• Nông nghiệp

Góc nhìn kinh tế

Năm "khó" của ngành chăn nuôi

29/10/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 29/10/2019 | 06:00

STO - Trong khi người chăn nuôi heo bị dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại nặng thì người chăn nuôi gia cầm cũng gặp khó không kém do giá cả liên tục giảm mạnh, khả năng tái đàn đón tết hiện vẫn là bài toán khó cho người chăn nuôi.

Do tổng đàn tăng cao và lượng gia cầm thịt nhập khẩu tăng mạnh, việc tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm gặp khó, giá cả giảm mạnh.

Báo cáo 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy, tổng đàn heo của tỉnh giảm đến 41,18%, mà nguyên nhân chính là do dịch tả heo châu Phi bùng phát mạnh. Các con số thống kê cho thấy, chưa hết 9 tháng đầu năm, nhưng toàn tỉnh đã phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi tại 2.868 hộ chăn nuôi trên tổng đàn 55.279 con, với tổng trọng lượng 3.743 tấn. Đây được xem là một trong những trận dịch gây thiệt hại lớn cho đàn heo của tỉnh từ trước đến nay. Dịch tả heo châu Phi không những gây thiệt hại trực tiếp trên đàn heo của người chăn nuôi, mà còn gián tiếp kéo giá heo xuống thấp liên tục và gần như xuyên suốt trong 9 tháng đầu năm. Theo các số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, giá heo hơi từ khi có dịch đến giữa tháng 9 đã giảm từ 12.000 đồng – 13.000 đồng/kg.

Từ đầu tháng 10 đến nay, giá heo hơi trên đà tăng mạnh trở lại do nguồn cung bắt đầu khan hiếm. Hiện tại, nếu xuất chuồng 1 tạ heo hơi (100kg) người chăn nuôi có thể lãi gần 2 triệu đồng, còn theo các dự báo cho thấy, giá heo hơi dịp Tết Nguyên đán sắp tới nhiều khả năng sẽ chạm mốc kỷ lục 70.000 đồng/kg. Tiếc rẻ, đó là tâm trạng chung của người chăn nuôi heo, nhất là người chăn nuôi nhỏ lẻ, bởi việc tái đàn vào thời điểm này là rất khó, nếu không muốn nói là gần như không thể. Một trong những nguyên nhân chính là do dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, nên nguy cơ tái phát dịch, thiệt hại nặng là rất cao, nhất là thời tiết đang có dấu hiệu chuyển mùa. Mặt khác, do dịch bệnh bùng phát và kéo dài nên nguồn cung con giống hiện rất ít và giá cả cũng rất đắt đỏ cũng đang là rào cản cho việc tái đàn đối với người chăn nuôi.

Dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại trực tiếp, khiến người nuôi heo hết sức khó khăn. Ảnh minh họa

Thông thường, mỗi khi chăn nuôi heo gặp dịch bệnh thì các sản phẩm thay thế từ gia cầm sẽ được dịp tăng giá, nhưng điều đó chẳng những không xuất hiện trong đợt dịch tả heo châu Phi lần này, mà ngược lại, giá các loại gia cầm và sản phẩm gia cầm còn giảm thê thảm. Nếu như giá heo hơi giảm từ 12.000 - 13.000 đồng/kg, thì giá gà công nghiệp và vịt thịt cũng giảm tương ứng là 12.000 đồng và 14.000 đồng/kg, kéo theo giá trứng cũng giảm bình quân khoảng 400 đồng/trứng. Do đó, mặc dù tổng đàn gia cầm tăng gần 25% trong 9 tháng đầu năm, nhưng mức lợi nhuận thì không tăng tương ứng và người chăn nuôi gia cầm vẫn lâm vào cảnh khó không thua kém gì người chăn nuôi heo.

Giá gà công nghiệp và vịt thịt đã bất ngờ giảm sâu từ hơn 2 tháng nay và hiện vẫn chưa cho thấy có dấu hiệu hồi phục. Theo các chủ trang trại chăn nuôi gà, giá gà thịt giảm sâu một phần do tổng đàn tăng, nhưng việc số lượng thịt gia cầm nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2018 cũng tác động mạnh đến giá các loại gia cầm trong nước, trong đó có gà thịt chăn nuôi công nghiệp, khiến việc tiêu thụ trở nên khó khăn hơn. Theo ước tính của người nuôi gà công nghiệp, trong khoảng 2 tháng trở lại đây, nếu xuất chuồng, mỗi ký gà thịt cầm chắc thua lỗ từ 5.000 - 10.000 đồng, nên nhiều hộ tạm thời ngưng thả nuôi chờ thị trường khởi sắc trở lại mới tiếp tục tái đàn. Tuy nhiên, cơ hội gỡ gạc từ đợt thua lỗ lần này của người nuôi gà công nghiệp vẫn còn, bởi từ nay đến Tết Nguyên đán còn hơn 3 tháng nữa, trong khi mỗi đợt thả nuôi gà thịt công nghiệp chỉ khoảng 45 ngày.

Như vậy có thể thấy, năm 2019, cả 2 đối tượng chăn nuôi chủ lực là con heo và gia cầm của cả nước nói chung và trong tỉnh nói riêng đều gặp khó bởi dịch bệnh và thị trường tiêu thụ. Những khó khăn đó ít nhiều cũng tác động tiêu cực đến người chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi heo, do chưa kịp hồi phục sau hơn 2 năm giảm giá mạnh, giờ lại đến bùng phát dịch bệnh. Khó khăn cho ngành chăn nuôi và người chăn nuôi là hiện hữu, bởi muốn khôi phục lại tổng đàn sau dịch bệnh là một việc làm rất tốn kém và mất nhiều thời gian, trong khi nguồn lực của người chăn nuôi là có hạn.

Hy vọng, với sự nỗ lực của ngành chức năng, dịch bệnh sẽ được khống chế hoàn toàn trong thời gian tới, giá heo hơi và giá gia cầm sẽ được khôi phục để người chăn nuôi có thêm cơ hội tái đàn, góp phần đưa ngành chăn nuôi trở lại quỹ đạo phát triển như mục tiêu đề ra.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: