Sản xuất ổn định hơn từ nguồn vốn hỗ trợ

08/12/2017 14:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 08/12/2017 | 14:00

STO - Nhằm giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã triển khai nhiều đề án khuyến công. Từ đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Từ nguồn vốn hỗ trợ, anh Hồ Văn Cò - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy sản Ngọc Điệp ở xã An Thạnh 2 (Cù Lao Dung) đã đầu tư vào dây chuyền sản xuất đá tinh khiết.

Cũng giống như nhiều doanh nghiệp trẻ khác, giai đoạn đầu khởi nghiệp là quãng thời gian mà anh Hồ Văn Cò - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy sản Ngọc Điệp ở xã An Thạnh 2 (Cù Lao Dung) chuyên về chế biến thủy sản phải đối mặt với những khó khăn, nhất là về vốn. Muốn nâng cao giá trị sản phẩm, bắt buộc công ty anh Cò phải trang bị thêm nhiều máy móc, thiết bị mới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải đầu tư số vốn rất lớn, đặc biệt, là công ty hoạt động về chế biến thủy sản nên trong danh sách các loại máy móc, thiết bị cần đầu tư không thể thiếu dây chuyền sản xuất đá tinh khiết dạng đá mi.

Theo anh Cò, tổng kinh phí đầu tư các dây chuyền sản xuất lên đến hơn 18 tỉ đồng, trong đó, kinh phí khuyến công địa phương đã hỗ trợ 140 triệu đồng. Nguồn kinh phí này đã góp phần giải quyết những khó khăn mà công ty gặp phải. Anh Cò chia sẻ: “Từ nguồn vốn hỗ trợ, tôi đầu tư vào dây chuyền sản xuất đá tinh khiết, từ đó công ty đã chủ động được nguồn nước đá phục vụ sản xuất. Nếu như trước đây mua nước đá bên ngoài, mỗi tháng, công ty tôi tốn từ 150 đến 200 triệu đồng, mà nhiều khi còn bị gián đoạn sản xuất do không đủ nước đá thì hiện nay mỗi tháng đã giảm được khoảng 100 triệu đồng từ chi phí mua nước đá”. Điều đáng nói là, sau khi đầu tư công nghệ mới để phục vụ sản xuất, mỗi ngày công ty của anh Cò đã tạo ra khoảng 15 tấn nước đá, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Là 1 trong 8 xã, thị trấn của huyện Cù Lao Dung được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã đảo, An Thạnh 2 có tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, số lượng cơ sở sản xuất, chế biến tôm trên địa bàn còn rất ít. Theo anh Trần Diệu Xiêm - Phó Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cù Lao Dung, trên địa bàn huyện có hơn 80 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó, Công ty TNHH MTV Thủy sản Ngọc Điệp được thành lập khoảng 2 năm. Vừa qua, công ty được hỗ trợ vốn để đầu tư máy móc đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm của công ty, tiêu thụ nguyên liệu tôm và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Việc đẩy mạnh sản xuất của các doanh nghiệp còn thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, tạo việc làm cho người lao động và giảm các tệ nạn xã hội khu vực nông thôn. Thực tế những năm qua, hiệu quả nổi bật nhất mà các đề án khuyến công đạt được là đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Đồng thời, các đề án cũng đã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc nhiều thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp một cách bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế.

Thiện Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: