Góp phần nâng cao năng lực và ứng phó với thiên tai cho người dân Sóc Trăng

07/01/2019 06:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 07/01/2019 | 06:02

STO - Thời gian gần đây, tình hình sạt lở tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn biến ngày càng phức tạp, do đó phải khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ để hạn chế tình trạng này. Sóc Trăng là một trong những địa phương nằm trong khu vực chịu khá nhiều thiên tai, do đó người dân sẽ phải đối mặt với những rủi ro vì bão, mưa lớn và lũ lụt…

Do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nên tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ sông, bờ biển thời gian gần đây đã và đang diễn biến rất phức tạp và có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Tại nhiều khu vực, xói lở đã uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản nhân dân, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng ven sông, ven biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh đã nỗ lực ứng phó với thiên tai; đẩy mạnh công tác chuẩn bị và xây dựng nhiều kịch bản khác nhau về tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó có triển khai dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại ĐBSCL” do Tổ chức cho Bánh mì thế giới (BfdW) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) đồng tài trợ. Dự án do Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện từ tháng 1-2017 đến tháng 12-2018 tại huyện Kế Sách (Sóc Trăng) và TP. Trà Vinh (Trà Vinh).

Sau 2 năm thực hiện, dự án đã hoàn thành các hoạt động theo kế hoạch và đạt được các mục tiêu đề ra. Dự án đã triển khai và áp dụng thành công một số mô hình và thực tiễn tốt được cộng đồng và chính quyền địa phương đánh giá cao, như: mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu - trồng rau hữu cơ trong nhà lưới, mô hình ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật dữ liệu về rủi ro thiên tai, tình trạng dễ bị tổn thương và vận hành hệ thống cảnh báo sớm, mô hình xây dựng kế hoạch phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mô hình xây dựng và vận hành cơ chế phối hợp phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Dự án đã hỗ trợ xây dựng lại các đoạn đường giao thông nông thôn bị sạt lở.

Để nắm được những kết quả thực hiện các dự án, mới đây, đoàn công tác AFV cùng đại diện các sở, ban ngành tỉnh Sóc Trăng đã đi tham quan công trình khắc phục sạt lở tại xã Thới An Hội (Kế Sách). Dự án đã hỗ trợ xây dựng lại 4 đoạn đường giao thông và bờ kè tại 3 xã: Thới An Hội, An Mỹ và Kế Thành, với tổng chiều dài 143m. Trong đó, dự án hỗ trợ 50% chi phí, 50% còn lại do ngân sách địa phương và người dân đối ứng. Công trình đã giúp khắc phục tình trạng sạt lở do biến đổi khí hậu gây ra, đồng thời giúp nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và chính quyền địa phương thông qua việc vận động, đóng góp kinh phí thực hiện công trình. Ông Trần Văn Hùng, sống tại ấp Trường Lộc, xã An Mỹ cho biết: “Từ đầu năm 2018 đến nay, tình trạng sạt lở diễn ra ở khu vực này rất nghiêm trọng. Nhờ có dự án hỗ trợ chi phí và giúp thực hiện việc xây dựng nên chỉ trong 1 tháng người dân đã có thể đi lại bình thường qua đoạn sạt lở. Bờ kè cũng đã được xây kiên cố lại, bà con không lo vườn trái cây, hoa màu bị ảnh hưởng nữa”. 

Sau khi thăm công trình khắc phục sạt lở, đoàn công tác đã tham dự buổi truyền thông về phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giao lưu cùng Tổ giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại chùa Tập Rèn, xã Thới An Hội (Kế Sách). Các thành viên của tổ đã được dự án đào tạo kiến thức về biến đổi khí hậu, cách sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh, sử dụng phần mềm cảnh báo sớm, từ đó cập nhật thông tin và lập kế hoạch ứng phó với thiên tai, huy động nguồn lực và vận động cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở địa phương…

Sau khi tham quan thực tế, dự án đã tiến hành hội thảo tổng kết Dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại ĐBSCL”. Tại đây, các đại biểu được nghe kết quả đánh giá cuối kỳ của dự án, xem phim tổng kết hoạt động dự án và lắng nghe chia sẻ về tác động của dự án của cộng đồng cũng như chính quyền địa phương đến từ huyện Kế Sách và TP. Trà Vinh. Sau đó, toàn thể đại biểu tham gia đối thoại về mô hình sinh kế nông nghiệp bền vững và trao đổi về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. Ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ AFV cho biết: “Dự án tập trung vào 2 vùng trọng điểm dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu là TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh và huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Với sự quan tâm và vào cuộc của tất cả các bên liên quan, các kế hoạch công việc của dự án đã được hoàn thành như mong đợi”.

Sau 2 năm triển khai, kết quả nổi bật của dự án đã góp phần giúp cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên người dân tộc thiểu số sinh sống trong khu vực bị tác động bởi thiên tai và biến đổi khí hậu được đảm bảo an toàn, đời sống được cải thiện thông qua hỗ trợ các giải pháp và cơ chế phòng ngừa, giảm nhẹ, phối hợp và ứng phó với rủi ro thiên tai theo cách bền vững. Thành công bước đầu của dự án còn là dịp để nhân rộng những bài học thành công của dự án trên phạm vi toàn quốc, góp phần tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quang Bình

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: