thuyền và khu dịch vụ nghề cá. Hàng năm, cảng cá đón 18.000 lượt tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh vào tiêu thụ sản phẩm. Trong khu vực cảng có 24 doanh nghiệp thuê đất để sản xuất, kinh doanh, trong đó có 4 nhà máy chế biến thủy sản và 14 doanh nghiệp thu mua sơ chế thủy sản.

Cảng cá Trần Đề là nơi tập trung phân phối, tiêu thụ sơ chế và chế biến hải sản.

Vấn đề môi trường tại khu vực cảng khiến nhiều người dân sinh sống lân cận lo lắng, bởi mùi hôi khó chịu từ một số cơ sở chế biến, sản xuất thường phát sinh làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Để kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường, thời gian qua, Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề đã phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những nhà máy, cơ sở chế biến hải sản vi phạm về bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra cho thấy, có đơn vị không vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải hoặc công suất của hệ thống chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy và đề nghị các nhà máy khắc phục kịp thời.

Riêng các doanh nghiệp thu mua, sơ chế hàng thủy sản trong khu vực cảng đã cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và có biện pháp xử lý nước thải. Anh Trần Thanh Tuyến - chủ cơ sở thu mua hải sản Thanh Tiến cho biết: “Vì lợi ích chung, không phát sinh ô nhiễm môi trường, cơ sở chúng tôi đã đầu tư hệ thống lắng lọc 3 ngăn để xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Xung quanh khu vực cũng có nhiều cơ sở đầu tư hệ thống này”.

Dẫu vậy, vấn đề xử lý nước thải trong cảng cá còn chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra. Theo ông Phạm Văn Hứa - Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề, các cơ sở thu mua áp dụng hệ thống lắng lọc 3 ngăn chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần có hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý. Riêng trạm xử lý nước thải của cảng với công suất 200m3/ngày đêm đã được đầu tư trước đây hiện đã lạc hậu nên khó vận hành.

Với thực trạng trên, vào năm 2014, thông qua Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng, Cảng cá Trần Đề được đầu tư nâng cấp lại toàn bộ thiết bị hệ thống xử lý nước thải. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang thực hiện việc thiết kế hệ thống thu gom, dự kiến hạng mục nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của cảng cá sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2018. Khi đó, hệ thống sẽ vận hành để xử lý nước thải cho khu vực cầu - bến cảng cá và các cá nhân thuê ở nhà phân loại hải sản, nếu đảm bảo công suất sẽ thực hiện thu gom thêm nước thải để xử lý cho các doanh nghiệp thu mua và sơ chế gần hệ thống.

Ông Phạm Văn Hứa cho biết thêm: “Về lâu dài, để khắc phục những hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, cảng rất cần được hỗ trợ nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của cảng lên 400m3/ngày đêm để xử lý cho các doanh nghiệp thu mua và sơ chế hàng thủy sản. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra về môi trường đối với các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực cảng cá vì có một số nhà máy không vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải đã được đầu tư tại đơn vị, làm phát sinh mùi hôi gây ảnh hưởng đến người dân sinh sống xung quanh. Riêng các nhà máy chế biến cũng cần có biện pháp kiểm soát mùi hôi phát sinh”.

Đối với các nguồn thải phát sinh mùi hôi khó chịu trong thời gian gần đây, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Thanh, qua công tác nắm tình hình ở địa phương và xác định các nguồn thải gây ô nhiễm, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo UBND tỉnh nhằm có biện pháp xử lý phù hợp. Sở cũng phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan thành lập Tổ đại diện cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường ở khu vực cảng cá. Với mô hình này, Tổ đại diện cộng đồng dân cư có quyền giám sát và tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm phát hiện kịp thời các hành vi gây ô nhiễm để xử lý theo thẩm quyền.

Cùng với chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng Cảng cá Trần Đề giai đoạn 2, công tác bảo vệ môi trường Cảng cá Trần Đề cũng là nhiệm vụ quan trọng cần được các ngành, các cấp quan tâm và đầu tư hiệu quả nhằm mang lại môi trường sạch cho cảng cá. Từ đó, người dân sinh sống trong khu vực không còn phải lo âu với tình trạng ô nhiễm môi trường, nghề cá cũng được phát triển bền vững hơn, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Quốc Kha

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: