• Nông nghiệp

Lúa thơm ST24 và tầm nhìn sau 25 năm

15/01/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 15/01/2018 | 06:00

STO - Sự kiện gạo ST24 của nhóm nghiên cứu do kỹ sư Hồ Quang Cua dẫn đầu được lọt vào top 3 loại gạo ngon nhất thế giới, một lần nữa khẳng định, chủ trương phát triển lúa thơm chất lượng cao của lãnh đạo tỉnh cách nay 25 năm là hoàn toàn đúng đắn và có tầm nhìn xa, trông rộng.

Việc được lọt vào top 3 loại gạo ngon nhất thế giới mới đây tại Ma Cau (Trung Quốc), sản phẩm gạo ST24 nói riêng và các giống ST nói chung của Sóc Trăng càng được các doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn. Đó không chỉ là vinh dự, là điều kiện thuận lợi để Sóc Trăng triển khai tốt hơn nữa Đề án phát triển những vùng sản xuất lúa đặc sản và góp phần xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt Nam.

Sau ST24, các thế hệ ST khác tiếp tục được đưa ra khảo nghiệm, trong đó có giống ST28. 

Ngành lúa gạo Sóc Trăng đã thu được “quả ngọt”, nhưng bên cạnh nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua (những người trực tiếp làm ra giống ST) có lẽ ít ai nghĩ đến một tập thể khác cũng góp phần rất quan trọng cho quá trình nghiên cứu, lai tạo các giống lúa thơm ST, đó chính là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh qua các nhiệm kỳ, từ khi tái lập tỉnh đến nay.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thể cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan trại thực nghiệm lúa giống của kỹ sư Hồ Quang Cua. Ảnh: Thiện Hải

Hôm 12-1 mới đây, chứng kiến hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu vừa nhậm chức ở Sóc Trăng không lâu đã tranh thủ thời gian xuống thăm kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu lúa ST tại khu khảo nghiệm giống ở Mỹ Xuyên mới thấy hết sự trân trọng và quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với sản phẩm này.

Nói đến sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với chương trình nghiên cứu lúa thơm không thể không nhắc đến một chủ trương, một quyết định mang tính táo bạo của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng vào năm 1992 đã xuất ngân sách mua về 300 tấn giống lúa thơm Khao Dawk Mali để trồng thử nghiệm, phục vụ cho công tác đánh giá tính thích nghi và nghiên cứu.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu cùng đoàn công tác thăm ruộng khảo nghiệm các giống lúa thơm ST của kỹ sư Hồ Quang Cua. Ảnh: X.T

Sở dĩ cho là táo bạo vì lúc này, các tỉnh khác chủ yếu tập trung vào các giống lúa cao sản để đảm bảo an ninh lương thực là chính, trong khi đó, Sóc Trăng lại là một tỉnh rất nghèo, tỷ lệ hộ thiếu đói còn cao, nhưng lại đi làm những giống lúa chất lượng cao, vốn chỉ phục vụ cho giới trung lưu và thượng lưu. Tuy nhiên, có mấy ai hiểu được, cái sự táo bạo ấy đã được lãnh đạo tỉnh tính toán rất kỹ lưỡng cho một tương lai xa hơn, với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người trồng lúa bằng chất lượng, chứ không chỉ ở số lượng.

Tầm nhìn đó, cùng với sự đam mê nghiên cứu của đội ngũ khoa học trong tỉnh, đứng đầu là kỹ sư Hồ Quang Cua không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Sóc Trăng, mà còn nâng dần chất lượng, giá trị lúa hàng hóa trong tỉnh. Khi thời cơ đã chín mùi, lãnh đạo tỉnh một lần nữa có một quyết định hợp lòng dân và thị trường tiêu thụ khi ban hành Đề án phát triển vùng lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng, với mục tiêu biến Sóc Trăng trở thành thủ phủ lúa thơm của cả nước.

Tuy cũng có đôi lúc thăng trầm vì thời tiết, dịch bệnh, giá cả thị trường và sự cạnh tranh từ các giống lúa trong lẫn ngoài nước, nhưng các giống lúa thơm ST vẫn lần lượt ra đời, với những giống sau thơm ngon hơn giống trước, cùng tốc độ phát triển diện tích trồng các giống lúa thơm mang tên ST tăng dần qua mỗi năm. Không chỉ phát triển trong tỉnh, nhiều giống ST còn được trồng trên diện tích lớn tại nhiều tỉnh, thành ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với chất lượng, hiệu quả cao hơn hẳn so với nhiều giống lúa khác.

Tầm nhìn sau 25 năm đã mang lại những thành tựu nhất định và hiện tại, lúa ST24 nói riêng và các dòng ST nói chung đang rất cần một tầm nhìn mới để có thể vươn xa hơn nữa trên thị trường trong và ngoài nước. Đó là việc làm sao để ST có được chính sách hỗ trợ trong nghiên cứu lẫn sản xuất để duy trì, nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng; là việc tranh thủ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm công nhận ST24 là giống quốc gia và đưa giống ST vào danh sách gạo xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để doanh nghiệp yên tâm xây dựng vùng nguyên liệu.

Việc lọt vào top 3 loại gạo ngon nhất thế giới cũng chỉ mới là thành tựu bước đầu, nên các giống ST rất cần có một chủ trương, chính sách mang tính dài hơi hơn nữa để giữ vững và nâng cao vị thế của mình trên thị trường thế giới.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: