• Nông nghiệp

Góc nhìn kinh tế

Không hẳn tất cả đều khó

11/02/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 11/02/2020 | 06:00

STO - Như tin đã đưa, ngay từ tháng đầu năm 2020, nhiều khó khăn, thách thức đã dồn dập bủa vây ngành nông nghiệp khiến không ít nông dân lo lắng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào diễn biến tình hình sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản có thể thấy, bên cạnh một số ngành hàng gặp khó, vẫn có những ngành hàng đang có những thuận lợi nhất định.

Hiện nay, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và gay gắt. Tại một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu vào nội đồng 75 – 100km, gây nên tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, nhất là khu vực nông thôn. Chuyện thiếu nước tưới cho cây trồng là hiển nhiên, nhưng gay gắt và nguy cơ gây thiệt hại lớn nhất vẫn là cây lúa. Tình trạng trên không chỉ có nguyên nhân từ thời tiết, thủy văn mà còn có phần do chính nông dân tạo ra. Đây là điều rất đáng để suy ngẫm, bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã được dự báo từ khá sớm, nhưng sau vụ Đông – Xuân sớm trúng mùa, nông dân một số nơi vẫn tiếp tục xuống giống thêm vụ lúa nữa, bởi theo họ, chỉ cần có nước là lúa vụ này rất dễ trúng mùa.

Giá lúa vụ Đông – Xuân đang ổn định ở mức đảm bảo lợi nhuận khá cho nông dân.

Trong tình cảnh khó khăn chung về nước tưới, rất may là giá lúa từ đầu vụ đến nay luôn giữ ở mức khá, giúp nông dân trồng lúa có lời. Giá lúa giống OM hiện phổ biến ở mức 5.000 – 5.500 đồng/kg, còn các giống lúa ST có giá 6.000 – 6.500 đồng/kg. Tương tự như cây lúa, cây màu và cây ăn trái cũng gặp không ít khó khăn về nước tưới khiến việc sản xuất trở nên khó khăn hơn. Không những thế, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona làm cho một số mặt hàng trái cây, rau củ quả giảm giá vì không thể xuất khẩu sang Trung Quốc.

Một số trái cây có múi đang có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng, nhằm bổ sung vitamin C giúp cơ thể tăng sức đề kháng trước dịch viêm phổi cấp do virua Corona chủng mới.

Tuy nhiên, một số loại cây trái khác như các giống cây có múi: chanh, cam sành, bưởi… đang cho thấy có sự tăng giá đáng kể. Nếu như giá cam sành trước Tết Nguyên đán chỉ khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg thì hiện tại đã tăng lên 40.000 – 45.000 đồng/kg. Một trong những nguyên nhân giúp trái cây có múi tăng là do tâm lý người tiêu dùng muốn bổ sung nhiều hơn vitamin C, nhằm tăng đề kháng cho cơ thể trước dịch viêm phổi cấp. Một số loại rau ăn lá như xà lách, trước chỉ 7.000 đồng/kg hiện nay đã trên 20.000 đồng/kg do nguồn cung giảm vì thiếu nước tưới. Hay như giá hành tím mọi năm chỉ khoảng 15.000 – 20.000 đồng đã được xem là cao thì từ trước tết đến nay luôn ở mức 40.000 - 50.000 đồng/kg.

Một số loại rau ăn lá đang có mức giá cao.

Cũng nằm trong thế khó do ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng những hộ chăn nuôi heo cũng có thể yên tâm phần nào khi giá heo hơi tiếp tục giữ ở mức cao. Theo mức giá người viết cập nhật, giá heo hơi khu vực ĐBSCL mấy ngày gần đây vẫn giữ ở mức 80.000 đồng/kg trở lên và dấu hiệu tăng thêm vẫn còn để ngỏ. Việc giá heo hơi giữ ở mức cao cùng với tình hình dịch tả heo châu Phi có phần lắng dịu sẽ giúp cho người chăn nuôi heo mạnh dạn hơn trong việc tái đàn, nhất là đối với những hộ chăn nuôi quy mô trang trại, chăn nuôi an toàn sinh học.

Một lo lắng lớn nhất đối với ngành nông nghiệp chính là liệu giá tôm nước lợ có bị tác động từ đợt dịch viêm phổi cấp do virus Corona mới gây ra hay không? Lo lắng trên là có cơ sở bởi Trung Quốc vốn dĩ là 1 trong 4 thị trường tiêu thụ tôm nước lợ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2019. Tuy nhiên, qua trao đổi với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong tỉnh hầu hết đều cho rằng, tác động là có, nhưng mức độ sẽ không lớn như một số ngành, lĩnh vực khác. Theo các doanh nghiệp, thị trường Trung Quốc chủ yếu tiêu thụ tôm sú cỡ lớn, còn tôm thẻ phổ biến lại là cỡ nhỏ. Trong khi đó, hiện nay, mùa vụ tôm sú tại các tỉnh ĐBSCL đã kết thúc và phải đến 4 – 5 tháng sau mới lại vào vụ.

Đối với con tôm thẻ, dù dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới bùng phát tại Trung Quốc từ trước tết, nhưng qua theo dõi giá tôm thẻ từ tháng cuối năm 2019 đến nay, người viết nhận thấy không có sự biến động lớn, mặc dù một số địa phương đã vào vụ nuôi tôm thẻ từ rất sớm do độ mặn tại các vùng nuôi năm nay đến sớm và khá cao. Và một khi điều kiện nuôi thuận lợi, rất ít người nuôi tôm thẻ chịu thu hoạch tôm cỡ nhỏ, mà thường cỡ tôm thu hoạch ít nhất cũng phải 50 con/kg. Hơn nữa, thời điểm thu hoạch tôm rộ thường bắt đầu từ tháng 7 trở đi, trong khi hiện các nước và cộng đồng quốc tế đang chạy đua nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị bệnh viêm phổi cấp do virua Corona chủng mới, nên hy vọng, dịch bệnh trên sẽ sớm được khống chế trước khi vụ tôm nước lợ năm 2020 bước vào thu hoạch rộ.

Điểm qua tình hình dịch bệnh, thị trường trong những ngày gần đây có thể thấy, khó khăn là trước mắt, nhưng bên cạnh đó vẫn có không ít những thuận lợi, nếu nhà nông biết nắm bắt kịp thời thông tin. Hay nói một cách khác, dù có phần lo lắng, nhưng nông dân cũng không quá hoang mang bởi cơ hội vẫn còn ở phía trước. Vấn đề hiện nay là làm sao sản xuất đạt năng suất, chất lượng với một giá thành hợp lý để vượt qua thời điểm khó khăn này.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: