• Nông nghiệp

Đưa nông nghiệp trở thành một phần giải pháp của sự phục hồi nền kinh tế thời kỳ hậu Covid-19

10/07/2020 08:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 10/07/2020 | 08:00

STO - Đó là một trong những cam kết trong Chương trình Phát triển bền vững mới mà Tập đoàn Syngenta giới thiệu. Ngoài cam kết nêu trên, chương trình còn các cam kết khác, trong đó đặt cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học là cốt lõi của mô hình kinh doanh của tập đoàn và đưa nông nghiệp trở thành một phần giải pháp của sự phục hồi nền kinh tế thời kỳ hậu Covid-19.

Chương trình bao gồm các cam kết nhằm giảm lượng khí thải carbon từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân ứng phó với thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra. Theo Chương trình Phát triển bền vững mới, Tập đoàn Syngenta cam kết đầu tư 2 tỉ USD vào nông nghiệp bền vững tới năm 2025 và mang lại 2 đột phá mới về công nghệ cho thị trường mỗi năm. Các cam kết cụ thể trong chương trình được chia làm 4 nhóm: thúc đẩy sáng tạo vì nông dân và môi trường tự nhiên; hướng tới hoạt động canh tác nông nghiệp trung hòa carbon; giúp mọi người khỏe mạnh và an toàn; hợp tác để tạo nên tác động lớn hơn.

Tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác bền vững các loại cây trồng.

Các cam kết được Syngenta đưa ra dựa trên những nghiên cứu thực tế. Theo kết quả một cuộc khảo sát toàn cầu do Tập đoàn Syngenta thực hiện đối với nông dân ở Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và trên khắp châu Phi, 72% nông dân lo lắng về tác động của biến đổi khí hậu đối với năng suất cây trồng, sức khỏe động vật và khả năng canh tác của họ trong 5 năm tới.

Nông dân ở khắp mọi nơi cũng phải đối phó với những tác động chưa từng có vì đại dịch Covid-19. Theo khảo sát, có tới 46% nông dân ở châu Âu cho biết hoạt động canh tác của họ đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch. Tuy nhiên, 53% cho rằng biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề cần lưu tâm hơn cả và 63% đồng tình rằng trong 5 năm tới, biến đổi khí hậu sẽ có tác động đến hoạt động canh tác lớn hơn so với ảnh hưởng của Covid-19.

Bà Alexandra Brand - Giám đốc Quản trị bền vững của Tập đoàn Syngenta cho biết, trong Chương trình Phát triển bền vững mới, việc đầu tư đáng kể vào các hoạt động sáng tạo là cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu và giúp tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa hệ thống sản xuất thực phẩm và thiên nhiên. Trong khi đó, theo kết quả của công ty nghiên cứu thị trường IPSOS MORI (Vương quốc Anh), đại đa số nông dân (87%) tin rằng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến khả năng canh tác lương thực của họ và 9% tin rằng giảm khí thải nhà kính sẽ giúp họ ổn định hơn về tài chính và tăng khả năng cạnh tranh. Do đó, Syngenta cam kết giảm 50% lượng khí thải carbon trong hoạt động của mình vào năm 2030 để hỗ trợ các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Trên nền tảng thành công của giai đoạn trước, trong chương trình Phát triển Bền vững mới, Syngenta tiếp tục phối hợp với các bên liên quan triển khai các dự án phù hợp với từng địa phương, góp phần giúp hàng vạn nông dân canh tác bền vững và hiệu quả, làm tròn sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững và cải thiện đời sống ở khu vực nông thôn.

Q.BÌNH (Tổng hợp)

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: