• Nông nghiệp

Cần chú trọng chất lượng sản phẩm trong nuôi tôm nước lợ

16/05/2020 08:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 16/05/2020 | 08:00

STO - Đó là một trong những ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020 được tổ chức tại Sóc Trăng vừa qua. Đồng thời, thông qua các ý kiến của doanh nghiệp, các địa phương đặt ra tại hội nghị trong việc sản xuất con tôm nuôi nước lợ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu cũng như để nghề nuôi tôm bền vững, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp tại các tỉnh nuôi tôm trong tình hình hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã nêu các vấn đề trọng tâm để các tỉnh, doanh nghiệp, người nuôi tôm có hoạch định để vụ mùa nuôi tôm nước lợ năm 2020 thắng lợi...

Chớp thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong 3 tháng xuất khẩu đầu năm 2020, giá trị con tôm tăng mặc dù chịu sự tổn thương do tác động dịch bệnh Covid-19 đến ngành hàng. Cùng với đó, trong tháng vừa qua có những cơn mưa nên đã tháo gỡ khó khăn trong việc tổ chức sản xuất. Song song đó là tín hiệu thị trường khởi sắc, bởi tới đây khi Hiệp định thương mại tự do EU được phê chuẩn xong thì sẽ có tác dụng ngay đến những quý cuối năm nay.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu trong lần đi thực tế trại ương tạo giống chất lượng cao. Ảnh: Thúy Liễu

Do vậy, hội nghị triển khai mùa vụ nuôi tôm năm 2020 được sự đồng thuận rất cao của các ngành hàng, doanh nghiệp và người dân, đi đến thống nhất rằng ngành nuôi tôm phải chớp thời cơ để phấn đấu mục tiêu xuất khẩu giá trị con tôm cao hơn năm 2019 và đây là mục tiêu hoàn toàn có cơ sở. Bởi điều kiện thuận lợi cho mùa vụ đang đến, trước tiên phải tập trung khu vực nuôi bằng cách tận dụng những cơn mưa đã bắt đầu rải đều từ cuối tháng 4 đến tháng 5, nên tổ chức diện tích nuôi trồng theo đúng quy mô kế hoạch là hơn 700.000ha cả nước, trong đó 2 khu vực: tôm - lúa, tôm - rừng cần tổ chức sản xuất tốt. Tại hộ, doanh nghiệp cần áp dụng đồng bộ ứng dụng khoa học công nghệ mới nhất để tạo vùng nguyên liệu. Tiếp đến thực hiện công tác quản lý nhà nước tốt nhất từ Trung ương đến địa phương, kể cả kiểm tra, kiểm soát con giống, các sản phẩm dịch vụ thức ăn, chế phẩm. Sở NN-PTNT, các chi cục thủy sản, chi cục thú y phải vào cuộc quyết liệt để khống chế dịch bệnh, không lạm dụng kháng sinh, lạm dụng các chất hóa học khác.

Thông tin thêm về thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, phải khai thác một cách tốt nhất các thị trường như: Trung Quốc, châu Âu, đặc biệt là thị trường Nhật Bản vì năm 2018, 2019 đã có đến 20% tổng sản lượng xuất khẩu vào thị trường này và chú ý thị trường mới như Nga, nguyên do là năm 2019 nước ta có những chương trình thống nhất hợp tác với một số đối tác lớn ở nước bạn về con tôm, cá tra ngược lại nước ta sẽ tiếp cận một số mặt hàng của Nga như đậu tương, lúa mì… Bên cạnh đó, cần chú trọng thị trường trong nước vì nước ta với 100 triệu dân và 20 triệu khách du lịch, đây là thị trường khổng lồ cần phải coi trọng, có như vậy mới có dung lượng thị trường tốt để đảm bảo sức tiêu thụ không phải 800.000 tấn tôm mà tiến tới hơn 1 triệu tấn, giá trị không phải dừng lại 3,5 tỉ USD mà phấn đấu cao hơn, cùng với đó cần tham gia nhiều phân khúc thị trường, nhiều đối tượng mới có sản lượng xuất khẩu lớn.

Phải tạo ra các sản phẩm tôm sạch hơn

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin thêm, tổng sản lượng xuất khẩu tôm Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, điều này cho thấy nước ta đã có sự phát triển mạnh. Tuy nhiên, tới đây cần nuôi trồng tạo vùng nguyên liệu hơn 700.000ha, trong đó 600.000ha tôm - lúa, tôm - rừng và 100.000ha thâm canh bằng cách tổng rà soát lại và ứng dụng khoa học công nghệ trên nền tảng liên kết chuỗi thật chặt chẽ giữa người nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp để hình thành khép kín từ tổ chức sản xuất, chế biến đến thương mại; hướng đi mới không quá chú ý mở rộng diện tích mà chú ý đến chất lượng sản phẩm, ứng dụng nhiều các phương thức nuôi trồng bền vững như chăn nuôi hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học thay bằng chế phẩm hóa chất chăn nuôi với mật độ quản trị vừa phải ứng dụng thâm canh vừa phải tạo ra các sản phẩm sạch hơn.

Đẩy mạnh chế biến sâu tạo ra giá trị sản phẩm tốt hơn, tới đây ngành công nghiệp tôm Việt Nam sẽ đi theo hướng này, Bộ NN-PTNT đặc biệt coi trọng công tác giống và nước ta đang từng bước khẳng định làm chủ con giống. Riêng về con tôm thẻ thì 1 năm nước ta cần khoảng 250.000 cặp tôm bố mẹ và hiện nước ta làm chủ công nghệ hơn 40%, tiến tới trong thời gian ngắn ta hoàn toàn làm chủ để có cơ sở nghiên cứu ương tạo ra những đàn giống nước đủ sức cung ứng cho sản xuất đại trà 100%. Bên cạnh đó, con tôm sú Việt Nam bắt đầu nhân ra con tôm giống có giá trị kinh tế cao cộng điều kiện thích ứng lớn, cùng với đó là một số chủng loại tôm khác (thậm chí tôm càng xanh) nước ta cũng đang tập trung tạo chuỗi con giống, tạo quy trình chăn nuôi, chế biến dịch vụ. Ngành tôm Việt Nam không chỉ giá trị 4 tỉ USD mà sau 2025 - 2030 đạt 10 tỉ USD, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin thêm.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: