• Nông nghiệp

Chuyển đổi sản xuất, ưu tiên đến thu nhập nông hộ

12/06/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 12/06/2019 | 06:00

STO - Thời gian qua, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như xây dựng các dự án, đề án của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trong những năm tiếp theo, cũng như các kế hoạch của ngành nông nghiệp trong việc phát triển sản xuất tại các địa phương, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh những vấn đề trên.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết trong năm 2019, ngành nông nghiệp tập trung mạnh vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại các địa phương ra sao?

Đồng chí Lương Minh Quyết: Năm nay là năm thứ 3 ngành Nông nghiệp Sóc Trăng chủ trương chuyển dịch trong tái cơ cấu nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, qua đánh giá năm 2018 đã đạt một số kết quả đáng kể. Tuy nhiên, kiểm điểm lại vẫn thấy còn một số mặt hạn chế, do đó ngành tiếp tục phát huy những thế mạnh và khắc phục những tồn tại. Trong năm 2019, toàn ngành nông nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp ở các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt ở 5 huyện, thị xã gồm: Kế Sách, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung, TX. Vĩnh Châu, TX. Ngã Năm.

Đồng chí Lương Minh Quyết.

Đối với TX. Vĩnh Châu, ngành tập trung hỗ trợ 2 vấn đề chính: hỗ trợ bà con nuôi tôm và hỗ trợ nâng cao hơn nữa chất lượng hành tím. Còn huyện Kế Sách là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn, dự án cây ăn trái triển khai tại 7 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh thì Kế Sách được tập trung khá lớn trong thực hiện dự án. Với TX. Ngã Năm, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ xây dựng Đề án “3 cây 1 con” nhằm giúp địa phương phát huy tối đa thu nhập của người dân về nông nghiệp vùng trũng. Hỗ trợ huyện Mỹ Xuyên hoàn thành mục tiêu huyện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 – 2020. Còn ở huyện Cù Lao Dung thì được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sở, ban ngành tỉnh. Gần 2 năm qua, quá trình chỉ đạo chuyển dịch sản xuất từng bước, không thể ồ ạt, trong xây dựng các mô hình có liên kết cùng doanh nghiệp, tạo thành chuỗi cho sản phẩm an toàn chất lượng và tạo đầu ra.

Phóng viên: Nói đến Cù Lao Dung, việc chuyển đổi từ cây mía sang các cây trồng, vật nuôi khác đã mang lại tín hiệu tốt. Dưới góc độ chuyên môn, đồng chí có nhận xét như thế nào và hướng để huyện phát triển bền vững các mô hình trên, thưa đồng chí?

Đồng chí Lương Minh Quyết: Qua thực tế các mô hình chuyển đổi từ mía sang đậu nành rau, nhãn Ido, thủy sản, cây ăn trái… bước đầu thấy có hiệu quả. Để mang tính bền vững, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cùng địa phương hướng dẫn người dân phát triển trong các mô hình đã triển khai. Trước mắt, sản phẩm đảm bảo sạch, an toàn hướng tới sản phẩm hữu cơ. Điều quan trọng nhất là với Dự án cây ăn trái đặc sản triển khai, khi thực hiện tại vườn của hộ dân nào thì mô hình đó phải vừa mang lại kinh tế vừa kiểu mẫu. Vì trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương đều thi đua với nhau là vườn kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, nhà mẫu… Tất cả những cái này tạo nên diện mạo nông thôn. Vì vậy, quá trình tái cơ cấu trong thời gian tới kết hợp xây dựng nông thôn mới là làm sao cho thu nhập của người dân nâng lên cũng như môi trường nông thôn ngày càng “sáng - xanh - sạch đẹp”. Đây là hướng đi tôi cho rằng có hơi chậm, nhưng quá trình chúng ta chuyển từ chiều rộng, sang chiều sâu phải chấp nhận vấn đề này, chứ không ồ ạt nhằm tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Và chúng tôi sẽ đảm bảo việc chỉ đạo tới đâu chắc nhịp, hiệu quả tới đó, từng bước chuyển đổi một cách toàn diện, mang chất lượng cao.

Phóng viên: Được biết, một số bà con chuyển đổi mô hình ở Cù Lao Dung rất mong được tiếp cận chương trình quy chuẩn VietGAP và cấp mã vùng trồng. Vì vậy, ngành nông nghiệp tổ chức sản xuất và hướng dẫn hỗ trợ hộ dân như thế nào để đạt tiêu chuẩn trên, thưa đồng chí?

Đồng chí Lương Minh Quyết: Khi xây dựng các mô hình đảm bảo đạt sản lượng, sản phẩm làm ra phải tiêu thụ được không chỉ trong nước mà xuất khẩu nước ngoài. Chẳng hạn như năm 2018, đã xuất khẩu vú sữa tím ở 2 xã Trinh Phú, Xuân Hòa (Kế Sách). Muốn được đầu ra phải ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, chúng ta vẫn chưa thể xuất khẩu được mà phải tiến tới cấp mã code (truy xuất nguồn gốc). Hướng tới khi liên kết được doanh nghiệp, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng song song mô hình là vừa triển khai các định mức về yêu cầu kỹ thuật cây trồng vừa liên hệ với Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để cấp mã code cho bà con. Qua đó, khi doanh nghiệp vào có hợp đồng thu mua đã có sẵn mã code.
Về việc hỗ trợ bà con thì trước mắt Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần. Đồng thời, khi bà con nông dân đã nắm vững được các quy trình, tiêu chuẩn thì các sản phẩm xuất khẩu của hợp tác xã hoặc hộ gia đình phải bỏ một phần kinh phí cùng Nhà nước duy trì chứng nhận… Riêng về chuyển đổi cây trồng của nông dân, ngành nông nghiệp sẽ có hỗ trợ về phân bón cùng với một số hỗ trợ khác, như: giống, cây trồng, vật nuôi… phù hợp từng mô hình.

Thúy Liễu (Thực hiện)

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: