Khai thác khoáng sản chưa đem lại hiệu quả

08/08/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 08/08/2017 | 06:00

STO - Hiện nay, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là khai thác cát dưới lòng sông Hậu để phục vụ san lấp các công trình xây dựng. Theo dự báo của các ngành chức năng, nhu cầu sử dụng cát san lấp các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 khoảng trên 2 triệu m3.

Với dự báo nhu cầu sử dụng cát như trên, để không làm ảnh hưởng đến các công trình giao thông, thủy lợi và tránh khả năng gây biến động đến dòng chảy của dòng sông Hậu, cũng như gây sạt lở bờ sông, bờ cồn, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sinh vật sống đáy sông, UBND tỉnh đã có quy định vị trí hoạt động khai thác cát dưới lòng sông Hậu phải cách xa bờ từ 150m đến 200m.

Khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu khai thác cát lòng sông Hậu.

Theo quy hoạch được duyệt vào năm 2010, trên địa bàn tỉnh có tổng trữ lượng cát được thăm dò, đánh giá hơn 89 triệu m3 và trữ lượng được cấp phép khai thác còn khoảng 85 triệu m3. Tỉnh cũng quy hoạch giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020, với diện tích khai thác hơn 2.000ha và trữ lượng 45 triệu m3 cát, chủ yếu là thuộc tuyến trên sông Hậu đổ ra cửa Định An có vị trí tiếp giáp với tỉnh Trà Vinh và thuộc các huyện: Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung. Đối với giai đoạn sau năm 2020, khu vực khai thác chủ yếu trên tuyến sông Hậu thuộc các huyện: Long Phú, Trần Đề và Cù Lao Dung với diện tích khai thác hơn 1.900ha và trữ lượng gần 40 triệu m3 cát, đây là khu vực được quy hoạch dự trữ để khi có nhu cầu cấp thiết mới khai thác.

Theo đồng chí Đồng Thống Nhất - Trưởng Phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản và Khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên và Môi trường), trên cơ sở quy hoạch được duyệt, từ năm 2010 đến năm 2012, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp 5 giấy phép khai thác cát san lấp trên lòng sông Hậu cho 4 tổ chức. Qua triển khai kế hoạch khai thác theo nội dung đã cấp phép, hiện còn gặp một số khó khăn do vị trí khu vực được cấp phép nằm ở cuối nguồn sông Hậu nên cát có chất lượng kém, lẫn nhiều tạp chất, chưa đáp ứng được yêu cầu của một số công trình xây dựng. Ngoài ra, khi triển khai kế hoạch khai thác, doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Luật Khoáng sản, phải nộp ký quỹ phục hồi môi trường, thuế tài nguyên… theo quy định. Do đó, sau khi nhận thấy chất lượng cát chưa đáp ứng yêu cầu công trình xây dựng nên các doanh nghiệp được cấp phép đã tạm ngưng hoặc dừng hoạt động khai thác. Đến nay chỉ còn 2 doanh nghiệp được cấp phép có giấy phép hiệu lực khai thác nhưng hoạt động khai thác không hiệu quả.

Thời gian gần đây, tình trạng khan hiếm cát xây dựng ở một số địa phương đã làm giá cát tăng cao, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình xây dựng. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức cuộc họp, trong đó có đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm cát xây dựng và giải pháp sản xuất vật liệu thay thế cát. Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp đánh giá về công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi, Bộ Xây dựng có công văn đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan có liên quan tính toán, cân đối cung - cầu sử dụng cát xây dựng và vật liệu san lấp, sử dụng vật liệu thay thế có sẵn tại địa phương.

Tại Sóc Trăng, qua xem xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng về việc giá cát tăng đột biến, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường công tác quản lý các công trình, có giải pháp sử dụng vật liệu khác thay thế cát tự nhiên dùng để san lấp; đồng thời sử dụng cát tự nhiên có hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bêtông và vữa thay thế cát tự nhiên. Ngoài ra, phải nâng cao trách nhiệm giám sát thi công, không để tình trạng nhà thầu lợi dụng biến động giá cát để kéo dài, tạm ngưng thi công, chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước dẫn đến vi phạm hợp đồng ký kết; tăng cường công tác quản lý nguồn gốc xuất xứ, vận chuyển cát xây dựng; thường xuyên theo dõi về chất lượng, giá cả theo đúng quy định, đặc biệt chú ý tới tác động xấu đến môi trường và gây sạt lở, sụt, lún bờ sông trong quá trình khai thác cát.

Hiện nay, chủ trương của tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp rà soát, đánh giá thống kê trữ lượng khoáng sản nhằm tiếp tục hoạt động trên khu vực tỉnh đã cấp phép. Việc khai thác, tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên là chủ trương chung của Chính phủ và cũng là chủ trương của tỉnh. Để tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, một số công trình xây dựng có thể sử dụng vật liệu không nung hay tro, xỉ than… làm vật liệu san lấp thay thế cát tự nhiên trong các công trình xây dựng. 

Hải Hà

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: