• Nông nghiệp

Năn - Hành trình “tách áo phèn” từ thôn ra thị

20/12/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 20/12/2018 | 06:00

Bài 2: Đưa năn “vượt rào” giới hạn

STO - Năn vốn là loại mọc hoang như cỏ dại, thường mọc nhiều ở vùng trũng ngập nước, mà bà con thôn quê thường gọi là lung. Sản vật này là món ăn quê hương được nhiều người dân miền Tây yêu thích và dùng đãi khách phương xa. Dần dà, năn được người dân địa phương khai thác, rồi trồng trên đất ruộng, đem lại thu nhập khá. Không chỉ có mặt ở vùng nông thôn, hiện nay năn còn được bán ở các chợ tỉnh, thị thành và có trong mâm cỗ, nhà hàng sang trọng.

Cây năn không chỉ “vừa miệng” người nông thôn mà còn chiều lòng người thành thị. Tuy nhiên, hiện nay sản vật này đang bị “khoanh vùng” vì khi nhú lên khỏi mặt nước, trong thời gian ngắn, năn sẽ chuyển màu, mất đi vị ngọt, giòn vốn có. Thêm nữa là, người trồng năn chỉ bán sản phẩm thô nên giá thành không cao, dễ bị thương lái ép giá khi không biết cách bảo quản làm cho năn xuống màu, năn không non.

Năn tươi chấm mắm kho, năn xào không cầu kỳ, nhưng nhìn ngon mắt, khi dùng ngon miệng.

Với khát vọng làm giàu trên mảnh đất thôn quê, đôi bạn 9X Nguyễn Ngọc Ngân, quê ở TX. Ngã Năm (Sóc Trăng) và Trần Văn Triển ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) tìm lối đi riêng cho cây năn với ý tưởng “Phát triển chuỗi cung ứng năn từ nông thôn đến thành thị, tạo thương hiệu cho quê hương đất Sóc”. Hai bạn trẻ tuy khác vùng quê nhưng chung một đam mê đã hợp sức tìm tòi, nghiên cứu, hướng đến mục tiêu tận dụng nguồn tài nguyên bản địa nhằm tạo ra sản phẩm khởi nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường vừa giúp bà con vươn lên khá giả từ chính thế mạnh cây trồng ở địa phương.

Câu chuyện đưa cây năn đi xa được manh nha khi mỗi lần Ngân về quê thì giấc ngủ chập chờn vì thấy cha mẹ và anh hai cứ 11 giờ khuya là thức dậy ra ruộng nhổ năn. Nhiều lúc em không kiềm được nước mắt vì thương anh hai phải thức khuya dậy sớm, gà chưa gáy sáng đã chở hơn trăm bó năn từ Sóc Trăng xuống tận Cà Mau giao cho người ta để được giá chênh lệch 3.000 đồng/bó.

Cô gái nhỏ Ngọc Ngân tâm sự: “Nghĩ mà thương những người trong gia đình nên em muốn mình làm điều gì đó để cho cha mẹ và anh hai bớt cực. Ban đầu, ý tưởng của em hướng đến giải phóng lượng năn thu hoạch, không qua khâu trung gian để được giá cao. Em và anh Triển đến các chợ, quán ăn, nhà hàng để chào hàng và được nhiều nơi đặt hàng. Em giao chủ yếu cho quán ăn, nhà hàng, tiểu thương trên địa bàn TP. Sóc Trăng được 50kg - 70kg năn/ngày (1kg tương đương 2 bó năn - loại tách bỏ lớp vỏ ngoài, chưa lặt bỏ phần già). Bước đầu, em thực hiện ý tưởng cũng gặt hái được thành công”.

Nguyễn Ngọc Ngân và Trần Văn Triển đồng hành trên hành trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm từ năn ở Sóc Trăng. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, ý tưởng của cả hai em cần được “nhào nặn” qua thời gian và thử thách. Vẫn giữ nụ cười tươi vì biết mình đang trong giai đoạn học nghề kinh doanh, Triển thật thà thổ lộ: “Ý tưởng thực hiện được 3 tháng thì tụi em dừng chuyện bán năn tươi. Cả hai nhận ra rằng vấn đề không phải ở đầu ra mà là năn không bảo quản lâu được. Năn được lặt xong thì ướp lạnh tầm 3, 4 ngày. Có lúc tụi em bị dội hàng. Loay hoay mãi, em với Ngân nghĩ ra nhiều cách bảo quản, hài hước là tụi em nghĩ đến chuyện sấy khô luôn. Cuối cùng tụi em chọn làm dưa. Hiện nay, tụi em làm hai loại dưa năn: dưa năn làm theo cách truyền thống và dưa năn vị kim chi. Tụi em nghiên cứu thiết kế bao bì, đóng gói, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… và xây dựng chiến lược truyền thông cho sản phẩm tự làm ra”.

Vừa hiện thực hóa ý tưởng, vừa học hỏi kinh nghiệm nên Ngân và Triển quyết định tham gia các cuộc thi khởi nghiệp để sớm biến ý tưởng thành dự án tạo lợi nhuận cho bản thân cũng như cho nông dân trồng năn. Với sự kiên trì, hai bạn trẻ đã gặt hái được thành công bước đầu là đạt giải nhì Cuộc thi Tuyển chọn ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Sóc Trăng năm 2018; giải khuyến khích Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động; lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần thứ 4-2018, với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (BSA) tổ chức và đạt giải 3 Cuộc thi khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long 2018. Qua các cuộc thi, cả hai đã trang bị cho mình nhiều kiến thức bổ ích và có sự thay đổi hướng đi cho phù hợp. “Từ ý tưởng “Phát triển chuỗi cung ứng năn từ nông thôn đến thành thị, tạo thương hiệu cho quê hương đất Sóc” nay nâng lên thành dự án “Phát triển thị trường và đa dạng hóa năn bộp, tạo thương hiệu cho quê hương đất Sóc Trăng””, Ngọc Ngân chia sẻ.

Và cuộc hành trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm từ năn ở Sóc Trăng được hai bạn trẻ thực hiện. Qua quá trình tiếp cận thị trường, hiện nay đã có 10 đại lý ở các tỉnh, thành như: An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh… đặt hàng sản phẩm dưa năn do hai bạn làm ra. Triển vừa cười vừa tiết lộ: “Hiện nay, tụi em đang xây dựng kế hoạch dài hơi để sản phẩm khi được bày bán tại các đại lý sẽ thu hút được người mua, được nhiều người biết đến món năn ở Sóc Trăng”.

Sản phẩm dưa năn được Ngân và Triển nghiên cứu làm ra. Ảnh: NVCC

Để hoàn thiện sản phẩm làm ra, Ngân giãi bày: “Món dưa tụi em làm ra có thời hạn sử dụng được 15 ngày kể từ ngày sản xuất. Với mong muốn đưa sản phẩm đi xa, tụi em đang tìm cách bảo quản sản phẩm dưa năn được lâu hơn mà vẫn giữ nguyên hương vị, đảm bảo an toàn thực phẩm và nghĩ ra cách đóng gói năn tươi có hạn dùng nhiều ngày. Nếu thành công, hứa hẹn trong tương lai sẽ giải quyết được những “ưu tư” của người trồng năn trong vùng. Người trồng năn không cần thức khuya nhổ năn, có thể nhổ năn ban ngày, có người đến thu mua không cần qua trung gian, năn bán được giá cao hơn so với mức hiện tại”.

Tuy cách làm của hai bạn trẻ khá táo bạo trong tiêu thụ năn, loại rau mang hương vị đồng nội nhưng mau mất màu, mất vị. Nhưng rõ ràng, với những bước đi có tính toán, cả hai đã nâng giá trị của cây năn. Từ bán sỉ tại nông thôn với giá 5.000 - 6.000 đồng/bó, cao nhất được 8.000 đồng/bó, sau khi sơ chế, giá 25.000 đồng/kg (loại 2 bó/kg - đã tách bỏ lớp vỏ ngoài, chưa lặt bỏ phần già) và 45.000 đồng/kg (loại 4 bó/kg - đã lặt bỏ phần già). Và sau khi làm dưa, đóng gói, sản phẩm từ năn có giá trên 130.000 đồng/kg (cần 700g đến 1kg năn loại lặt sẵn).

Theo Ngân và Triển, lợi nhuận từ việc thực hiện dự án “Phát triển thị trường và đa dạng hóa năn bộp, tạo thương hiệu cho quê hương đất Sóc Trăng” sẽ dành trả thù lao xứng đáng hơn đối với những người nông dân vất vả, dầm mình trong ruộng năn. Xa hơn nữa, khi sản phẩm từ năn được bán ra thị trường các tỉnh, thành khác ngoài vùng đồng bằng sông Cửu Long, cả hai đã thành công phá bỏ giới hạn, đưa năn “vượt biên” ra khỏi đồng bằng để phục vụ bữa cơm, buổi tiệc từ bếp ăn gia đình đến nhà hàng sang trọng. Và khi nhắc đến năn, nhắc đến dưa năn, lại gợi nhớ về vùng quê Sóc Trăng, miền sông nước hiền hòa ai đi xa thì thấy nhớ, ai đến lại không nỡ dời chân.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         Hoài Thương

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: