• Nông nghiệp

Tăng lợi nhuận thông qua liên kết sản xuất

18/08/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 18/08/2017 | 06:00

Là một trong những địa phương thuộc huyện Châu Thành có nền kinh tế phần lớn dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên việc tập hợp người dân hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã được lãnh đạo xã An Hiệp rất quan tâm. Bởi có liên kết sản xuất mới gắn kết nông dân canh tác lúa đồng loạt, theo đúng quy trình và cùng một loại giống. Qua đó, giúp khâu tiêu thụ lúa sau thu hoạch thuận tiện hơn, tránh tình trạng bị thương lái ép giá, do lúa được các doanh nghiệp bao tiêu.

Ông Sang cho rằng nhờ áp dụng mô hình sản xuất lúa “3 giảm 3 tăng” vụ lúa Hè - Thu sẽ bội thu.

Dù còn khá mới mẻ khi được thành lập không lâu, nhưng hầu hết các thành viên Hợp tác xã (HTX) An Trạch, xã An Hiệp cho rằng, khi tham gia vào HTX sẽ giúp bà con có cái nhìn mới hơn trong việc làm kinh tế tập thể và bà con còn được hưởng lợi ích trước mắt là nắm bắt kịp thời việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa. Vì bấy lâu nay bà con chỉ làm lúa theo phương pháp truyền thống và theo kinh nghiệm của bản thân, nhưng khi trực tiếp được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách chăm sóc lúa, bà con mới thấy thật sự có hiệu quả.

Theo thông tin từ ngành nông nghiệp, cái được lớn nhất khi tham gia vào HTX đó chính là việc góp phần giảm chi phí, tăng năng suất lúa, tăng lợi nhuận trên 1ha canh tác. Trao đổi với chúng tôi, ông Quách Dù Tôn - Phó Giám đốc HTX An Trạch chia sẻ: “HTX thành lập trong năm 2016, có 184 thành viên, với diện tích hơn 3.000ha. Khi chưa có HTX, nông dân phần lớn lựa chọn các giống lúa thường, phẩm chất hạt gạo thấp để canh tác và làm theo kinh nghiệm bản thân; nếu ai làm giỏi thì lúa năng suất cao, thậm chí “giấu nghề”, không chỉ bí quyết giúp lúa tăng năng suất, vì lo sợ người khác hơn mình. Nhưng khi có HTX, tất cả thành viên cùng tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, ai cũng học được kiến thức bổ ích về canh tác lúa và còn nhắc nhở lẫn nhau khi đến đợt bón phân, phun thuốc”. Cũng theo lời ông Tôn, chính bản thân ông mặc dù thường xuyên cập nhật kiến thức làm lúa trên mạng internet, nhưng chi phí sản xuất vẫn là vấn đề “nan giải” vì không liên tục theo dõi quy trình, chỉ khi cần thông tin mới tra cứu, nên dù lúa năng suất có tăng đôi chút nhưng chi phí vẫn ở mức cao. Đến khi HTX ra đời, ông cùng bà con xã viên được cán bộ kỹ thuật tập huấn chương trình “3 giảm 3 tăng” trong vụ lúa Hè - Thu và hiện tại lúa đang giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Khi tính toán lại quy trình sản xuất cả vụ lúa nhận thấy, việc áp dụng “3 giảm 3 tăng” đã giúp chúng tôi giảm khoảng 50% chi phí đầu tư suốt mùa vụ, chẳng hạn giống lúa giảm 100kg giống/1ha (trước cần 200kg/1ha); tuy giảm được giống nhưng năng suất lúa có phần vượt trội hơn, bởi bông lúa dài hơn, tỷ lệ hạt lép giảm; đồng thời giảm lượng phân bón khoảng 180kg/1ha/vụ, các bệnh trên cây lúa giảm 50% nên việc phun thuốc phòng ngừa, đặc trị chỉ là 2 lần/vụ (trước 5 lần/vụ). Dự kiến năng suất ước đạt 6 tấn - 6,5 tấn/ha, tăng 1 tấn/ha so cùng thời điểm 2016, với giá được doanh nghiệp bao tiêu, trừ hết các khoản chi phí, người trồng lúa sẽ thu về số tiền tăng gấp đôi so cùng kỳ năm trước” – ông Quách Dù Tôn chân tình thổ lộ.

Ông Lâm Văn Sang, ngụ ấp An Trạch cũng phấn khởi không kém. Với ruộng lúa 13 công của gia đình ông Sang, dự kiến năng suất lúa sẽ tăng khoảng 30% so cùng kỳ năm 2016, chi phí giảm 60%, ước thu hoạch khoảng 6,5 tấn/ha. Trừ hết các khoản chi phí sẽ bỏ túi hơn 20 triệu đồng/ha, tăng gấp đôi lợi nhuận so cùng kỳ. Ông Lý Sơn, ngụ ấp Phụng Hiệp góp lời: “Từ khi vào HTX, giúp tôi có cái nhìn mới hơn về cách làm ruộng theo quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, do học hỏi kiến thức từ kỹ sư nông nghiệp mà đã giảm phân bón, thuốc trừ sâu cung cấp cho lúa, giúp hạt lúa không ảnh hưởng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, góp phần đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”.

Ông Quách Dù Tôn cho biết thêm: “Dù mới thành lập HTX nhưng bước đầu chúng tôi đã tập hợp được các thành viên canh tác lúa theo cùng quy trình kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, chọn 3 giống lúa chất lượng cao sản xuất cho cả cánh đồng hơn 3.000ha, được doanh nghiệp bao tiêu. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất của HTX là nguồn nước phục vụ sản xuất vì dòng kênh gần Khu công nghiệp An Nghiệp nước thường xuyên bị ô nhiễm, nên ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa, rất mong ngành chức năng hỗ trợ cải thiện nguồn nước trên dòng kênh để chúng tôi có thể vừa làm lúa vừa trồng màu cải thiện thu nhập. Hướng tới, HTX sẽ góp vốn đầu tư một số loại máy chuyên dụng phục vụ khâu làm đất và thu hoạch lúa, cung ứng vật tư nông nghiệp, làm lò sấy và kiêm luôn dịch vụ thu mua lúa của các thành viên nhằm tích lũy nguồn thu, chia lợi nhuận cho từng thành viên trong HTX”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: