• Nông nghiệp

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng

Nâng cao chất lượng và quản lý công tác giống theo hướng xã hội hóa

06/04/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 06/04/2019 | 06:00

STO - Nhằm nâng cao năng lực cho nông dân trong việc chọn giống lúa, từng bước xã hội hóa công tác nhân giống lúa, Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng (VnSAT-ST) đã hỗ trợ cho nông dân thuộc vùng dự án tiếp cận phương pháp và kỹ thuật sản xuất giống lúa xác nhận chất lượng, góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Ông Trương Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức (Long Phú) cho biết: “Mấy năm gần đây, bà con nông dân đa phần đều sử dụng giống cấp xác nhận để nâng cao chất lượng, tạo giá thành sản phẩm cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Mặc dù có rất nhiều doanh nghiệp chuyên cung cấp lúa giống đảm bảo chất lượng nhưng giá bán lúa giống lại khá cao”.

Cũng theo ông Hùng, vụ lúa Đông - Xuân vừa qua, các thành viên trong HTX được tham gia lớp tập huấn về nhân giống và sản xuất cung ứng giống tại địa phương. Theo đó, bà con được thực hành trên đồng ruộng với 5 loại giống lúa gồm: OM9577, OM6976, OM7347, LP24 và LP43. Theo kế hoạch, vụ lúa Hè - Thu tới, HTX sẽ thực hiện mô hình sản xuất lúa giống áp dụng theo các quy trình kỹ thuật sản xuất mà Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng đã hướng dẫn, tùy theo nhu cầu thị trường và điều kiện của từng mùa vụ mà HTX lựa chọn giống lúa phù hợp để sản xuất.

Vụ Hè - Thu năm 2019, HTX Nông nghiệp Hưng Lợi sẽ liên kết với Trung tâm Giống cây trồng sản xuất lúa giống với diện tích 40ha. 

Thực tế, sản xuất giống nông hộ đã tồn tại phổ biến từ lâu, với mục đích là chủ động được lượng giống để sản xuất. Tuy nhiên kỹ thuật sản xuất giống nông hộ truyền thống chủ yếu dựa theo kinh nghiệm là chính, các nông hộ tự lựa chọn những mảnh ruộng phát triển tốt, thu hoạch và để riêng làm giống.

Ông Phạm Cẩm Bình - thành viên HTX Nông nghiệp Hưng Lợi cho biết: “Tham gia lớp tập huấn về nhân giống, chúng tôi được hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa giống từng giai đoạn. Để sản xuất ra lúa giống đảm bảo chất lượng, không được sử dụng thuốc kích thích và phải khử lẫn từ 3 đến 4 lần để loại bỏ các giống lúa bị lẫn tạp, đây là bước quan trọng nhất phải thực hiện. Đặc biệt, để tạo sản phẩm lúa giống thì không sạ lan mà áp dụng sạ hàng hoặc cấy. Điều này giúp tiết kiệm giống, phân bón và quản lý được dịch hại, giảm được chi phí đầu vào nhưng năng suất và chất lượng được nâng cao”.

Đồng chí Lê Trường Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Long Đức cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 80% nông dân canh tác lúa áp dụng kỹ thuật 3 giảm 3 tăng và 40% áp dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm. Đối với mô hình sản xuất lúa giống, bà con nông dân đã được Dự án VnSAT-ST hỗ trợ tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nhân giống và đã có một số hộ đã tự sản xuất giống nông hộ nhưng chưa bán ra thị trường. Dự kiến, trong năm 2019, địa phương sẽ xây dựng 2 mô hình điểm trình diễn nhân giống tại ấp Hòa Hưng và An Hưng với diện tích khoảng 20ha/điểm”.

Phó Trưởng Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng Ngô Thanh Cường cho biết: “Thời gian qua, Trung tâm Giống cây trồng phối hợp với Dự án VnSAT-ST tổ chức được 9 lớp tập huấn về sản xuất giống xác nhận cho các HTX thuộc vùng dự án. Nguồn giống nông dân tự sản xuất tại các HTX đều đạt yêu cầu, cụ thể như HTX Nông sản Mỹ Hương (Mỹ Tú) đã liên kết với Công ty Giống miền Nam và Cơ sở giống Thảo Nguyên sản xuất và cung ứng lúa giống RVT, Đài Thơm 8; mỗi vụ 40 - 50ha, với giá cao hơn lúa hàng hóa từ 800 - 1.000 đồng/kg”.

Cũng theo đồng chí Ngô Thanh Cường, trong năm vừa qua, trung tâm giống đã liên kết với Tổ hợp tác Trà Lây (Mỹ Tú) sản xuất 7,5ha giống OM5451, HTX Thạnh Thới Thuận (Trần Đề) 4ha giống OM4900… Tuy nhiên, do nông dân thay đổi giống sản xuất theo vụ và theo nhu cầu thị trường nên HTX chưa có kế hoạch sản xuất và cung ứng hợp lý và đồng thời các thiết bị sấy dê, đóng gói, tách hạt vẫn còn thiếu ở HTX.

Nhiều năm về trước, người dân trồng lúa vẫn chưa áp dụng các kỹ thuật canh tác cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, trong sản xuất lúa thường chú ý đến giống lúa mà ít quan tâm đến chất lượng hạt giống, đa phần người dân sử dụng giống tự sản xuất hoặc trao đổi giữa các nông dân với nhau, thậm chí có một số nông dân sử dụng lúa ăn để làm giống. Chính vì lẽ đó, giống lúa bị lẫn tạp, thoái hóa gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cũng như chất lượng lúa gạo. Tuy nhiên, những năm gần đây, ý thức của người dân đã có những chuyển biến đáng kể về sử dụng giống xác nhận.

Để nâng cao mức độ sử dụng giống cấp xác nhận của người dân, trước hết, người sản xuất phải thay đổi tư duy về giống cây trồng. Người có ý thức càng cao về vai trò quan trọng của giống cây trồng càng có động lực để thúc đẩy công tác sản xuất giống, kích cầu cung ứng giống. Từ đó, hệ thống giống từ khâu nghiên cứu đến sản xuất và lưu thông giống mới có điều kiện phát triển.

Tuyết Xuân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: