• Nông nghiệp

Kinh nghiệm để có vụ tôm thắng lớn

12/06/2020 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 12/06/2020 | 13:30

STO - Theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, điều kiện thời tiết các tháng đầu năm 2020 vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xảy ra hạn, mặn, cũng như xuất hiện các cơn mưa trái mùa và biến động nhiệt độ ngày đêm lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thả nuôi; qua đó có 100% các địa phương đã xây dựng lịch thời vụ thả nuôi tôm năm 2020 phù hợp tình hình thực tế. Thông qua lịch thời vụ, người dân đã nắm bắt kịp thời, đảm bảo vụ thả nuôi đúng tiến độ. Để vụ nuôi tôm thắng lợi, các tỉnh nuôi tôm khu vực ĐBSCL đã có những kinh nghiệm chia sẻ đến ngành chuyên môn và hộ dân các tỉnh có nuôi tôm nhằm góp phần tăng sản lượng tôm nuôi, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kinh nghiệm thực tiễn nghề nuôi tôm…

Là một trong những tỉnh lân cận với Sóc Trăng, Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm trên 280.000ha, sản lượng trên 190.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Theo quan điểm phát triển của tỉnh là hướng đến ổn định diện tích tôm nuôi, tăng mức độ thâm canh, tăng năng suất nhưng phải đảm bảo yếu tố bền vững, phát triển diện tích nuôi thâm canh hợp lý ở những nơi có điều kiện, phát triển mạnh nuôi quảng canh cải tiến, duy trì và phát huy tốt lợi thế tôm sinh thái (tôm - rừng, tôm - lúa) xúc tiến chứng nhận để nâng cao giá trị, tái cơ cấu lại hệ thống sản xuất ngành hàng tôm của tỉnh.

Áp dụng quy trình nuôi hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi. Ảnh: Thúy Liễu

Với những quan điểm nêu trên, ngành nông nghiệp Cà Mau đã triển khai các giải pháp trọng tâm trong nuôi tôm bằng cách tăng cường công tác quản lý thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất để xử lý, cải tạo môi trường dùng trong thủy sản theo quy định. Đồng thời, kiểm tra điều kiện cơ sở mua bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp phục vụ cho sản xuất, tập huấn, tuyên truyền cho người dân hiểu và sử dụng vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng, đúng quy định, chỉ đạo các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh sai quy định...

Qua đó, ngành nông nghiệp Cà Mau đã tăng cường quản lý chất lượng giống thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; triển khai khung lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ năm 2020; thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường vùng nuôi; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời; khuyến cáo người nuôi tôm ương dưỡng 2 - 3 giai đoạn và thả giống cỡ lớn để thả nuôi thương phẩm, nâng tỷ lệ sống cũng như hướng dẫn người nuôi cải tạo ao, đầm nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật mật độ thả vừa phải, phù hợp cho từng loại hình nuôi…

Đối với tỉnh Kiên Giang, để vụ nuôi tôm thành công, giải pháp thực hiện là ngoài việc ban hành khung lịch thời vụ, còn thực hiện nuôi tôm nước lợ áp dụng quy trình VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế theo yêu cầu thị trường, nạo vét kênh, mương tăng cường khả năng trữ nước sử dụng trong mùa khô phục vụ vùng nuôi tôm; quản lý chất lượng con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh trên tôm nuôi…

Ngành Nông nghiệp Trà Vinh cũng đã đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho nghề nuôi tôm nước lợ thắng lợi, đó là khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt cũng như áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, từng bước đưa ngành tôm của tỉnh đi theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; thông tin cho người nuôi dự báo về thời tiết, môi trường và biến động thị trường để kịp thời ứng phó; phân công cán bộ kỹ thuật hỗ trợ người nuôi tại những vùng nuôi tôm trọng điểm; quản lý chất thải trong nuôi tôm thâm canh mật độ cao để hạn chế ô nhiễm môi trường…

Giải pháp cho vụ nuôi tôm nước lợ

Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản, định hướng trong năm 2020, sản lượng tôm nuôi 830.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỉ USD. Để đạt được kế hoạch về sản lượng và xuất khẩu, Tổng cục Thủy sản nêu các giải pháp chính trong mùa vụ nuôi tôm trên cả 3 miền là: các ngành chuyên môn cùng địa phương cần chủ động theo dõi thời tiết, thủy văn, cập nhật thông tin diễn biến mực nước, mức độ hạn và xâm nhập mặn, làm tốt công tác phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi tôm nước lợ, tăng cường kiểm soát, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải tại các vùng nuôi để hạn chế hiện tượng tôm chết hàng loạt do môi trường, dịch bệnh; coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ, trong đó coi trọng bệnh là chính thông qua các mô hình, phương thức nuôi phù hợp từng vùng, từng đối tượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm…

Song song đó, tổ chức kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất và chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản, cân đối nhu cầu vật tư đầu vào tôm nuôi nước lợ và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, thông tin sai sự thật… làm mất ổn định sản xuất theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi với doanh nghiệp và người nuôi tôm, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm khâu trung gian để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận GlobalGAP, ASC…; không sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc, hóa chất trong nuôi tôm, nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: