• Nông nghiệp

Rau an toàn đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng

11/04/2018 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 11/04/2018 | 13:00

STO - Châu Thành là một trong những huyện được xem là nơi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn tốt nhất. Bởi ngoài cửa hàng bán rau tại thị trấn, rau, củ, quả còn được đưa đến từng bến ăn của các trường học trên địa bàn huyện và đưa vào siêu thị. Cùng với đó, huyện còn có mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao, cho năng suất, sản lượng vượt trội khi áp dụng quy trình sản xuất hiện đại của Israel.

Trong ánh nắng gay gắt của buổi chiều muộn, chúng tôi tìm đến thăm mô hình trồng màu trong nhà lưới của anh Danh Giang, ấp Phú Ninh, xã An Ninh. Đang ngồi nhổ cỏ, anh Giang nhìn chúng tôi cười, rồi giải thích: “Tôi tranh thủ nhổ đám cỏ xâm lấn nhà lưới, sợ sâu mò vào ăn cỏ rồi tấn công rau bên trong nhà lưới. Tại mình kỹ tính chứ lưới dày dặn khó lòng côn trùng lọt vào bên trong. Nhổ xong đám cỏ này, tôi còn phải thu hoạch hết mấy luống rau cải để vợ đem giao hàng ở chợ Sóc Trăng, mớ còn lại sáng đem ra chợ xã bán”.

Lấy tay lau vội những giọt mồ hôi chảy thành hàng dài trên trán, anh Giang tiếp tục câu chuyện: “Tôi trồng 10 công màu, bình quân thu hoạch 400kg rau cải các loại/ngày, với sản lượng trên, đôi khi trừ chi phí lợi nhuận có ngày hơn 5 triệu đồng tùy vào thời điểm màu có giá. Riêng diện tích màu trong nhà lưới 600m2, đợt màu Tết 2018, tôi chọn trồng các loại rau xà lách, bắp cải, các loại rau thơm hành nên thu số tiền hơn 10 triệu đồng. Bí quyết của tôi để trồng màu bán được giá thì chọn loại khó trồng trong mùa mưa, mùa nắng cũng thế chọn loại màu nào mùa nắng khó phát triển ít người canh tác thì làm. Chính vì vậy mà thu nhập của tôi luôn tăng trên cùng diện tích đất".

Rau màu được trồng trong nhà lưới phát triển xanh tốt.

Bên cạnh đó, thuận lợi của anh Giang là được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà lưới, giờ yên tâm mưa nắng gì canh tác màu không cần lo, cứ thích loại màu nào trồng loại đó vì có nhà lưới không ảnh hưởng thời tiết mưa nắng. “Tôi có tổng cộng 10 công đất chuyên canh cây màu, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm. Riêng diện tích nhà lưới 600m2 đã trồng được 4 đợt màu, ước 2 tấn màu các loại, lợi nhuận hơn 30 triệu đồng. Dự kiến tới, ngoài số màu trong nhà lưới, tôi quy hoạch 5 công trồng màu bên ngoài triển khai luôn nhà lưới nhằm giảm chi phí giá thành, nâng cao thu nhập”, anh Giang cho biết thêm.

Nếu như anh Giang được Nhà nước hỗ trợ đầu tư nhà lưới trồng màu thì anh Lâm Hoàng Chánh, ấp Phước Phong, xã Phú Tân tự bỏ tiền túi để đầu tư nhà lưới với diện tích khoảng 300m2. Theo anh Chánh, do yêu thích công việc làm nông, đặc biệt là khi anh đến Đà Lạt tham quan ruộng nông sản với đủ loại rau màu được trồng bên trong nhà lưới, tất cả các sản phẩm đều cho năng suất cao, màu sắc đẹp, bắt mắt, các loại rau màu có thể hái ăn ngay tại chỗ, không cần phải rửa nước vì họ áp dụng trồng màu theo tiêu chuẩn VietGAP...

Sau chuyến đi, về nhà, anh mạnh dạn đầu tư 30 triệu đồng xây dựng nhà lưới để trồng màu theo hướng an toàn, áp dụng kinh nghiệm học được từ nhà vườn ở Đà Lạt và người quen ở xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên). Khi hoàn thành nhà lưới và trang bị đầy đủ hệ thống phun tưới nước tự động, anh Chánh xuống lứa màu đầu tiên là trồng rau tần ô. Đây là loại rau có thể xem khó trồng nhưng khi được canh tác trong nhà lưới thì lớn nhanh, không tốn bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần bổ sung phân bón hữu cơ và cung cấp nước đầy đủ rau lớn nhanh như thổi, khoảng 35 ngày đã thu hoạch. Do trồng đợt đầu rút kinh nghiệm nên năng suất màu vẫn chưa cao lắm và lợi nhuận thu về không đáng kể.

“Tới đây, tôi dự kiến mở rộng diện tích nhà lưới lên 1.000m2 trồng chuyên canh cây rau tần ô, do tôi đã được bao tiêu đầu ra cho loại rau này với mức giá 35.000 đồng/kg. Nếu mở rộng diện tích, tương lai hứa hẹn 1.000m2 sẽ đem về thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Điều làm tôi tâm đắc nhất là rau trồng nhà lưới xem như sạch hoàn toàn, không làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng cũng như bản thân trong quá trình sản xuất”, anh Chánh cho biết thêm.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Võ Minh Luân cho biết: “Hiện tại đã đầu tư 12 nhà lưới tại địa bàn các xã Phú Tân, An Ninh, An Hiệp và thị trấn Châu Thành tương đương diện tích 7.200m2, mỗi nhà lưới bình quân 600m2. Qua thời gian triển khai mô hình màu trồng trong nhà lưới, kết quả là năng suất màu tăng, nhẹ chi phí đầu tư, nhẹ công chăm sóc, hạn chế hơn 90% dịch bệnh trên cây màu. Dự kiến cuối năm 2018, mô hình nhà lưới tăng 20 nhà trên địa bàn toàn huyện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp cho thị trường”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: