• Nông nghiệp

Nông dân “khóc ròng” vì lúa không đầu ra

20/02/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 20/02/2019 | 06:00

STO - Dọc theo tuyến đường từ thị trấn Mỹ Xuyên đến huyện Trần Đề, những cánh đồng lúa hai bên đường chín vàng rực, một số diện tích lúa chín tới khô nhưng không thấy bóng dáng của chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động như thông lệ. Hình ảnh chúng tôi bắt gặp là những nông dân đi thăm đồng với tâm trạng lo lắng, bởi lúa đã qua thời điểm thu hoạch nhiều ngày, chẳng có thương lái tìm đến mua như các mùa vụ trước nên đành bất lực, nhìn lúa khô dần.

Ông Lâm Thanh Hoàng ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn (Trần Đề) buồn bã bên ruộng lúa đã quá thời gian thu hoạch.

Dù rất bận rộn vào ngày cuối tuần do phải ký các loại giấy tờ cho người dân xin việc tại các công ty sau những ngày nghỉ tết, Phó Chủ tịch UBND xã Tài Văn (Trần Đề) Nguyễn Văn Mau vẫn tranh thủ đưa chúng tôi đến gặp những hộ nông dân đang chờ thương lái tới mua lúa. Thấy bóng dáng của người lạ đứng nhìn cánh đồng lúa, một số người dân với vẻ mặt hớn hở, đi nhanh về hướng chúng tôi hỏi xem có phải thương lái đến thu mua lúa.

Thất vọng vì không phải thương lái, ông Lâm Thanh Hoàng ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn thổ lộ: “Hiện tại, diện tích lúa hơn 15 công của tôi đã chín tới khô cả lá lúa, nhưng chẳng có bất cứ thương lái nào đến hỏi mua. Cùng thời điểm này năm trước, lúa mới bắt đầu đỏ đuôi, thương lái tìm đến hỏi mua nườm nượp, tôi chỉ việc đợi thương lái nào mua giá cao hơn thì chốt giá bán. Năm nay, thất vọng tràn trề, vừa ăn tết xong, tiền trong nhà cũng cạn, chỉ đợi gặt lúa xong bán chi xài và trả tiền vật tư nông nghiệp cho cửa hàng vì người ta đòi ráo riết, mà giờ lúa không ai mua, tôi quá sốt ruột nhưng không biết làm cách nào”.

Ông Sơn Phà Na ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn (Trần Đề) phơi lúa dự trữ.

“Giống lúa tôi canh tác là OM 6976, dù lúa thường nhưng chất lượng gạo khá tốt, mọi năm thương lái rất ưa chuộng. Giờ lúa đã qua 1 tuần chín, nếu tiếp tục neo sẽ gây thất thoát năng suất lớn, bởi lúa quá khô, kèm theo đó ảnh hưởng lớn đến việc xuống giống dưa hấu, bởi hàng năm kết thúc vụ lúa Đông - Xuân tôi đưa cây dưa hấu xuống chân ruộng tầm 5 công để kiếm thêm nguồn thu. Nếu lúa 1 tuần nữa không thể thu hoạch bán, xem như phải bỏ vụ dưa hấu, do trễ mùa vụ khó canh tác dưa, mất thu nhập hơn 100 triệu đồng. Còn với vụ lúa này, xem như lỗ nặng, việc tái sản xuất cho vụ mùa tiếp theo gặp khó bởi thiếu vốn. Mong ước của tôi là Nhà nước có cách nào đó giúp tôi tiêu thụ lúa, chứ giờ tôi đã bó tay” - ông Hoàng chia sẻ thêm.

Buồn bã nhìn 4 công đất lúa chín vàng ươm mà không có thương lái tìm mua, ông Sơn Phà Na ở ấp Chắc Tưng tâm sự: “Tôi canh tác lúa đã nhiều năm, chưa năm nào thấy việc bán lúa lại khó đến vậy, dù giá lúa thấp vẫn có thương lái tìm tới mua, nhưng nay không ai tới mua luôn, quả là vấn đề hy hữu. Tôi có tổng cộng 10 công đất sản xuất lúa, sốt ruột tôi đã gọi máy đến gặt lúa và vận chuyển đến nhà máy xay xát để bán, thậm chí tới đó, tôi phải tự vác lúa từ dưới ghe lên và để luôn lên bàn cân cho họ, ấy thế mà giá lúa bán chỉ 4.500 đồng/kg, xem như phá huề, mất luôn phí vận chuyển. Với 4 công lúa còn lại, tôi đã gặt xong đem vào nhà và đang phơi trữ lên, chờ giá bán”.

Ông Đinh Liêm ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn (Trần Đề) bên ruộng lúa Nhật dù được ký hợp đồng nhưng vẫn lo bởi doanh nghiệp sẽ không mua hết số lúa.

Góp vào câu chuyện, ông Đinh Liêm, ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn (Trần Đề) bộc bạch: “Mặc dù các mùa vụ trước, lúa sau thu hoạch bán giá tốt nhưng để đảm bảo lợi nhuận, tôi đã chuyển đổi làm giống lúa Nhật có được hợp đồng ký kết thu mua lúa của doanh nghiệp thông qua trung gian nên thấy yên tâm. Với 3ha, khoảng 5 ngày nữa là tới ngày thu hoạch nhưng mấy hôm nay, chỗ ký kết thu mua lúa thông tin rằng do lúa khó tiêu thụ, giá lúa sẽ giảm xuống so với hợp đồng ban đầu, kèm theo đó là không thu mua hết số lượng lúa 3ha, chỉ thu khoảng 40% sản lượng lúa, bởi doanh nghiệp mua nhiều lỗ rất nặng nên mong tôi chia sẻ cùng họ. Sau khi nghe họ trao đổi tình hình, tôi gần như mất ngủ vì lo lắng, bởi nếu lúa giảm giá xuống mức 4.600 đồng/kg thì xem như phá huề, ngoài ra họ thu mua không hết số lúa, số còn lại phải dự trữ, phát sinh thêm chi phí thuê nhân công vận chuyển đến lò sấy và vấn đề lớn tìm nhân công đâu ra bởi thanh niên trẻ họ đã đi làm công nhân hết rồi. Giờ đây, tôi chỉ mong các cấp chính quyền, các ban ngành tìm giải pháp hữu hiệu cho nông dân bán được lúa; hỗ trợ vay vốn ưu đãi, thời hạn lâu dài, giúp dân yên tâm bám cây lúa. Chứ giờ giá vật tư tăng cao, trong khi giá lúa xuống thấp và không bán được, tiền vật tư nông nghiệp phải trả nếu không họ sẽ không cung ứng vụ kế tiếp, giá lúa thấp, bị lỗ và bán không được buộc chúng tôi phải đi vay nóng bên ngoài kéo theo tiền lãi, chắc vụ tiếp theo không lợi nhuận”.

Phó Chủ tịch UBND xã Tài Văn Nguyễn Văn Mau thông tin: “Diện tích xuống giống lúa vụ Đông - Xuân năm 2018 - 2019 của xã là 2.910ha, ước sản lượng 37.000 tấn, xã có hơn 80% diện tích sản xuất các giống lúa chất lượng cao, chủ lực là giống RVT, Đài thơm 8, OM 4900, năng suất lúa bình quân ước đạt 6,5 - 7 tấn/ha. Cái khó của vụ mùa năm nay là lúa của nông dân không xuất bán được, với 2.910ha, chỉ mới thu hoạch xong 1.000ha, diện tích còn lại đang chờ thương lái. Khó khăn của xã là chưa có sự liên kết bao tiêu lúa của doanh nghiệp. Vì vậy, xã mong các cấp có hướng giúp xã kêu gọi doanh nghiệp thu mua lúa cho người dân tại xã và tới đây xã sẽ thành lập thêm các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết doanh nghiệp bao tiêu lúa cho hộ dân tốt hơn”.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề Trần Hoàng Dũng cho biết: “Vụ Đông - Xuân năm 2018 - 2019, toàn huyện xuống giống 22.500ha, hiện lúa trên địa bàn huyện đang vào giai đoạn thu hoạch rộ nhưng chỉ có 7.000ha đã thu hoạch, số còn lại đang chờ lái mua mới thu hoạch. Ngoài việc thương lái không mua lúa, giá lúa đang ở mức quá thấp so cùng kỳ năm trước, chỉ ở mức 4.500 đồng - 4.600 đồng, người dân không có lợi nhuận, đó là tình hình chung của huyện trong mùa vụ này. Để tìm giải pháp, trước mắt huyện tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ mua lúa cho nông dân trên toàn huyện, các vụ mùa tiếp theo tăng cường tìm kiếm doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu lúa cho hộ dân và huyện cũng mong ban ngành tỉnh giúp sức huyện mời gọi doanh nghiệp đến mua lúa cho hộ dân”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: